Bóng đá và mạng xã hội: Quyền lực thứ 4
Thực tế thì đây là mặt trái của xu hướng toàn cầu hóa khi các CLB, các cầu thủ có thể tương tác với người hâm mộ trên toàn thế giới thông qua mạng xã hội. Thậm chí, đừng nói gì đến các CLB lớn hay cầu thủ chuyên nghiệp, các CLB và cầu thủ bán nghiệp dư và nghiệp dư cũng gia nhập mạng lưới kỹ thuật số, đặc biệt là Twitter và Facebook.
Hiểu một cách đơn giản thì bóng đá giờ không còn là một môn thể thao nữa mà là một dự án kinh doanh trị giá hàng trăm triệu USD của phần lớn các CLB, đặc biệt là tại Anh. Những CLB lớn như Man Utd, Arsenal, Chelsea và Liverpool đều có một lượng lớn người hâm mộ trên thế giới theo, thay vì chỉ là vài chục nghìn fan lấp đầy sân Old Trafford, Emirates hay Stamford Bridge vào mỗi buổi chiều thứ Bảy và Chủ nhật. Và làm thế để họ kéo được tất cả vào những trận đấu của mình cùng một lúc? Mạng xã hội. Và đừng nói gì đến việc tương tác giữa hai bên, mạng xã hội còn giúp các CLB thúc đẩy bán hàng, cung cấp thông tin độc quyền thông qua những fanpage và tới hàng triệu người theo. Không có gì ngạc nhiên nếu truyền thông truyền thống như báo in, báo điện tử và truyền hình giờ cũng sử dụng mạng xã hội để cạnh tranh và lôi kéo người hâm mộ sử dụng các dịch vụ gia tăng của họ trước sự cạnh tranh từ những CLB lớn.
Thậm chí, cái thời một phóng viên với cây bút, quyển sổ tới sân tường thuật một trận đấu cho số báo ra ngày hôm sau đã qua rồi. Công việc của họ giờ là 24/7, thông qua mạng xã hội và website của các tờ báo. Thông tin được cập nhật từng giờ, nếu không muốn nói là từng phút khi tất cả người hâm mộ đều muốn mọi thứ xuất hiện trước mắt họ, chứ không phải sau này. Như người Anh đang gọi thì đây là văn hóa “đầu tiên là tốt nhất” bởi họ có thể vẫn không tẩy chay báo giấy nhưng với những chiếc điện thoại thông minh và máy tính bảng, tin tức sẽ xuất hiện ngay sau mỗi lần chạm màn hình. Và phải rất nhiều tin tức.
Về cơ bản, mạng xã hội đã có một ảnh hưởng tích cực đến bóng đá vì nó kéo người hâm mộ lại gần các đội bóng, các cầu thủ và truyền thông hơn. Bằng cách tương tác trực tiếp, họ sẽ biết được người hâm mộ nghĩ gì, cảm nhận gì. Ngược lại, chính vì văn hóa “đầu tiên là tốt nhất” và vì mọi người luôn muốn cung cấp, đón nhận thông tin nhanh nhất, không phải lúc nào thông tin cũng chính xác.
Trường hợp của Louis van Gaal mới đây là một ví dụ khi thông tin Man Utd sa thải HLV người Hà Lan xuất hiện trên Twitter với nội dung “Man Utd đã sa thải Louis van Gaal. Ryan Giggs sẽ nắm đội cho đến khi một HLV mới được thông báo”. Ngay lập tức, tin đồn lan nhanh trên mạng xã hội, dù thực tế là Van Gaal không bị sa thải và vẫn tiếp tục dẫn dắt Man Utd.
Thế nhưng, dù Twitter không phải là nguồn tin đáng tin cậy, chẳng ai có thể ngăn cản những thông tin tương tự sẽ xuất hiện trong tương lai.
Nói như Wenger thì “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” và điều tồi tệ là trong trường hợp này, mạng xã hội luôn tạo ra một sức ép vô cùng lớn cho những HLV như ông. Bởi không chỉ có người hâm mộ, truyền thông cũng sử dụng mạng xã hội để “đổ thêm dầu vào lửa” nếu một bài bình luận của họ có thể tạo nên làn sóng chỉ trích HLV và đòi ông ta phải ra đi. Trừ khi Fanpage của CLB có thông báo chính thức để dập tắt hoàn toàn mọi tin đồn.
Vì thế, trong khi chờ xem liệu mạng xã hội có trở thành một quyền lực thực sự như báo chí hay không, Wenger cũng đã cảnh báo tất cả về điều này. Ngạn ngữ có câu “Ba người thành hổ giữa chợ”, có nghĩa là trong chợ không có hổ nhưng nếu một người nói, không ai tin; hai người nói thì nửa tin nửa ngờ; ba người nói, tất cả sẽ tin là trong chợ có hổ. Và như HLV người Pháp thừa nhận, mạng xã hội là một dòng người cùng có chung suy nghĩ và chúng có thể kết hợp trở thành một sức mạnh rất lớn.
Mặc dù mới tham gia Facebook năm 2010 nhưng Man Utd giờ có hơn 62 triệu người theo. Còn Twitter, Red Devils tham gia muộn hơn vào năm 2012. Tuy nhiên, người ta đồn rằng, năm 2012, nhờ Facebook và Twitter, Man Utd đã kí được hợp đồng tài trợ trên áo với Chevrolet và 47 triệu bảng/năm là một kỷ lục của làng bóng đá.
Thống kê từ www.pewinternet.org cho thấy 35% người sử dụng Twitter ở độ tuổi 18-29, trong khi chỉ có 5% người trên 65 tuổi. Điều này có nghĩa mạng xã hội không hẳn đã hấp dẫn với mọi lứa tuổi và chỉ có một bộ phận fan sử dụng. Dĩ nhiên, mặc dù một số người trên 65 tuổi muốn tham gia và tương tác, họ có thể không hiểu rõ công nghệ và các kĩ năng cần thiết để sử dụng mạng xã hội.