Premier League: Những pha tắc bóng vô hại
Mỉa mai ở chỗ là trong nhiều cú tắc bóng mang tính triệt hạ như vậy, nạn nhân bị nặng nhưng thủ phạm lại không bị trừng phạt. Hoặc nếu có, trọng tài chỉ cho anh ta một chiếc thẻ đỏ và kèm theo đó là 3 trận bị treo giò (như ở Anh). Tính ra, tại một giải đấu được xem là thiên về thể lực như ở Premier League, cầu thủ bị phạt nặng nhất là những cầu thủ có hành vi phân biệt chủng tộc, phi thể thao như đánh người, nhổ nước bọt…chứ không phải là những cầu thủ đã cho đối phương vào bệnh viện.
Gần đây nhất là trường hợp của trung vệ Ryan Shawcross (Stoke) sau pha vào bóng khiến tiền vệ Aaron Ramsey của Arsenal gãy chân và phải nghỉ thi đấu 1 năm. Những gì mà Shawcross nhận được ngoài một chút ăn năn chỉ là 3 trận bị treo giò. Cũng như vậy, Martin Taylor của Birmingham nhận thẻ đỏ với pha vào bóng khiến cổ chân trái của tiền đạo Eduardo da Silva (Arsenal) gãy gập.
Có lẽ, Keane là trường hợp gần như duy nhất dám thừa nhận anh vào bóng một cách chủ định thay vì cú ra chân ở đúng thời điểm Haaland lao đến. Trớ trêu là năm 1992, khi hậu vệ Paul Elliot của Chelsea kiện tiền đạo Dean Saunders của Liverpool ra tòa sau sau pha vào bóng khiến anh phải phẫu thuật 3 lần và giải nghệ, Elliot đã thất bại vì không chứng minh được Saunders phạm lỗi có chủ định.
Ở một trường hợp khác như Keane là Eric Cantona, lúc này khoác áo Auxerre. Cantona bị treo giò tới 3 tháng nhưng lỗi của tiền đạo 21 tuổi người Pháp không chỉ là cú vào bóng bằng cả hai chân với Michel Der Zakarian (Nantes) ở mùa giải 1987/88 mà còn vì hành động đấm vào mặt một cầu thủ khác. Đây là một trong những vụ việc khiến anh sau đó quay lưng với bóng đá Pháp và chuyển tới Anh thi đấu.
Nghệ thuật tắc bóng đã chết, nói như cựu trọng tài Graham Poll, nhưng phải thừa nhận là không nhiều cầu thủ vào sân với ý nghĩ sẽ cho đối phương phải ngồi xe lăn. Án phạt nhìn chung ở các nước do vậy vẫn chỉ là thẻ đỏ và một vài trận bị treo giò nếu so với những hành vi phi thể thao đáng lên án khác.
Mạnh Hào