Bóng đá & Số liệu chuyên môn: Những câu chuyện bên lề (Bài cuối)
Moneyball là bộ phim tiêu biểu về cái gọi là số liệu quyết định đến thành công của một đội bóng chày. Còn trong bóng đá?
Chỉ biết là, khi Prozone rồi Opta Index xuất hiện, Harry Redknapp, cựu HLV của West Ham, Southampton và Tottenham, có đặt một câu hỏi rất thú vị. Ông nói rằng, “Bao lâu nữa trước khi chúng ta nhận ra bóng đá không chỉ là một cuộc đấu giữa 22 cầu thủ hay giữa 2 HLV mà còn là cuộc chiến giữa những bộ não ở trên hai băng ghế?”
Nói vậy để thấy là các thống kê, các con số giờ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thống kê trận đấu, thống kê cầu thủ và quyết định đến việc sắp xếp đội hình, chính sách chuyển nhượng.
Đó là lí do giải thích tại sao các CLB ở Premier League, và nhiều đội bóng ở hạng thấp, đều thuê những chuyên gia phân tích số liệu. Những chuyên gia phân tích số liệu tham gia vào việc chuẩn bị trước trận đấu và sau trận đấu; họ giúp nhận diện các mục tiêu chuyển nhượng và vạch ra kế hoạch đào tạo cầu thủ trẻ.
Hiểu một cách đơn giản thì bóng đá ngày một thông minh hơn kể từ ngày xuất hiện máy tính cá nhân, khi mà thời đó không nhiều người sử dụng số liệu để đánh giá cầu thủ.
Trong số những người đầu tiên có HLV tương lai của Arsenal, Arsene Wenger, một người am hiểu kinh tế và toán học. Vào cuối những năm 1980, khi dẫn dắt Monaco, Wenger sử dụng một chương trình máy tính có tên gọi Top Score do một người bạn phát triển. Muộn hơn là HLV người Ukraine, Valeri Lobanovski. Người ta kể rằng, năm 1992, người bạn của Lobanovski là giáo sư Anatoly Zelentsov có xây dựng những trò chơi điện tử để Dynamo Kiev đánh giá cầu thủ. Vì thế, khi Lobanovski nói rằng, “Một đội bóng mắc lỗi không nhiều hơn 15-18% các pha bóng, đội bóng đó không thể đánh bại,” nghĩa là ông không nói suông. Ông nói dựa trên những con số mà Zelentsov cung cấp.
Mặc dù vậy thì cũng phải đến năm 1996, sau khi công ty Opta Index bắt đầu thu thập số liệu trận đấu ở Premier League, tác giả người Đức là Christoph Biermann đã có những giải thích rõ ràng hơn về bóng đá và số liệu trong cuốn Die Fussball-Matrix. Lần đầu tiên, các CLB biết được mỗi cầu thủ chạy bao nhiêu km trong một trận đấu, thực hiện bao nhiêu cú tắc và chuyền bóng bao nhiêu lần.
Rồi những công ty số liệu khác tham gia vào thị trường. Và một số HLV bắt đầu quan tâm đến các con số. Chẳng hạn như tháng 8/2001, HLV của Man Utd, Alex Ferguson, đột nhiên bán trung vệ Jaap Stam cho Lazio. Vụ chuyển nhượng khiến tất cả sững sờ. Một số nghĩ rằng Ferguson trừng phạt cầu thủ người Hà Lan vì cuốn tự truyện ngốc nghếch mà anh vừa xuất bản. Mặc dù vậy, sự thực là vụ chuyển nhượng này liên quan đến những số liệu trận đấu sau khi Ferguson phát hiện ra rằng, Stam tắc bóng ít hơn trước. Ông cho rằng, ở tuổi 29, cầu thủ này bắt đầu đi xuống và ông quyết định bán anh.
Về sau, Ferguson thừa nhận sai lầm của mình. Sau cùng thì như nhiều HLV trong thời kì đầu của số liệu bóng đá, ông đã tính toán sai. Stam không sa sút chút nào vì anh còn thi đấu được vài năm nữa ở Italia. Tuy nhiên, vụ chuyển nhượng Stam là một cột mốc quan trọng trong lịch sử bóng đá: một vụ chuyển nhượng được quyết định chủ yếu bằng những con số.
Hay ở Arsenal, Wenger cũng là một “tín đồ” của các số liệu và dựa vào đây để đưa ra những quyết định. Chẳng hạn như năm 2002, ông bắt đầu rút Dennis Bergkamp khỏi sân ở cuối trận đấu nhiều hơn. Tiền đạo người Hà Lan gặp ông để phàn nàn. “Rồi ông ấy đưa ra những con số,” Bergkamp về sau nhớ lại. “‘Nhìn này Dennis, sau 70 phút, anh bắt đầu chạy ít đi. Và tốc độ của anh giảm dần.’ Wenger đúng là một giáo sư bóng đá.”
Không sai và khi mọi HLV đều dựa vào các số liệu để chuẩn bị trận đấu, chẳng có gì ngạc nhiên nếu tài năng của Ferguson trước đây và giờ là Wenger không còn là yếu tố quyết định đến chuyện họ là những người thống trị ở Premier League nữa.