Nhà báo Trương Anh Ngọc: Sự trở lại của những số 9 thực thụ
Totti đã là quá khứ
Khi Juventus tung tiền để chiêu mộ Mandzukic, Roma kết thúc một quá trình dài không có tiền đạo thực thụ để đưa về Dzeko và Milan sẵn sàng gạt bỏ Menez, chân sút tốt nhất của họ mùa trước mà không hề “lăn tăn” điều gì, để thay đổi hệ thống tấn công, từ một tiền đạo ảo, sang hai tiền đạo, trong đó có một trung phong cắm giỏi tì đè và lì đòn có tên Bacca, rõ ràng là tư duy của một bộ phận những đội bóng tấn công khoáng đạt nhất Serie A đã thay đổi. Juve đưa cầu thủ người Croatia về để thay Tevez, chân sút hay nhất mùa trước, vốn cũng là một tiền đạo lùi. Roma cuối cùng cũng bắt đầu từ bỏ một hệ thống chơi phụ thuộc vào Totti, nay ở tuổi 39, và sự có mặt của anh khiến Roma không thể chơi với một trung phong cổ điển suốt nhiều năm. Còn Milan? Kể từ thời những Shevchenko, Pato, Inzaghi hay Ibrahimovic tàn phá các hàng hậu vệ của đối phương, không một tiền đạo nào sau đó làm ngất ngây San Siro. Và giờ, họ đặt niềm tin vào không chỉ mình Bacca, mà cả Luiz Adriano.
Tạm biệt thời của những số 9 ảo mà không ít đội bóng của Serie A đã theo đuổi. Cuộc cách mạng mà Guardiola đã làm với lối chơi của Barcelona đã tạo ra không ít phiên bản ở Italia, nhưng không phải ai cũng có thể thành công. Một trường hợp hãn hữu tạo ra những ấn tượng đẹp đẽ là của Roma, dưới thời Spalletti, với một đội bóng chơi theo kiểu bật nhả, di chuyển thành các khối người, phản công sắc bén và sự bùng nổ của Totti, như hồi anh trở thành Vua phá lưới mùa 2006/07 (với 26 bàn).
Roma đã luôn phụ thuộc vào cảm hứng của Totti và thật khó có thể gạt anh khỏi đội hình nếu anh không chấn thương hoặc bị treo giò. Nhưng chính sự phụ thuộc ấy đã ngăn cản hoặc hạ thấp vai trò của những số 9 thực sự khác được đem về trong những năm tháng từ đó đến giờ. Mùa bóng trước là một điển hình cho thấy sự thất bại của việc chắp vá các sơ đồ tấn công với những người như Doumbia hay Ibarbo, trong khi Destro bị thất sủng. Roma không còn là chính họ khi không biết ghi bàn và là một nỗi thất vọng lớn lao.
Trong khi ấy, ở San Siro mùa trước, Inzaghi và những cái tên như Torres, Pazzini và Destro đều thất bại trong việc kiếm tìm một lối chơi thích hợp, để rồi Vua phá lưới của Milan là Menez, một tiền đạo lùi, với 16 bàn. Nhưng con số ấy trở nên vô nghĩa, bởi Milan kết thúc giải ở vị trí thứ 11, và kể từ khi Ibrahimovic bùng nổ với những bàn thắng ở mùa Scudetto 2010/11 (anh cũng không phải là một số 9 đúng nghĩa, nhưng là một “cái sào” với những bàn thắng bằng đầu và những pha làm bàn có giá trị), không một ai tạo ra cảm giác mạnh mẽ như thế nữa trước các khung thành.
Cao hơn, nhanh hơn, mạnh hơn
Không ai quên được rằng lần gần nhất, khi Roma đoạt Scudetto ở mùa bóng 2000/01, trong đội hình của họ, Totti chơi số 10 đích thực, còn những chân sút hàng đầu của họ là Batistuta, một số 9 đúng nghĩa, với 20 bàn, và Montella, một cầu thủ dội bom, nhưng tầm hoạt động rộng hơn. Totti vẫn ghi bàn không ít kể từ đó cho đến giờ, và thi thoảng, Roma vẫn là một cỗ máy tấn công quyến rũ, nhưng sự thụt lùi thê thảm về chất lượng tấn công của họ ở mùa trước là một bằng chứng cho thấy rằng, Roma không có một sự chuẩn bị tốt để chia lửa cho Totti, hoặc khi Totti vắng mặt.
Số 9 ảo chết để nhường chỗ cho những trung phong thực sự, những người cao to (như Dzeko hay Mandzukic), nhanh và mạnh (như Bacca), trong khi nhiều đội bóng khác vẫn duy trì những người như thế từ lâu. Inter đặt niềm tin vào Icardi. Napoli có Higuain, ông vua trong vòng cấm. Verona sống bằng những bàn thắng của lão tướng 38 tuổi Luca Toni (nay được san sẻ vai trò với sự có mặt của Pazzini từ Milan sang). Udinese đã có Di Natale, tác giả của hơn 200 bàn thắng, nhưng anh không phải là một số 9 đích thực và vì thế CLB này đã đưa về Zapata (từ Napoli). Lazio vẫn yêu mến Klose và Djordjevic, trong khi đội mới lên hạng Bologna kiếm tìm những bàn thắng ở Destro.
Các trung phong không chỉ là một cầu thủ luôn xuất hiện trong vòng cấm để kết thúc một đợt tấn công mà còn là một điểm tựa về mặt kĩ thuật, một người có thể kéo dãn được hàng thủ đối phương khi di chuyển không bóng và làm tường cho các đồng đội. Dù vẫn còn một số đội ở Serie A chơi với số 9 ảo, như Sampdoria (với Cassano phía sau Eder và Muriel) hay Genoa (với bộ ba Lazovic-Pandev-Perotti), nhưng họ là thiểu số. Gió đã đổi chiều. Ngay cả Barca cũng đã thay đổi, khi đưa Suarez về đá bên cạnh Messi và Neymar.
Mùa trước, các CLB Serie A đã ghi 1.024 bàn thắng (trung bình 2,69 bàn/trận), ít hơn mùa trước đó 11 bàn. 2013/14 cũng là mùa bóng đặc biệt của các chân sút, khi cuộc đua đặc biệt diễn ra quyết liệt. Mùa ấy, Immobile là Vua phá lưới với 22 bàn, xếp trên lão tướng Luca Toni (20 bàn), Tevez (19), Higuain và Palacio (17) và Berardi, G.Rossi (16). Mùa trước, Luca Toni và Icardi chia nhau ngôi Vua với cùng 22 bàn. Mùa này, rất khó tin Luca Toni có thể tiếp tục nhịp độ ghi bàn kinh khủng như thế nữa, Tevez đã ra đi, Di Natale cũng đã quá già, sự có mặt của những chân sút mới như Dzeko, Mandzukic hay bộ đôi Luiz Adriano-Bacca sẽ khiến cho cuộc đua tới khung thành trở nên căng thẳng đến nghẹt thở. Mục tiêu là tiếp tục tổng số hơn 1 nghìn bàn thắng cho cả mùa giải, và một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của các tiền đạo, như ngày xưa…
Trương Anh Ngọc (từ Roma, Italia)
Lá cờ đầu Icardi
Không ngạc nhiên khi Icardi được nhà cái SNAI đánh giá là ứng viên hàng đầu cho danh hiệu Vua phá lưới Serie A mùa này. Là tác giả của 22 bàn thắng trong mùa bùng nổ đã qua với Inter, chân sút 22 tuổi là điểm tựa cho cả hàng công của đội bóng áo xanh-đen. Khi Luca Toni đã cao tuổi và khó có thể duy trì phong độ như mùa trước (nhà cái đánh giá anh tỉ lệ 15/1 – đặt 1 ăn 15) và Tevez đã ra đi, Icardi và Higuain, người ghi bàn đều đặn trong các mùa qua, nhưng chưa bao giờ đạt con số 20 bàn, cùng được đặt tỉ lệ 7/1. Đứng sau họ là các chân sút mới Mandzukic và Dzeko (10/1). Tân binh của Milan Carlos Bacca và chân sút của Juve, Morata xếp sau, với tỉ lệ 13/1.