Bóng đá Iraq (Kỳ cuối): Điều chính trị không làm được…

thứ tư 7-10-2015 15:11:21 +07:00 0 bình luận
… thì bóng đá lại làm được. Suốt bao năm qua, Iraq vẫn không ngừng chia rẽ bởi những mâu thuẫn dai dẳng giữa các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo và chưa có dấu hiệu gì cho thấy rằng chúng sẽ chấm dứt trong tương lai gần. Trừ khi ĐTQG Iraq thi đấu…

Quốc gia “3 trong 1”

Giống như nhiều quốc gia láng giềng khác ở Trung Đông, Iraq từng là một phần của đế chế Ottoman trong hơn 3 thế kỷ và biên giới của nhà nước Iraq hiện đại mới chỉ chính thức được xác định sau Thế chiến thứ nhất, khi đế chế Ottoman bại trận trước phe Đồng minh và phải chấp nhận từ bỏ nhiều phần lãnh thổ. Năm 1916, hai nước Anh và Pháp đạt được thoả thuận phân chia khu vực Tiểu Á thời hậu chiến, theo đó Pháp sẽ được phân chia vùng Syria – Lebanon hiện nay còn Anh sẽ có được vùng Jordan – Iraq. Chính xác mà nói thì vào thời điểm đó khái niệm “Iraq” chưa xuất hiện, mà trên vùng đất bây giờ là Iraq có sự tồn tại của 3 đơn vị hành chính riêng biệt (đều là các tỉnh trực thuộc đế chế Ottoman) là Mosul ở miền Bắc, Baghdad ở miền Trung và Basra ở miền Nam.

Sự khác biệt giữa ba tỉnh này là rất lớn, cả về địa lý lẫn dân tộc, tôn giáo: Mosul là nơi nhiều núi non và là địa bàn sinh sống của người Kurd, Baghdad là vùng nhiều sa mạc và có đông người Sunni trong khi Basra là vùng đất tương đối màu mỡ, có hải cảng quan trọng và tập trung nhiều người Shia. Tuy nhiên để thuận tiện trong việc quản lý và khai thác thuộc địa (các mỏ dầu ở Iraq thời điểm đó có ý nghĩa rất quan trọng với đế chế Anh) thì người Anh đã gộp luôn cả 3 tỉnh Mosul, Baghdad và Basra vào thành một quốc gia mới mang tên Iraq với thủ đô đặt ở Baghdad bây giờ. Tất nhiên là quyết định này của người Anh đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân địa phương, đặc biệt là người Kurd ở Mosul hay người Shia ở Basra và cho dù quân đội Anh đã nhanh chóng trấn áp thì việc cố gắng “gom” ba chủ thể vốn rất khác biệt vào làm một đã tạo ra mầm mống cho sự bất ổn chính trị của Iraq về sau này.

Bóng đá không biên giới

Khi chính phủ trung ương Iraqđủ mạnh thì sự mâu thuẫn vùng miền nói trên sẽ tạm thời bị đè nén xuống, nhưng khi sức mạnh của chính quyền trung ương suy yếu thì nó sẽ lập tức bùng lên mà hiện tại là một điển hình. Lãnh thổ Iraq giờ về cơ bản đang được chia thành ba phần với ISIS (chủ yếu gồm tín đồ Sunni) ở miền Tây, người Kurd ở miền Bắc và chính phủ trung ương (do phe Shia lãnh đạo) nắm giữ phần còn lại. Xoá bỏ sự ngăn cách giữa các cộng đồng dân cư này dường như là một nhiệm vụ nằm ngoài tầm với của hai đời thủ tướng Iraq liên tiếp, Nouri al-Maliki và Haider al-Abadi, nhưng – ít nhất là trong một vài khoảnh khắc – thì Younis Mahmoud và các đồng đội đã thực hiện được điều đó.

Khi Iraq đánh bại Iran trong loạt đá luân lưu hồi đầu năm (Mahmoud thậm chí còn đủ tự tin để thực hiện một quả Panenka thành bàn khi Iraq đang bị dẫn 4-5 ở loạt 11m) để ghi tên mình vào vòng bán kết Cúp châu Á thì cả đất nước, không kể là Sunni hay Shia hay Kurd, đã đổ ra đường chào mừng chiến thắng. Các bệnh viện ở Iraq đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân bị thương vì trúng đạn, tất nhiên không phải sau các vụ xung đột mà vì họ vô tình dính phải vài viên đạn lạc sau các đợt bắn chỉ thiên ăn mừng. Người Shia không quan tâm đến việc một người Sunni đang giữ băng thủ quân ĐTQG, dân địa phương ở Tikrit thậm chí đã giao tranh với ISIS vì tổ chức này ngăn cản họ ăn mừng thắng lợi của ĐT còn ở Qadisiyah (nằm phía Nam thủ đô Baghdad, trong vùng ảnh hưởng của chính quyền trung ương) thì người ta còn đòi… dựng tượng Mahmoud, một anh chàng người Thổ sinh ra ở vùng Iraq Kurdistan.

Sứ mệnh cao cả

Bóng đá dường như là thứ hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, có đủ sức mạnh để đoàn kết toàn bộ người dân Iraq, vốn thuộc rất nhiều tôn giáo và sắc tộc khác nhau, lại dưới một ngọn cờ (sau chức VĐ châu Á năm 2007 của ĐT Iraq, người ta có thể nhìn thấy rất nhiều chiếc áo phông có in một dòng chữ đơn giản: “Tôi là người Iraq”) và nói như Abrar al Saleh, một nhân viên thương mại người Iraq hiện đang sống ở Sydney, thì: “Đất nước tôi không thể tìm thấy niềm vui nào khác ngoài bóng đá. Đó là thứ duy nhất có thể khiến chúng tôi tạm quên những rắc rối trong cuộc sống hiện thời. Bạn có thể thấy người ta chơi bóng ở khắp mọi nơi, kể cả tại những góc phố đổ nát vì bom đạn. Người Iraq cũng phát cuồng vì bóng đá giống như Brazil vậy”. Ramyar Ahmed, đội trưởng Kirkuk FC, chốt lại: “Các cầu thủ Kirkuk đến từ đủ mọi sắc tộc như Kurd, Arab, Thổ, nhưng trên sân bóng thì chúng tôi đều là đồng đội. Khi một ai đó ghi bàn thì tất cả mọi người khác, bất kể dân tộc hay tôn giáo, đều ăn mừng và tôi chỉ hy vọng rằng một ngày nào đó các chính trị gia ở Iraq có thể hành xử được như các cầu thủ bóng đá.

Nói thế để thấy là bóng đá có một vai trò cực kỳ quan trọng ở Iraq, và không phải ngẫu nhiên mà Younis Mahmoud đã quyết định trở lại ĐTQG để cùng với các đồng đội trẻ chinh chiến ở vòng loại World Cup 2018. Anh từng tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế vào giữa năm 2013 và không lâu sau đó, khi kết thúc hợp đồng với Ah Ahli vào cuối năm 2013, thì Mahmoud cũng chính thức nói lời chia tay sân cỏ. Hàng loạt lời đề nghị từ Qatar, Trung Quốc hay Australia chẳng khiến Mahmoud mảy may rung động (anh còn bận về quê nhà Kirkuk xây học viện bóng đá) nhưng khi tổ quốc kêu gọi thì Mahmoud đã đáp lời. Cuối năm ngoái, anh dẫn dắt các đồng đội trẻ – rất nhiều người trong số đó coi Mahmoud là thần tượng – giành huy chương đồng môn bóng đá nam ở Á vận hội 2014, và bây giờ thì anh dẫn đầu đàn “Sư tử vùng Mesopotamia” đến so tài với ĐT Việt Nam.

Tấm vé lọt vào VCK World Cup 2018, nếu có, sẽ chứa đựng một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với bóng đá cũng như xã hội Iraq và có lẽ Mahmoud không hề quá lời khi nói rằng cuộc đụng độ với Việt Nam là một “trận cầu lớn”. Không lớn sao được, khi mà chính những trận đấu như thế này sẽ góp phần mở ra cánh cửa hoà giải dân tộc ở quê hương Iraq của anh…

Quang Hải

Tất nhiên chỉ riêng bóng đá là không đủ để đem lại sự hoà bình hay ổn định cho một quốc gia, nhưng các nhà khoa học xã hội đã chứng minh rằng tác dụng của thể thao nói chung hay bóng đá nói riêng là cực lớn trong việc thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các nhóm dân cư cũng như làm đậm tinh thần dân tộc. Giáo sư Alan Bairner (chuyên ngành Thể thao và xã hội, ĐH Loughborough) giải thích rằng thể thao có thể tác động đến xã hội qua hai phương thức, một là gia tăng lòng tự hào dân tộc và hai là giúp “chuyển dịch” những bầu máu nóng (vốn dễ gây ra bạo lực) sang một phương thức lành mạnh hơn.

Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng sử dụng một ĐT bóng bầu dục đa sắc tộc (bao gồm cả các cầu thủ da màu) như là công cụ để đoàn kết đất nước Nam Phi sau bóng ma của tệ nạn apartheid và đạt được thành công vang dội, với đỉnh cao là việc đưa World Cup 2010 về tổ chức tại Nam Phi. Chắc hẳn đó là một bài học hữu ích với các nhà quản lý thể thao Iraq.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội