Barcelona - "Con buôn cầu thủ" giỏi nhất châu Âu
Không đội bóng nào tại châu Âu có mức tăng giá trị đội hình cao hơn Barcelona. Trong khi đó, giá trị đội hình của Man Utd lại sụt giảm thảm hại.
Kết luận này được rút ra từ dữ liệu mới được công bố bởi Trung tâm nghiên cứu thể thao quốc tế CIES. Cụ thể, giá trị đội hình hiện tại của Barcelona đã tăng vọt so với thời điểm các cầu thủ này được mua về, từ mức 485 triệu euro lên mức 1,071 tỷ euro, tăng 586 triệu euro, mức tăng cao hơn bất kỳ đội bóng nào khác tại châu Âu.
Tottenham và Atletico Madrid với nòng cốt đội hình gồm nhiều cầu thủ trẻ tự đào tạo, hoặc cầu thủ được mua về với giá rẻ lần lượt xếp sau Barca với mức tăng giá trị đội hình là 525 triệu euro và 497 triệu euro.
Đáng chú ý, ĐKVĐ Premier League, Leicester chỉ sở hữu đội hình có giá trị “khiêm tốn” 484 triệu euro, tức kém 1 triệu euro so với giá trị ban đầu của đội hình Barcelona, cũng lọt vào Top 4 trong bảng xếp hạng này.
Thành quả trên có được hoàn toàn nhờ vào câu chuyện cổ tích được “Bầy Cáo” dệt lên ở giải Ngoại hạng vào mùa năm ngoái.
Sau khi trở thành nhà vô địch Premier League, giá trị của mọi cầu thủ trong đội hình Leicester đều tăng vọt. Tiêu biểu nhất phải kể đến trường hợp của Jamie Vardy (tăng khoảng 30 triệu euro) và Riyad Mahrez (40 triệu euro).
Trong khi đó, mức tăng giá trị đội hình của Real Madrid chỉ xếp thứ 5, dù các cầu thủ của họ giá trị chỉ thua đúng Barcelona. Nguyên nhân dẫn đến kết quả này nằm ở chỗ Real Madrid chủ yếu vung tiền mua ngôi sao thành danh của các đội bóng khác, thay vì trọng dụng các tài năng trẻ của lò Castilla.
Ngược lại, giá trị đội hình của Barcelona tăng mạnh chủ yếu nhờ sử dụng nhiều cầu thủ cây nhà lá vườn, nổi bật nhất là Lionel Messi có giá trị tăng từ 0 euro lên 171 triệu euro. Ngoài ra, Neymar cũng thực hiện không ít thương vụ đầu tư khôn ngoan, ví như mua cầu thủ đất giá nhất thế giới Neymar (247 triệu euro) từ Santos vào năm 2013 với mức phí 87 triệu euro.
Thực tế, Barcelona không còn là “gã khờ” trên thị trường chuyển nhượng. Kể từ thương vụ mua hớ Zlatan Ibrahimovic vào năm 2009 (mua với giá 69 triệu euro, trước khi bán lại với giá 45 triệu euro), đội bóng xứ Catalan ít khi đầu tư không hiệu quả.
Ngược lại, Barca còn vớ bẫm nhờ việc bán máu cho các đội bóng khác, chủ yếu là các tài năng trẻ của lò La Masia không tìm được chỗ đứng tại sân Nou Camp như Thiago Alcantara, Marc Bartra, Bojan Krkic, Adama Traore hay Gerard Deulofeu.
Ngoài ra, những cầu thủ đã thành danh như Alexis Sanchez, Pedro hay Claudio Bravo cũng được Barcelona bán đi với mức giá cao hơn nhiều số tiền đội bóng này đã bỏ ra để sở hữu những cầu thủ trên.
Tính ra, Barcelona chỉ chịu lỗ trong thương vụ bán Cesc Fabregas sang Chelsea vào mùa Hè 2014 với mức giá khoảng 32 triệu euro, thấp hơn khoảng 9 triệu euro so với mức phí được đội bóng xứ Catalan chi ra để mua lại cầu thủ này từ Arsenal.
Nói cách khác, Barcelona không chỉ giỏi đào tạo và sử dụng các sản phẩm cây nhà lá vườn mà còn ngày càng lọc lõi trên thị trường chuyển nhượng, yếu tố tiên quyết giúp đội bóng xứ Catalan trở thành CLB đầu tư hiệu quả nhất châu Âu trong thời điểm hiện tại.