Chuyện về cái tên của các đội bóng phủi
Có những cái tên trở thành thương hiệu nhận diện đi cùng năm tháng như FC Triều Khúc, FC Thành Đồng... và đằng sau nó là cả ý nghĩa ẩn chứa chưa nhiều người biết.
Những thương hiệu đáng tự hào
Trong làng bóng đá phủi Hà thành, nhiều đội bóng giàu truyền thống, sở hữu những cái tên đã trở thành thương hiệu được bảo tồn ở mọi thời điểm.
Trà Dilmah là một trong những cái tên như vậy. Đội bóng giàu thành tích bậc nhất trong giai đoạn từ 2000-2010, là cái nôi hàng đầu của phủi Hà thành suốt bao năm qua vẫn giữ được cái tên nguyên bản. Nhắc đến Trà là người yêu phủi nghĩ ngay tới một tập thể nhiều quái kiệt, chơi ban bật đẹp mắt đầy hiệu quả như Anh "tệu", Tú "khỉ", Long "Kim"...thế hệ sau này có Trung "ốc", Linh "Becks", Khánh "chóe"...
Một trong những cái tên trường tồn khác còn duy trì mãi tới tận bây giờ là FC Triều Khúc. Đội bóng lấy tên của chính ngôi làng nơi các cầu thủ sinh ra này có tuổi đời trải dài nhiều thập kỷ. Không nhiều thành tích như Trà Dilmah nhưng Triều Khúc có bản sắc riêng là chỉ sử dụng người làng thi đấu. Nếu như Trà Dilmah đã vắng bóng ở Ngoại hạng phủi 2 năm nay thì Triều Khúc vẫn là cái tên quen thuộc trong top 12 đội mạnh nhất mỗi mùa và ngày càng sở hữu dàn CĐV đông đảo.
Đội bóng khác có tuổi đời và cái tên cũng đi cùng năm tháng là FC Cường Quốc. Cường Quốc là tên đọc ngược từ tên của ông bầu Cường "hói" (Quốc Cường). Tuổi đời của FC Cường Quốc không thua kém Trà Dilmah là bao và thành tích cũng thuộc "hàng khủng". Những năm 2010 đổ về trước, đội lấy tên là Cường "hói" nhưng sau này khi bóng đá phủi phát triển mạnh, đổi tên thành Cường Quốc cho dễ "giao dịch".
Những đội bóng giữ vững được tên gốc và có thành công về cả thành tích, thương hiệu còn có thể kể đến Thành Đồng, Top Group, MV Corp. Ba đội bóng này đều có tuổi đời 7-8 năm nay và luôn tạo được bản sắc riêng.
Thành Đồng là nhà vô địch HPL-S1 và từng thống trị làng phủi Hà thành giai đoạn 2011-2014 bằng lối chơi ban bật được mệnh danh "Barca Hà Nội". MV Corp vô địch HPL-S3 và luôn được biết đến với lối chơi "máu lửa" đúng chất Nghệ. Top Group là tổ ban bật, đá đẹp mắt, fair-play bậc nhất phủi Hà thành, vô địch giải Ngọc Bảo Open 2016.
Một cái tên khác là Coca cũng có thương hiệu và tuổi đời lâu năm, thậm chí cao niên hơn cả Thành Đồng, MV Corp... Coca thành lập từ năm 1998 và đến giờ vẫn chưa một lần thay tên đổi họ.
Đổi tên và nhiều thay đổi
Một trong những sự kiện đổi tên và có kết quả gây xôn xao nhất trong giới phủi một năm nay là trường hợp Moon FC. Moon FC thành lập từ năm 2011 nhưng đến 2014 mới được biết đến nhiều khi lần đầu dự Ngoại hạng phủi. Tuy nhiên, thành tích của đội bóng xứ Thanh không mấy ấn tượng cho đến khi ghép thêm hai chữ Quang Trung dự HPL-S3. Cái tên Moon Quang Trung xuất hiện khiến nhiều người thấy lạ lẫm. Hóa ra đó là tên ghép giữa Moon FC và ngân hàng BIDV chi nhánh Quang Trung. Ghép tên, bổ sung nhiều hảo thủ và nhận sự đầu tư lớn từ sếp của BIDV Quang Trung, Moon chơi hay hơn hẳn, giành HCĐ.
Sau đó không lâu, đội bóng tan đàn xẻ nghé khi hàng loạt hảo thủ vốn trước đó thuộc biên chế Moon chuyển hết sang chơi cho BIDV Quang Trung. Bầu Dương của Moon từng có ý định bỏ hẳn bóng đá phủi chỉ vì sự việc này. Kết quả là, nhiều gương mặt mới mùa trước còn đeo HCĐ giải Ngoại hạng thì mùa này phải chơi giải Hạng Nhất với BIDV Quang Trung, tạm gác lại giấc mơ HPL ít nhất là 1 năm nữa.
Ở HPL-S4 sắp diễn ra, cũng còn hai trường hợp khác liên quan đến việc thay đổi tên gọi. Đầu tiên là Tô Ký FC. Năm ngoái, đội bóng này dự giải lần đầu với tên gọi đầy đủ là Tô Ký Tứ Liên. Hai chữ Tô Ký là tên gọi của nhà hàng - có thể hiểu là đơn vị rót tiền trực tiếp tài trợ cho đội bóng. Hai chữ Tứ Liên biểu tượng cho địa danh, nơi nhiều hảo thủ phủi của vùng này cùng đầu quân cho Tô Ký FC. Sau mùa giải HPL-S3, Tô Ký cũng thay máu đội hình gần như toàn bộ và không còn mang theo hai chữ Tứ Liên dự HPL-S4 nữa.
Hanel và Ocean là hai đội bóng phủi có mối thâm tình với nhau. Ở HPL-S3, nhiều cầu thủ của tổ Ocean như Phong "phích", Công Huy, Tú "Thổ"...đã đá giúp cho Hanel. Sang HPL-S4, lãnh đạo Hanel quyết định gắn thêm chữ Ocean đằng sau như một cách tri ân với đội bóng anh em. Việc sáp nhập này cũng giúp Hanel - Ocean trở thành ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch khi sở hữu nhiều nguồn lực dồi dào từ tài chính đến nhân sự.
Tại giải Hạng Nhất phủi 2016 diễn ra từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, có một đội bóng cũng sở hữu cái tên mang màu sắc như V.League. Đó là FC Suzika Hữu Bằng, đội bóng đến từ Thạch Thất, Hà Tây cũ - quê hương QBB Văn Quyết. Hữu Bằng FC từ lâu được biết đến là đội bóng có lượng CĐV đông đảo, cuồng nhiệt và dàn cầu thủ bản địa chất lượng. Năm nay, Hữu Bằng FC gắn thêm chữ Suzika ở đằng trước - là tên thương hiệu xe điện của ông bầu đội bóng này.
Ý nghĩa những cái tên không phải ai cũng biết
Tin lớn & Anh em FC lần đầu trình làng Ngoại hạng phủi 2014 khiến nhiều người ngạc nhiên bởi hình ảnh một đội bóng gai góc, và màu áo hồng có phần nữ tính nhưng sau đó lên ngôi vô địch bởi chính sự lì lợm, cá tính mạnh. Cái tên của Tin lớn & Anh em đến giờ chưa phải nhiều người đã hiểu hết ý nghĩa.
Đầu tiên, ông bầu trẻ Quốc Hùng của đội bóng áo hồng có biệt danh là "Tin". Khi đặt tên cho đội bóng, Hùng lấy luôn nickname của mình và đặt như một slogan: "Tin lớn & Anh em". Ý nghĩa của cái tên này là niềm tin lớn lao từ tất cả anh em trong đội, tạo nên sức mạnh. Từ sau chức vô địch HPL-S2, càng có nhiều người gọi bầu Hùng bằng tên Tin hơn, đến nỗi có hẳn biệt danh "Mouri Tin" dành cho anh.
FC Thành Đồng lại được đặt tên theo ông bầu của đội là Nguyễn Xuân Thành. Bầu Thành "bang chủ" ghép tên mình và tên cụ thân sinh là Đồng vào, đặt cho đội bóng, tạo nên thương hiệu Thành Đồng. Nhiều fan hâm mộ "Barca Hà Nội" đến giờ này vẫn chưa thực sự biết rõ nguồn cơn tạo nên tên đội bóng.
Nếu như bóng đá phủi thời sân đất nện, các đội được đặt tên khá vô tư, hồn nhiên theo yếu tố địa lý kiểu như Hàng Khoai, Triều Khúc, Ngọc Hà...thì nay, hầu hết các đội lấy danh xưng là thương hiệu các doanh nghiệp.
Top Group, MV Corp, Văn Minh, EOC, Ecofoot, Vinapros, HBG... đều là những cái tên của các doanh nghiệp. Ngay đến cái tên dễ thương như Phương Anh, thực chất cũng là tên gọi của Nhà hàng Phương Anh - chủ nhân là ông bầu đội bóng Sơn "trâu".
Vẫn biết cái tên là một thương hiệu, là linh hồn của đội bóng nhưng để giữ mãi một danh xưng trường tồn cùng năm tháng, giống như các CLB hàng đầu thế giới, vẫn là một điều vô cùng khó không chỉ với bóng đá V.League, mà với ngay cả bóng đá phủi.