Bản quyền hình ảnh cầu thủ trong bóng đá hiện đại: Mảnh đất màu mỡ
Tại Việt Nam, cầu thủ hầu hết đều chưa chú trọng tới bản quyền hình ảnh. Nhưng ở các cường quốc bóng đá, bản quyền hình ảnh được xem trọng hơn cả tiền lương.
Hình càng nhiều “sao”, giá trị càng... nhỏ!
Một trong những hình ảnh nổi bật nhất trong mấy mùa qua của Premier League chính là cảnh Sergio Aguero lập công trong chiến thắng Queens Park Rangers, góp phần giúp Man City đem ngôi vô địch Anh trở lại miền Đông sau 44 năm chờ đợi. Điều đáng bàn ở đây là nếu Man City sử dụng bức ảnh đó cho bất cứ sự kiện quảng cáo nào hoặc in thành poster để bán, ban lãnh đạo CLB đều buộc phải trả tiền bản quyền hình ảnh cho Aguero. Nhưng nếu cũng cảnh ấy mà có các đồng đội của anh xen vào chia vui, Man City sẽ không phải bồi thường xu nào cho chân sút người Argentina, vì đấy là bức ảnh chụp đội bóng.
Cho tới nay, khái niệm về hình ảnh đội bóng được mặc định là mọi bức ảnh có ít nhất 3 cầu thủ trong cùng một đội bóng góp mặt. Điều này giải thích tại sao các sự kiện giới thiệu áo đấu mới ở mọi CLB thường có rất nhiều cầu thủ tham dự, thay vì chỉ gói gọn trong vài “ngôi sao” của đội bóng. Bởi lẽ, việc chỉ chọn ra vài trụ cột để giới thiệu áo đấu có thể hiệu quả hơn nhiều, đặc biệt khi các đội thường chỉ có tối đa 3 kiểu áo, nhưng những rắc rối đi kèm với bản quyền hình ảnh của cầu thủ khiến vấn đề phức tạp tới mức các đội cảm thấy chẳng cần phải mạo hiểm.
Thực trạng này cũng tác động đến cả Premier League, vì về nguyên tắc, tổ chức này sở hữu bản quyền hình ảnh của các đội và mọi trận đấu do họ tổ chức, nhưng không có quyền sử dụng hình ảnh cá nhân của cầu thủ. Đấy là lý do tại sao các hình ảnh quảng cáo của Premier League cũng thường có nhiều cầu thủ. Đơn cử như đoạn phim quảng bá cho Premier League mùa 2013/14, người xem nhận thấy có hơn chục cầu thủ đến từ 12 đội, và mỗi cầu thủ chỉ xuất hiện trên màn hình không hơn 1 giây. Premier League mời nhiều cầu thủ quảng cáo để đỡ phải trả tiền! Chính vì bản quyền hình ảnh cầu thủ mới phát sinh nghịch lý ấy.
Bản quyền hình ảnh cầu thủ trong mắt các “đại gia” và siêu sao
Sử dụng hình ảnh cầu thủ với thái độ cực kỳ thận trọng của cả Premier League lẫn các CLB chính là bằng chứng hùng hồn cho thấy ảnh hưởng của vấn đề này ngày càng lớn như thế nào. Mảnh đất ấy có tiềm năng tới mức ngay từ thời thương thảo hợp đồng với Man Utd năm 2002, David Beckham từng tuyên bố: “Tôi không quan tâm tới tiền lương. Tôi chỉ cần nâng mức sở hữu bản quyền hình ảnh lên chút nữa”. Đấy là chưa kể trong cuộc đàm phán năm 2013, Cristiano Ronaldo ép Real Madrid phải phá vỡ quy định riêng là chia 50-50 lợi nhuận từ bản quyền hình ảnh cho cầu thủ và CLB để nâng lên 60% cho CR7 và 40% cho “Kền kền trắng”.
Một trong những CLB đầu tiên nhận ra giá trị của bản quyền hình ảnh chính là Real Madrid và yếu tố này được xem như nền tảng của chiến lược Galacticos. Bởi trong giai đoạn đầu quản lý đội chủ sân Bernabeu, Chủ tịch Florentino Perez từng thiết lập hệ thống chia đều lợi nhuận kiếm được từ bản quyền hình ảnh cho CLB và cầu thủ. Ý tưởng này phần nào còn giúp “Kền kền trắng” lôi kéo các siêu sao dễ dàng hơn do khi tới Real Madrid, giá trị thương mại của các tân binh hứa hẹn tăng cao. Ví dụ như Beckham: Real Madrid kiếm thêm hơn 137% trong 4 năm có anh, đồng thời thương hiệu Beckham có ảnh hưởng rất lớn trên thị trường nói tiếng TBN.
Còn giờ đây, khi nguồn tiền đổ vào thể thao hiện đại ngày càng lớn và phức tạp hơn, rất nhiều giao dịch đều cần có thỏa thuận về phân chia bản quyền hình ảnh. Xét về cơ bản, mọi thỏa thuận về bản quyền hình ảnh thực chất đều nhằm bồi thường cho cầu thủ về việc sử dụng hình ảnh của họ. Tuy nhiên, tình hình đang ngày càng phức tạp hơn do có liên quan tới thuế và tài trợ. Dù vậy, chừng nào tiền vẫn chảy như nước vào bóng đá và các trận đấu ngày càng thu hút thêm khán giả đến sân hoặc xem truyền hình, các cầu thủ và CLB sẽ chỉ càng chú trọng nhiều hơn vào việc phân chia lợi nhuận từ bản quyền hình ảnh.
Định nghĩa bản quyền hình ảnh cầu thủ
Bản quyền hình ảnh cầu thủ là giải pháp bảo vệ thu nhập cho cầu thủ nổi tiếng từ những hình ảnh độc quyền của họ và có thể kèm theo những yếu tố riêng khác như chữ ký. Bản quyền này giúp họ thu được lợi nhuận khổng lồ và những ai muốn sử dụng đều cần xin phép họ.
Đôi khi, thu nhập từ bản quyền hình ảnh cao hơn cả tiền lương, như Cristiano Ronaldo có lương khoảng 20 triệu euro, song thu nhập quảng cáo đạt đến khoảng 28 triệu euro trong năm 2017 (Theo Forbes). Vì vậy, nhiều hợp đồng chuyển nhượng hiện nay đều có điều khoản về bản quyền hình ảnh và việc thanh toán cho cầu thủ diễn ra thường xuyên hơn.