Thua thảm trước Barcelona, Guardiola đã đi tới giới hạn năng lực?
Nhiều HLV đã và đang chịu ảnh hưởng từ triết lý bóng đá của Pep Guardiola. Nhưng có phải Pep đã chạm ngưỡng giới hạn năng lực, nếu nhìn lại 3 mùa Champions League gần nhất đội bóng của ông phải dừng bước ở bán kết?
Pep Guardiola là một trong những HLV vĩ đại nhất thế giới. Đó là điều không thể chối cãi nếu nhìn vào 21 danh hiệu trong 8 năm qua của nhà cầm quân 45 tuổi này.
Dễ hiểu khi rất nhiều HLV từ trẻ đến già đều học hỏi từ Pep. Eddie Howe là một trường hợp đáng chú ý, người đã giúp Bournemouth thăng hạng và trụ lại Premier League từ 2015 cho đến nay, thậm chí còn nằm trong danh sách ứng viên dẫn dắt ĐT Anh.
Chính chiến lược gia 38 tuổi này mới là người tiên phong trong việc để các trung vệ phát động tấn công, giống như những gì Stones đang làm ở Man City hay Terry làm tại Chelsea. Một minh chứng điển hình, Simon Francis của Bournemouth là hậu vệ chuyền bóng nhiều nhất (2.106 đường) ở EPL 2015/16.
Luis Enrique, 46 tuổi, cũng là một chiến lược gia trẻ như Eddie Howe. Ông gặt hái thành công ngay lập tức tại Barca nhờ phát triển thành quả mà Pep để lại.
Ở thời của Pep tại Nou Camp, cánh trái nơi Abidal và Henry đảm nhận bị đánh giá là yếu nhất. Nhưng Enrique giúp đội chủ sân Nou Camp cân bằng và ổn định hơn nhờ sự xuất hiện của 2 siêu sao Neymar, Suarez.
Bây giờ, Barca không còn tập trung "vờn" đối thủ bằng những pha đập nhả bất tận ở giữa sân nữa. Bóng được luân chuyển nhanh nhất có thể lên phía trên cho "tam tấu MSN".
Đó là công thức giúp Enrique giành cú ăn ba ngay mùa giải đầu tiên dẫn dắt Barca (2014/15) - kỳ tích mà Pep từng làm cách đó 6 năm. Càng trớ trêu hơn khi Enrique chính là người đá bay Pep và Bayern tại Champions League trên hành trình vinh quang ấy. Và rạng sáng nay một lần nữa Pep ê chề nhận thất bại khi lần thứ 2 trở lại Nou Camp giáp mặt Barca.
Khác với những đồng nghiệp trẻ tuổi, HLV lão làng Jupp Heynckes giành cú ăn ba mùa 2012/13 sau khi bắt đầu vận dụng triết lý "sức ép" của Pep vào Bayern. Ông bắt các học trò “săn” bằng được trái bóng theo nhóm cũng như theo khu vực.
Liverpool ở triều đại Brendan Rodgers chơi tấn công bằng phương pháp bóng ngắn - triết lý gần như ngược hoàn toàn với Rafael Benitez. Chuyền ngắn giúp The Kop thường kiểm soát bóng vượt trội so với đối phương dưới thời của nhà cầm quân người Bắc Ireland.
Mùa 2013/14, Liverpool lập kỷ lục ghi 101 bàn ở Premier League - số bàn thắng cao nhất trong một mùa giải ở giải đấu cao nhất xứ sương mù. Rất tiếc, đội chủ sân Anfield chỉ về nhì mùa đó bởi cú trượt chân lịch sử của Steven Gerrard.
Hai HLV lừng lẫy khác là Joachim Loew và Vicente Del Bosque cũng ít nhiều vận dụng cách thức Pep từng sử dụng tiền đạo "số 9 ảo" thông qua Messi thời còn ở Barca. Từng có giai đoạn dài Leo thường lùi về giữa sân chơi như một tiền vệ công hút sự chú ý của các cầu thủ phòng ngự đối thủ, qua đó giúp 2 cầu thủ chạy cánh của Barca lao vào vòng cấm dứt điểm.
Còn HLV Del Bosque cùng ĐT Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010, trong giai đoạn đỉnh cao của Pep, cũng đã xây dựng La Roja dựa theo lối chơi tiki-taka cùng nòng nốt là những Xavi, Iniesta, Busquets. "Ngài râu kẽm" giành tiếp Cúp bạc EURO 2012 với Fabregas chơi "số 9 ảo", đó là thời điểm tiền vệ này cũng là người của Barca.
Và với ĐT Đức, HLV Joachim Loew cũng áp dụng sơ đồ của Pep khi xếp tiền vệ Goetze chơi cao nhất trong hệ thống không tiền đạo trong suốt chiến dịch World Cup 2014 mà họ vô địch.
Còn rất nhiều thế hệ HLV nữa đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng bởi di sản của Pep. Nhưng có một thực tế là sau chu kỳ thành công với Barca, nhà cầm quân người Tây Ban Nha vẫn chưa thể lặp lại vinh quang ở Champions League.
Pep sau khi rời Barca và Champions League
Mùa 2013/14: Bán kết
Real 1-0 Bayern
Bayern 0-4 Real
Mùa 2014/15: Bán kết
Barca 3-0 Bayern
Bayern 3-2 Barca
Mùa 2015/16: Bán kết
Atletico 0-1 Bayern
Bayern 2-1 Atletico
Ba năm qua Pep giúp Bayern làm mưa làm gió tại giải quốc nội nhưng 3 lần liên tiếp dừng bước ở ngưỡng cửa bán kết tại cúp châu Âu. Mùa đầu tiên, Pep thua trí một Carlo Ancelotti tinh quái và đầy bản lĩnh.
Năm tiếp theo, chiến dịch 2014/15, sự chủ quan khiến Pep bị đàn em Enrique khuất phục và tháng Tư vừa rồi là thất bại trước một HLV khác của La Liga: Diego Simeone, người có triết lý bóng đá "xù xì" từ lâu vẫn bị đánh giá là tương phản với Pep.
Rõ ràng, chưa thể nói việc thất bại khi giúp Bayern kiếm tìm danh hiệu Champions League đồng nghĩa với việc Pep đã đi đến giới hạn tư duy chiến thuật của cá nhân ông. Thực tế, với Man City mùa này ít nhiều những nét mới trong chiến thuật và cả việc sử dụng con người đã được Pep thể hiện
Nhưng nếu thất bại ở Champions League vẫn nối dài và trước mắt, và trận thua tan nát 0-4 cùng Man City ở Nou Camp rạng sáng nay đơn giản không thể bào chữa, rõ ràng, tài năng, triết lý chiến thuật và tư duy bóng đá của Pep đang bị nghi ngờ hơn bao giờ hết.
Video Pep và Man City thảm bại trước Barcelona rạng sáng nay