Áo đấu in tên... 50 nhà tài trợ và những bộ cánh "dị" nhất làng bóng đá
CLB Centenario de Neuquen đang thi đấu tại giải hạng 5 Argentina vừa đi vào lịch sử bóng đá thế giới với chiếc áo đấu in chi chít tên của... 50 nhà tài trợ.
Đáng nói hơn nữa, chiếc áo đấu “không giống ai” của Centenario de Neuquen mới được đưa vào sách kỷ lục Guinness với tư cách chiếc áo đấu được in nhiều nhà tài trợ nhất trên thế giới.
Cách làm của đội bóng Argentina khiến nhiều người bị sốc nặng, bởi thông thường áo đấu của mỗi CLB chỉ in tên/logo nhà cung cấp áo đấu (bên phải), logo đội bóng (bên trái) và tên nhà tài trợ chính (giữa ngực) ở mặt trước.
Cũng có một số mẫu áo có từ 2-3 nhà tài trợ, với tên/logo nhà tài trợ phụ xuất hiện ở phía sau
Nhưng Centenario de Neuquen tận dụng mọi không gian có thể trên chiếc áo đấu để in tên nhà tài trợ, từ mặt trước, mặt sau cho đến cánh tay.
Không gian trên áo đấu của đội bóng Argentina chật chội đến mức họ chỉ có thể in số áo cầu thủ chứ... không thể in tên của những người này.
Mặt khác, Chủ tịch Gustavo Gomez còn tiết lộ, vị trí tên các nhà tài trợ trên áo đấu phụ thuộc vào số tiền tài trợ cho đội bóng.
“Mỗi doanh nghiệp hỗ trợ chúng tôi bằng những gì họ có và dựa vào đó, chúng tôi sẽ dành tặng họ những vị trí tốt nhất có thể trên áo đấu”, ông Gustavo chia sẻ, “Không phải lúc nào chúng tôi cũng nhận được tài trợ bằng tiền mặt. Ví dụ, đội bóng từng được tài trợ những chiếc xe địa hình để di chuyển quanh sân bóng”.
Những chiếc áo đấu “dị” nhất thế giới
Thực tế, áo đấu của Centenario de Neuquen không phải là trang phục thi đấu dị nhất của một CLB bóng đá.
Mùa Hè năm ngoái, đội bóng hạng 4 Tây Ban Nha là Deportivo Palencia cũng gây sốc không kém khi tung ra chiếc áo đấu độc nhất vô nhị với họa tiết cơ bắp giúp cầu thủ nào mặc vào cũng sở hữu cơ bụng 6 múi.
Bộ áo này tương tự chiếc áo đấu của CLB Reggina Calcio SpA (Italia) sử dụng vào mùa giải 2012/13.
Thú vị ở chỗ, nhà thiết kế trang phục cho Deportivo Palencia, ông Juan Francisco Martin từng sáng tạo ra không ít bộ trang phục quái dị, ví như chiếc áo đấu theo phong cách lễ phục khiến các cầu thủ của đội bóng hạng Hai Tây Ban Nha, Cultural Leonesa trông chẳng khác gì các anh bồi bàn.
Trong khi đó, các cầu thủ Colorado Caribous lại nhìn giống các chàng cao bồi miền Tây nước Mỹ kho khoác lên mình bộ áo đấu có dải tua dua bằng da chạy vòng quanh ngực. Các thủ môn của Everton thì “hóa trang” thành những quân nhân với bộ trang phục thi đấu khác người ở mùa giải 2011/12.
Mặc dù vậy, Tim Howard (Everton) vẫn có thể tự an ủi bản thân vẫn chưa phải là thảm họa thời trang tệ nhất nơi khung gỗ của làng bóng đá thế giới. Cựu thủ môn Jorge Campos của đội tuyển Mexico từng khoác lên mình bộ cánh sặc sỡ chẳng khác gì một chú vẹt tại World Cup 1994.
David James cũng từng mặc bộ áo đấu “mạng nhện” tại Liverpool ở mùa giải 1994/95, hay người gác đền của Huddersfield Town cũng không tránh khỏi cảm giác xấu hổ với bộ cánh lòe loẹt như tờ giấy bị đổ màu lung tung.
Trong khi đó, áo đấu của Norwich trong mùa giải năm nay cũng phải hứng chịu không ít lời chê bai khi nó họa tiết của trang phục này trông chẳng khác gì chất thải của loài chim “Hoàng Yến”, biệt hiệu của đội bóng miền Đông nước Anh.
Cũng lấy cảm hứng từ biệt hiệu của đội bóng, trang phục thi đấu của Hull City vào năm 1992 giúp các cầu thủ của họ trong chẳng khác gì “Những chú hổ” (The Tigers) .
Đồng tiền đi trước
Trên thực tế, chuyện Centenario de Neuquen in tên hàng loạt nhà tài trợ lên áo đấu không có gì lạ khi đội bóng này gặp khó khăn về tài chính. Nên nhớ rằng, ngay cả các ông lớn của làng bóng đá thế giới như Arsenal, Man City ... cũng có thể bán tên sân vận động, hoặc thậm chí bán cả tên đội bóng như Zenit St Petersburg (Zenit Burger King) để thu về những khoản tiền khổng lồ thì chuyện tên các nhà tài trợ tràn lan trên áo đấu cũng không có gì bất ngờ.
Rõ ràng, các nhà tài trợ sẽ phải trả một khoản tiền không nhỏ để in tên của doanh nghiệp lên áo đấu của các đội bóng lớn. Ví như Man Utd đang nhận gói tài trợ 750 triệu bảng/10 năm từ hãng sản xuất dụng cụ thể thao Adidas và 53 triệu bảng/mùa từ hãng xe hơi Chevrolet. Nói cách khác, "Qủy đỏ" kiếm đến 128 triệu bảng/mùa từ 2 nhà tài trợ được in tên lên áo đấu của họ.
Đáng nói hơn nữa, số tiền trên chiếm 25% tổng doanh thu của Man Utd trong mùa giải đội bóng này kiếm tiền giỏi nhất thế giới khi đút túi tổng cộng 513 triệu bảng trong mùa 2015/16.
Tương tự, Real Madrid cũng nhận từ Adidas và Fly Emirates tổng cộng 127 triệu bảng mỗi năm, chiếm 27% doanh thu của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha trong mùa giải năm ngoái. Tuy nhiên, Barcelona mới đang hưởng lợi lớn nhất từ các nhà tài trợ được in tên lên áo đấu khi Nike mới cung cấp cho đội bóng xứ Catalan bản hợp đồng mới trị giá 116 triệu bảng/mùa từ mùa Hè năm ngoái.
Chelsea cũng không ngần ngại chấm dứt mối quan hệ đối tác lâu năm với Adidas để chuyển sang sử dụng áo đấu của Nike kể từ mùa giải năm sau và nhận mức tài trợ gấp đôi trị giá 60 triệu bảng/mùa. Trong khi đó, Bayern Munich vẫn trung thành với hãng sản xuất dụng cụ thể thao của "quê hương", Adidas để nhận 61 triệu bảng/mùa.
Nói như vậy để thấy rằng, các đội bóng lớn của châu Âu cũng hoàn toàn có thể bán "linh hồn" của áo đấu cho các doanh nghiệp quảng cáo, nếu thu được lợi nhuận tối đa.