Bóng đá ĐNÁ (Kỳ 1): Muốn khá phải na ná Premier League
Tham vọng của người Mã
Phải thừa nhận rằng thời điểm này chẳng phải lý tưởng để đánh bóng hình ảnh của bóng đá Malaysia. Vì trên BXH FIFA, Malaysia hiện rớt xuống thứ 171, vị trí thấp nhất trong lịch sử và ngang với Indonesia vốn không kiếm thêm điểm nào suốt mấy tháng qua do bị FIFA cấm thi đấu. Không chỉ vậy, 2 chiến thắng liên tiếp vừa qua trước Lào và Đông Timor trong khuôn khổ giao hữu và vòng loại World Cup chưa đủ để người Malaysia quên mất rằng trên đường đua tới Nga 2018, đội nhà vừa thảm bại 0-6 trước đội khách Palestine và thua tan tác 0-10 tại UAE. Trong bức tranh toàn cảnh nhiều gam màu tối như vậy, thật bất ngờ khi chính phủ Malaysia bạo tay chi 303 triệu USD mua bản quyền truyền hình và tài trợ cho các giải trong nước tới 15 năm sau.
Động lực ắt hẳn đến từ niềm tin vào ý tưởng cải tổ nền bóng đá Malaysia của Kevin Ramalingam vừa nhận chức GĐĐH của LLP để tổ chức các giải trong nước thay cho LĐBĐ Malaysia (FAM). Cách làm này ngày càng phổ biến trong 25 năm qua, bao gồm cả Anh với Premier League (EPL) chào đời năm 1992. Ramalingam cho biết: “Đúng là thành công trên đấu trường quốc tế sẽ thu hút mối quan tâm của thị trường trong nước nhiều hơn, nên chúng tôi sẽ không dối trá tới mức tin rằng thể hiện kém cỏi của đội tuyển Malaysia chẳng gây ảnh hưởng nào. Tuy nhiên, giải vô địch Malaysia rất cần thay đổi, vì chúng tôi đang ở vào tình huống như người Anh phải sáng lập Premier League hồi đầu thập niên 90. Tôi chỉ mong giải VĐ Malaysia đạt được 50% thành công của Premier League là đủ”.
Tấm gương của người Thái
Thành công rực rỡ của người Thái khi noi theo Premier League càng tạo động lực để Ramalingam cùng giới bóng đá Malaysia thêm quyết tâm thay đổi. Tất nhiên, hiệu quả đạt được chưa hẳn nhanh như mong muốn, vì Premier League chào đời năm 1992 thì tới năm 1996, Thái Lan đã áp dụng theo. Dù vừa bị điều tra, chủ tịch LĐBĐ Thái Lan (FAT) Worawi Makudi rõ ràng có tầm nhìn xa khi tận dụng mọi mối quan hệ để Sir David Richards – Chủ tịch EPL hỗ trợ FAT từ cách tổ chức giải đấu như thế nào cho tới thương thảo bán bản quyền truyền hình làm sao mới kiếm được hơn 22 triệu USD/năm trong 3 năm, tính từ 2014. Vì thế, số đội dự Thai Premier League (TPL) thoạt đầu chỉ 10-12 tăng dần lên 16, rồi 18 với các sân có sức chứa không quá nhiều (chừng vài ngàn tới mười mấy ngàn người), nhưng cơ sở vật chất hiện đại và dịch vụ cung cấp cho NHM có tiêu chuẩn quốc tế.
Thời gian chứng tỏ chiến lược của FAT chính xác như thế nào. NHM Thái vẫn rất chuộng EPL và thuộc làu làu tên các ngôi sao ở Anh, song vẫn ủng hộ bóng đá nội nhiệt tình với lượng khán giả vào sân lẫn xem truyền hình trả tiền tăng đều hàng năm. Vì thế, TPL vẫn chưa cạnh tranh nổi Trung Quốc để thu hút các ngôi sao lớn, nhưng đã có được những tuyển thủ đến từ Madagascar, Montenegro, Bờ Biển Ngà, Guinea hoặc CHDCND Triều Tiên… Đồng thời, nhiều cầu thủ ở Thái nay trở thành người nổi tiếng với mức lương hàng tháng khoảng 3.000 USD. Định hướng tốt của TPL theo phương hướng của EPL còn giúp giải đấu này chẳng lo thiếu tài trợ, như Thai Beverage hàng năm chi tới 14 triệu USD để tổ chức các hoạt động liên quan tới bóng đá, bao gồm cả tài trợ cho các CLB, tương tự AIA Thailand…
Minh Châu
LLP là gì?
Kevin Ramalingam, GĐĐH của LLP giải thích tổ chức mới này của bóng đá Malaysia sẽ chịu trách nhiệm thay thế LĐBĐ Malaysia (FAM) điều hành các giải Malaysian Super League, Malaysian Premier League, Malaysian FA Cup, Malaysia Cup và Charity Cup theo phương hướng mới nhằm gia tăng giá trị thương mại của các giải này tới mức tối đa.