Bóng đá Malaysia: Phải tăng tốc trong năm 2016
MSL cần tổ chức chặt chẽ hơn
Đôi khi, thành công của một đội bóng lại vô tình phản ánh sự yếu kém của cả nền bóng đá. Trường hợp của Johor Darul Ta'zim (JDT) và bóng đá Malaysia năm 2015 chính là như vậy. Bởi cách nay vài tuần, JDT vừa vinh dự trở thành CLB đầu tiên của nước này đăng quang tại một giải cấp châu lục khi giành ngôi vô địch ở AFC Cup 2015. Đáng chú ý không kém, JDT đang giữ ngôi vô địch Malaysia Super League (MSL) suốt 2 mùa liền. Ngặt nỗi, JDT càng rực rỡ bao nhiêu, các đối thủ của họ chỉ càng cảm thấy chướng mắt bấy nhiêu.
Bởi lẽ, thành công của JDT phần nào còn do cơ sở hạ tầng tuyệt vời cùng tiềm lực tài chính mạnh mẽ tới mức không đối thủ nào sánh nổi. Giờ đây, giới bóng đá Malaysia chỉ còn cách hy vọng Selangor và Terengganu sẽ tìm được nhà tài trợ để tăng cường ngân sách hoạt động, PDRM và Sarawak lớn mạnh hơn nhờ những thay đổi cầu thủ cùng BHL hoặc khát vọng của các tân binh Penang và Kedah để tạo ra những đối trọng xứng tầm với JDT, qua đó giúp MSL 2016 trở nên hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, MSL 2016 cũng cần phải siết chặt vấn đề kỷ luật bằng các biện pháp giám sát cùng chế tài nghiêm ngặt. Tất cả nhằm tránh tái hiện một MSL trông như cái chợ của năm 2015. Vì tại đấy, ít nhất 2 CLB từng nợ lương cầu thủ cùng BHL trong suốt nửa năm tạm ngưng thi đấu, sau vài kết quả nghèo nàn. Không chỉ vậy, cả hai CLB này sau cùng đã bỏ cuộc, khiến lịch đấu của các giải quan trọng như MSL và Malaysia Cup bị xáo trộn vì lý do không đáng có.
Trong năm 2016, những chuyện đáng tiếc tương tự cần phải ngăn ngừa triệt để. Đó là việc cần phải làm còn do sau khi LionsXII bị gạt tên khỏi MSL, giải này nay lại trở thành chuyện riêng của bóng đá Malaysia. Hơn nữa, giải VĐQG chính là nền tảng của ĐTQG. Muốn Tuyển Malaysia nhanh chóng vươn mình như khát vọng của Bộ Thanh niên & Thể thao, MSL cần phải hấp dẫn và đầy sức cạnh tranh hơn.
Đừng bỏ bê “mỏ vàng” khán giả
Bước vào năm mới 2016, các nhà quản lý bóng đá Malaysia cũng cần chú ý nhiều hơn về việc chăm sóc NHM. Phải thừa nhận là các CĐV Malaysia mê bóng đá chẳng kém bất cứ nơi nào trên thế giới. Những khán đài đầy màu sắc và nhộn nhịp khi diễn ra trận chung kết Malaysia Cup 2015 mới đây phần nào phản ánh rõ điều đó. Ngay cả những trận đấu nhạt nhẽo như lúc PDRM gặp Sime Darby cũng thu hút được lượng CĐV đáng kể. Và còn bằng chứng nào tuyệt vời hơn để khẳng định thực trạng này khi có khoảng 40.000 người tới sân chỉ để xem một đội bóng nhỏ như Melaka tranh quyền lên hạng?
Điều trớ trêu là “cầu thủ thứ 12” tuyệt vời ấy hiện không được quan tâm đúng mức. Bằng chứng là hiếm có SVĐ nào ở Malaysia tọa lạc ở địa điểm giao thông thuận tiện. Ngoài ra, cơ sở vật chất của các CLB hầu hết đều tồi tàn và xập xệ với những khán đài chắp vá bằng đủ loại vật liệu. Không chỉ vậy, hầu hết BLĐ các CLB đều phản đối ý tưởng in tờ rơi phát trước mỗi trận đấu để NHM biết được thông tin về tình hình hai đội, hồ sơ cầu thủ cùng lịch sử đối đầu… BTC MSL cũng tỏ ra không coi trọng CĐV khi bố trí thời điểm thi đấu của các trận giữa tuần hoặc vòng bán kết Malaysia Cup kết thúc vào lúc gần nửa đêm.
Càng buồn cho NHM bóng đá ở Malaysia khi truyền hình trong năm qua có lượng khán giả xem các trận của MSL rất cao, nhưng mật độ phát sóng trực tiếp các trận đấu lại rất bất thường, nếu không muốn nói là lộn xộn. Nguyên nhân do nhiều thứ tác động, từ tài chính cùng quảng cáo… Chưa rõ cảnh hỗn loạn ấy có còn tiếp diễn trong năm 2016 hay không, khi Football Malaysia LLP – một công ty tư nhân vừa được trao quyền rao bán bản quyền truyền hình của MSL cả trong nước lẫn quốc tế.
Xắn tay làm lại từ đào tạo trẻ
Tuy nhiên, mọi nỗ lực cải tổ MSL vẫn chỉ là xây nhà từ nóc, nên không bất ngờ khi Malaysia vừa triển khai dự án đào tạo trẻ khá lớn nhằm lấy lại vị thế vốn có ở châu lục. Nhằm xây dựng thế hệ mới cho ĐTQG, Bộ Thanh niên & Thể thao nước này không chỉ hướng tầm mắt tới các cậu bé từ 6-12 tuổi, mà còn nhằm đào tạo thêm HLV cho độ tuổi này. Mục tiêu là chóng xốc lại ĐTQG đang tiếp tục trượt dài trên BXH FIFA năm nay khi hiện rơi xuống hạng 170, sau cả những ĐTQG vô danh như Quần đảo Cook, Samoa và American Samoa.
Nói cách khác, Malaysia vẫn chưa thật sự hồi sinh kể từ sau vụ mua bán độ hồi đầu thập niên 90 khiến 26 cầu thủ bị treo giò và NHM mất niềm tin vào bóng đá nước nhà. Dù vậy, thông qua Học viện Đào tạo Trẻ Quốc gia, Bộ Thanh niên & Thể thao Malaysia đang không ngừng tìm lối ra. Hiện dùng các HLV từng làm cho Học viện của Bayern Munich và QPR (đội bóng Anh hiện thuộc quyền sở hữu của doanh nhân Malaysia Tony Fernandes), Bộ Thanh niên & Thể thao kỳ vọng những mô hình tiên tiến này sẽ giúp bóng đá nước nhà phát triển đúng hướng với mục tiêu xây dựng ĐTQG có khả năng cầm bóng chắc và nhanh chóng chuyển từ thủ sang công hoặc ngược lại.
Và điều đáng nể nhất là người Malaysia quyết định không chạy theo thành tích. Bởi thoạt đầu, truyền thông nước này dự báo đến năm 2020, Tuyển Malaysia sẽ đủ sức so kè cùng các cường quốc như Nhật và Hàn. Nhưng mới đây, Bộ Thanh niên & Thể thao khẳng định đích đến có thể lâu hơn nữa, vì chiến lược phát triển luôn cần có thời gian, nhất là khi mục tiêu quá lớn lao. Theo đó, Bộ Thanh niên & Thể thao kỳ vọng nâng số HLV từ 387 lên 2.472 người, tăng gấp 3 số trung tâm huấn luyện, tăng gấp 10 số cầu thủ thi đấu ở các CLB hiện mới đạt khoảng 5.000 và thiết lập 150 Học viện đủ sức tiếp nhận khoảng 25.500 tài năng trẻ. Năm 2016 chính là thời điểm để họ tăng tốc khi công tác chuẩn bị đã đủ đầy.
Malaysia hiện rớt xuống thứ 170 trên BXH FIFA, ngang với Đông Timor và đứng sau nhiều ĐTQG vô danh như Sao Tome e Principe, Maldives, Quần đảo Cook, Samoa và American Samoa.
Bộ Thanh niên & Thể thao kỳ vọng nâng số HLV từ 387 lên 2.472 người, tăng gấp 3 số trung tâm huấn luyện, tăng gấp 10 số cầu thủ thi đấu ở các CLB hiện mới đạt khoảng 5.000 và thiết lập 150 Học viện đủ sức tiếp nhận khoảng 25.500 tài năng trẻ.