Vì đâu thần đồng Marcus Rashford "tắt điện"?
10 tháng trước Marcus Rashford vụt sáng chói khi bước ra thế giới bóng đá. Nhưng khi năm 2016 sắp khép lại, thần đồng bóng đá Anh đang "đóng băng" trên ghế dự bị Man Utd.
Cho đến cuối tháng 9, mọi thứ vẫn rất tuyệt vời cho Rashford. Anh đã trải qua một tuần khó quên cùng Man Utd. Tiền đạo 19 tuổi này ghi 1 bàn và có pha kiến tạo vào chiến thắng trước Watford, chấm dứt chuỗi 3 trận thua liên tiếp của “Quỷ đỏ”.
Sau đó Rashford vào sân từ ghế dự bị và chọc thủng lưới Northampton Town tại League Cup. Tiếp đến là 1 bàn trong màn hủy diệt Leicester 4-1 tại Premier League.
Điều đó có nghĩa, Rashford đã lập kỷ lục ghi bàn ngay ở trận ra mắt ở cả Europa League, Premier League, League Cup, đội tuyển Anh và đội U21 Anh. Chỉ còn sân chơi FA Cup Rashford không làm được điều tương tự, nhưng đó vẫn là màn ra mắt quá đỗi ấn tượng và chẳng có gì phải phàn nàn khi gắn mác "thần đồng" cho chàng trai 19 tuổi này.
Vào thời điểm đó, Rashford chỉ cần trung bình 153,18 phút để ghi 1 bàn , đạt tỷ lệ chuyển đổi cú sút thành bàn là 24,44%. Cũng khi ấy, không tiền đạo nào ở Premier League dứt điểm tốt hơn kể từ khi Rashford ra mắt hồi tháng 2 (12 bàn), xếp trên Harry Kane (11), Michail Antonio (10), Daniele Sturridge (10), Troy Deeney (8), Jamie Vardy (8).
Vào cuối tháng 9, khi Rashford ghi bàn ở 3 trận liên tiếp, anh cũng lập công nhiều hơn tất thảy các tiền đạo khác ở Man Utd tính từ đầu năm 2016. Chưa hết, nếu tính từ thời điểm ra mắt “Quỷ đỏ”, tài năng này tham gia trực tiếp vào 15 bàn, gồm ghi 12 và kiến tạo 3, trong khi Anthony Martial là 12 (7 bàn/5 kiến tạo), Juan Mata 9 (5 bàn/4 kiến tạo), Wayne Rooney 7 (2 bàn/5 kiến tạo).
Ngược thời gian, khó có thể tin rằng một cầu thủ mới bước qua tuổi 18 tuổi, được đưa lên đội trẻ như Rashford có thể tạo ra điều không tưởng bằng cách ghi 2 bàn giúp Man Utd đánh bại Arsenal hồi tháng 2. Đó là bàn thắng thứ tư trong vòng 3 ngày sau khi anh lập cú đúp vào lưới Midtjylland tại Europa League.
Trước khi được chính thức triệu tập tham dự EURO 2016, Rashford còn tiếp tục tạo nên điều không tưởng khác với thành tích ghi bàn ở trận ra mắt “Tam sư” sau 138 giây trong cuộc đối đầu Australia.
Trở thành một hiện tượng của bóng đá Anh, dễ hiểu là cái tên Rashford đã được tìm kiếm hàng triệu lượt trên internet. Nhưng càng nổi tiếng và lên cao bao nhiêu thì cầu thủ này lại càng dễ khiến người hâm mộ hụt hẫng bấy nhiêu sau những gì trải qua trong 3 tháng qua dưới thời Jose Mourinho.
Phải thừa nhận rằng, sự xuất hiện của Zlatan Ibrahimovic đã hạn chế cả cơ hội ra sân lẫn ghi bàn cho Rashford. Tiền đạo người Thụy Điển nghiễm nhiên là lựa chọn ở vị trí cao nhất, trong khi Rashford dường như không phát huy tốt nhất khả năng của mình trong vai trò tấn công bên cánh. Thậm chí, khi Ibra chấn thương hồi giữa tháng 11, Rashford cũng không thể tận dụng nắm bắt cơ hội tỏa sáng.
Rốt cuộc, kể từ sau bàn thắng vào lưới Leicester đến nay, Rashford đã im tiếng trong suốt 3 tháng và thường xuyên phải ngồi ghế dự bị. Từ một hiện tượng, tài năng của bóng đá Anh trở nên quá tầm thường và ở Old Trafford, người ta đang nói đến việc đem Rashford cho mượn ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông sẽ mở cửa sau đây 10 ngày.
Nhận xét về sự sa sút cũng nhanh như cái Rashford từng gây ấn tượng khi ra mắt, tượng đài Ryan Giggs cho rằng, cơn khát của Rashford là lẽ tự nhiên mà nếu được sử dụng ở vị trí số 9, tiền đạo trẻ sẽ tìm lại bản năng của mình. Trong khi đó, cựu HLV Liverpool Brendan Rodgers khẳng định, tình trạng của Rashford có liên quan với số lượng lớn các cầu thủ nước ngoài ở Anh, dẫn đến việc phát triển bị gián đoạn.
Cũng không phải vô cớ mà HLV Mourinho từng cảnh báo rằng, Rashford phải điều chỉnh lại hành động của mình tại Man Utd khi có nhiều dấu hiệu cho thấy anh đã bị mất tập trung trước sự thổi phồng từ các phương tiện truyền thông. Đó là hậu quả tất yếu của một “chiến dịch” đưa cầu thủ trẻ này “lên mây”, cũng giống như những trường hợp của Martial hay Memphis Depay.
Video: Lần cuối cùng Rashford "nổ súng" vào tháng 9/2016