Ngoại hạng phủi tuổi lên 4: Ai còn, ai mất?
Ngoại hạng phủi Hà Nội cũng khốc liệt không kém Ngoại hạng Anh với việc lên xuống hạng mỗi mùa và đến tuổi lên 4, nhiều cuộc tan hợp đã diễn ra...
Cuộc đời, chuyện tan rồi hợp, hợp rồi tan là lẽ thường tình. FC Hanel là một trong số những đội bóng còn trụ lại từ HPL-S1 đến HPL-S4 sắp khởi tranh. Ở HPL-S2, lãnh đạo Hanel vì quá bận với chương trình kỷ niệm 30 năm thành lập nên phút chót gửi công văn đề nghị BTC cho phép “nhường suất” cho Hải Anh.
Gần nguyên bộ khung chơi cực hay ở HPL-S1, cạnh tranh chức vô địch đến vòng cuối cùng rồi kết thúc ở vị trí thứ 3 chuyển khoác màu áo Hải Anh. Đó là những “công thần” như Cường “trắng”, Tú “Tó”, Thắng “Neva”, Đức “SC” và Quả bóng Vàng, Bạc Việt Nam Phạm Thành Lương, Nguyễn Văn Quyết.
Đến HPL-S3, Hanel tái hợp nhưng có nhiều sự thay đổi về nhân sự. Đến HPL-S4, công thần của Hanel có lẽ chỉ còn mỗi Thắng "Neva".
Nhưng Hanel vẫn còn may mắn khi giữ được cái tên, vẫn xuất hiện trên bản đồ phủi. Có những đội bóng rất hay đã từng dự HPL và rồi chỉ còn là thương hiệu cất tủ kính, là hoàn niệm miên man...
Trà Dilmah là một huyền thoại của phủi Hà thành. Đội bóng này nam chinh bắc phạt giành bao nhiêu cúp to cúp nhỏ, thậm chí bay hẳn sang Old Trafford, giành ngôi á quân giải 6 vs 6 Budweiser chấn động thế giới.
Khi Ngoại hạng phủi mùa đầu tiên diễn ra, dĩ nhiên Trà Dilmah là một thương hiệu được kính trọng bậc nhất và cũng được kỳ vọng rất nhiều. Thậm chí, tổ Trà còn chia quân khoác áo 2 đội là Trà Dilmah và SHB, đều để lại dấu ấn bởi lối chơi ban bật hoa mỹ. Thế nhưng, sau HPL-S1, bầu Hồng không tiếp tục cho quân dự HPL-S2, gây ra một nỗi tiếc nuối khá lớn nơi NHM.
Và đến thời điểm này, khi được hỏi, bầu Hồng cho biết vẫn chưa có ý định trở lại với Ngoại hạng phủi. Lý do được ông đưa ra là: "Giải đấu kéo dài 3 tháng lại có tính chất khắc nghiệt, thực sự là quá sức với chúng tôi. Hiện tại, tôi chỉ có thể cho anh em chơi các giải kéo dài khoảng 1 - 1,5 tháng".
Có trường hợp tương tự như Trà Dilmah, không rớt hạng nhưng cũng không tiếp tục chơi là An Dương và Q9 Nam Định. An Dương cực mạnh ở HPL-S1, cạnh tranh chức vô địch căng thẳng đến giai đoạn cuối với Thành Đồng, Cường Quốc, Hanel nhưng sau đó không dự HPL-S2. Q9 Nam Định đem tới HPL-S2 sự máu lửa, niềm tự hào của một vùng đất giàu truyền thống bóng đá. Kết thúc giải, họ trụ hạng thành công nhưng lại từ chối tham dự HPL-S3.
Tính từ HPL-S1 đến HPL-S4, chỉ còn 6 đội bóng vẫn trụ lại là Thành Đồng, MV Corp, Cường Quốc, Triều Khúc, Top Group, Hanel. Trong số này, Thành Đồng vô địch HPL-S1 và MV Corp xưng vương ở HPL-S3. Cường Quốc dù chưa lần nào chạm vào ngai vàng nhưng vẫn là một đại gia của phủi Hà thành, giành khá nhiều danh hiệu ở các giải đấu Cúp.
Triều Khúc có thành công lớn về mặt tinh thần khi ngày càng có nhiều CĐV bản địa thể hiện tình yêu với đội bóng mãnh liệt hơn, biến họ trở thành CLB có cầu thủ thứ 8 ấn tượng nhất. Hanel là đội có nhiều thay đổi về mặt nhân sự nhất nhưng giống 5 cái tên còn lại vẫn đầy hứa hẹn bởi sự đầu tư, quan tâm sát sao từ lãnh đạo mỗi mùa.
Hai đội bóng từng dự HPL-S1 bị xuống hạng, chưa hẹn ngày về là Coca và Xuân Đỉnh. Coca vẫn duy trì được lực lượng khá tốt trong vài năm nay nhưng thiếu may mắn trong những thời điểm quyết định. Họ thua Vinapros ngay trận đầu ở vòng play-off HPL-S3 trong loạt luân lưu may rủi. Tại Hạng Nhất phủi 2016, Coca còn nhận kết cục bi thảm hơn khi xuống hạng và ngày về HPL của họ càng trở nên mờ mịt.
Xuân Đỉnh thì tan rã luôn cả đội bóng sau khi xuống hạng tại HPL-S1, biệt tăm biệt tích trên bản đồ phủi Hà thành mấy năm nay. Sân Chảo Lửa vốn là niềm tự hào của Xuân Đỉnh giờ đây chỉ dành cho một nhóm thanh niên và bô lão đá dưỡng sinh mỗi chiều, cỏ mọc lấn hơn 1/3 sân chả ai buồn cắt.
Cũng rất đáng tiếc là Thăng Long FC, đội bỏ giải ở vòng 8 HPL-S2 và sau đó không lâu cũng tuyên bố khai tử. NHM không còn được chứng kiến dàn sao phủi Khánh "Hồng", Giang "Dân", Cường "Cúc", Tuấn "ốc"... cùng chơi chung một màu áo nữa. Nghệ sĩ hài Thành Trung từ sau khi Thăng Long FC tan rã, cũng chưa xuất hiện lại ở sân chơi HPL. Ở HPL-S3, người ta chỉ còn nhìn thấy mỗi Khánh "Hồng" chơi lác đác một vài hiệp trong màu áo Top Group.
Du Lịch và Vinapros là hai đội bóng cũng được nếm trải sự khắc nghiệt của sân chơi này. Họ cùng giành vé dự HPL-S3 từ vòng đấu play-off sinh tử nhưng cuối mùa, cùng dắt nhau trở về chốn cũ vì xuống hạng.
Có thể thấy, HPL là sân chơi danh giá nhất giới phủi 4 năm nay nhưng cũng là lò xay khắc nghiệt đối với các đội bóng. Chỉ một vài trận đấu chủ quan, hớ hênh mất điểm hay một khoảnh khắc không giữ nổi bình tĩnh, một đội bóng có thể "đi về nơi xa lắm".