Những tranh cãi mới về nỗi sợ sân cỏ nhân tạo gây ung thư
Đó là một dự án lớn mà chủ tịch sắp rời nhiệm của FA là Greg Dyke theo đuổi và tin rằng sẽ làm thay đổi bóng đá Anh. Kế hoạch trị giá 230 triệu bảng của FA dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay và khi kết thúc, có khoảng 500 sân 3G xuất hiện ở các thành phố cùng các thị trấn trên toàn Anh.
Để so sánh, bóng đá Anh hiện có tổng cộng 639 sân. Nếu có thêm số sân cỏ nhân tạo, công suất sử dụng sẽ được tăng lên 80 giờ mỗi tuần, thay vì 5 giờ/tuần như hiện nay vì mặt sân cỏ tự nhiên cần được bảo dưỡng liên tục.
Tuy vậy, so với bóng đá Đức, quốc gia có 3.735 sân 3G, con số hơn 1.000 sân trong tương lai của người Anh vẫn còn rất khiêm tốn. Và đó là chưa kể những rắc rối vừa nảy sinh có thể khiến dự án đầy tham vọng của ông Dyke không đi đến đâu.
Rắc rối này liên quan đến vấn đề an toàn trên những sân cỏ nhân tạo do loại cỏ được sử dụng ở đây là cao su vụn và được xem là nguyên nhân gây ung thư. Thậm chí, ngay tại Anh, một trường hợp chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo và mắc ung thư máu là Lewis Maguire, cựu thủ môn 18 tuổi ở Brompton-on-Swale, Bắc Yorkshire và từng được thử việc ở Leeds.
Nếu chưa đủ, những báo cáo phản đối loại cao su vụn có chứa các thành phần độc hại như thủy ngân, chì, benzene, và thạch tín đã được gióng lên ở Mỹ sau cuộc điều tra mới đây của cựu tuyển thủ Julie Foudy. Đồng đội của Foudy, thủ môn Amy Griffin, đã liệt kê được một danh sách 200 VĐV từng chơi trên sân cỏ nhân tạo và mắc ung thư. Trong số này, 158 là cầu thủ và trong đó có 102 thủ môn.
Để thấy rõ hơn, Foudy đã điều tra ra rằng, công ty tái chế CalRecycle ở California đã đầu tư 31 triệu bảng (tương đương 45 triệu USD) trong 14 năm qua để lắp đặt các mặt sân cỏ nhân tạo tại các thành phố và trường học, sân điền kinh, sân chơi từ cao su tái chế ở 6,3 triệu lốp xe mà Mỹ thải ra mỗi năm.
Vì thế, mặc dù các cơ quan và tổ chức ở Anh cho biết, trong 44 báo cáo độc lập và nhiều nghiên cứu nhỏ khác về cao su vụn từ Mỹ, châu Âu trong giai đoạn 1998 đến 2014 không có trường hợp sức khỏe nào nghiêm trọng; hay trong 12 tháng qua, phòng thí nghiệm Labosport đã phân tích cao su vụn theo những quy định của các nhà sản xuất đồ chơi mà Anh, châu Âu, Mỹ áp dụng và không phát hiện được những độc tố nào, những nguy cơ gây ung thư mà sân cỏ nhân tạo mang đến là không thể loại trừ.