Cầu thủ “đứt hơi” vì thể thức thi đấu mới của EURO 2020
Với thể thức thi đấu mới của EURO 2020, các cầu thủ đang chơi bóng tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu có thể thi đấu đến 90 trận/năm.
Đây quả thực là một con số cực kỳ khủng khiếp nếu biết rằng một trong những cầu thủ bền bỉ nhất thế giới vào thời điểm hiện tại là Cristiano Ronaldo cũng chỉ đá 63 trận trong mùa giải vừa qua trước khi “cày” thêm 7 trận tại EURO 2016.
Và nếu không gặp chấn thương đứt dây chằng chéo sau pha vào bóng ác ý của Dimitri Payet thì chắc hẳn ngôi sao Bồ Đào Nha chỉ nghỉ ngơi đúng 5 ngày trước khi tập trung cùng Real Madrid để chuẩn bị cho một mùa giải mới đầy khắc nghiệt.
Nhưng cơn ác mộng thực sự với Ronaldo và đồng nghiệp sẽ chỉ đến vào mùa giải 2018/19, thời điểm UEFA áp dụng thể thức thi đấu mới cho EURO 2020.
Theo đó, thay vì chỉ đá vòng loại như thường lệ, các đội tuyển quốc gia còn phải tham dự cả UEFA Nations League nhằm tạo ra một sân chơi có tính cạnh tranh cao và tăng thêm cơ hội dự vòng chung kết EURO cho các đội bóng nhỏ.
Vấn đề đáng nói là nếu phải tham dự thêm các trận đấu tại UEFA Nations League thì khả năng các cầu thủ bị hụt hơi là rất lớn.
Làm một phép tính đơn giản, với thể thức thi đấu mới, một cầu thủ của Man Utd và đội tuyển Anh có thể đá tối đa 38 trận tại Premier League, 6 trận tại FA Cup, 6 trận tại League Cup, 12 trận tại UEFA Champions League, 5 trận tại vòng loại EURO, 6 trận tại UEFA Nations League.
Đó là chưa kể các trận đấu giao hữu trước thềm mùa giải của các câu lạc bộ và giữa mùa giải của các đội tuyển quốc gia rơi vào khoảng 8-10 trận. Như vậy, nếu không bỏ lỡ một trận đấu nào thì một cầu thủ có thể phải đá đến 83 trận/mùa giải. Con số này sẽ là 90 trận nếu tính cả các trận đấu tại vòng chung kết EURO 2020.
Dĩ nhiên, gần như không có cầu thủ nào đủ sức “cày ải” liên tục không ngừng nghỉ như vậy. Nên nhớ rằng cả mùa giải vừa qua không có cầu thủ nào vượt qua thành tích 63 trận của Ronaldo. Nhưng với sự ra đời của UEFA Nations League thì các cầu thủ có thể phải đá thêm khoảng 3-4 trận. Như vậy là vượt quá sức chịu đựng thông thường của một cầu thủ.
Đừng quên rằng ngay cả khi có thể tiếp tục thi đấu tại EURO 2016 thì Ronaldo cũng không thể hiện được phong độ vốn có của mình tại Real Madrid. Bằng chứng là anh đã thi đấu thiếu thuyết phục trong 2 trận đấu đầu tiên tại vòng bảng. Sau đó, Ronaldo còn bị chấn thương và không thể đá trọn trận chung kết với đội tuyển Pháp.
Trước đó, Ronaldo cũng phải bỏ lỡ trận bán kết lượt đi Champions League với Man City vì chấn thương rách cơ đùi ở trận gặp Villarreal. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến chuyện này là Ronaldo đã cày ải liên tục 33 trận của Real Madrid tại La Liga.
Đáng nói hơn nữa là “tai nạn” của Ronaldo không khiến nhiều người phải bất ngờ. Đơn giản vì đây không phải lần đầu tiên một cầu thủ phải than phiền về việc bị vắt kiệt sức bởi lịch thi đấu quá dày đặc.
Toni Kroos là một ví dụ. Cuối năm 2014, tiền vệ người Đức buộc phải xin HLV Carlo Ancelotti, khi đó là HLV Real Madrid, cho nghỉ ngơi sau khi cày ải liên tục 21 trận từ đầu mùa giải. “Tôi không thể chờ đến tận mùa Hè để đi nghỉ mát. Trước đó, tôi chưa bao giờ phải đá nhiều như thế này”.
“Năm nay, tôi đã thi đấu giai đoạn 2 với Bayern Munich, World Cup với đội tuyển Đức cùng những trận giao hữu trước mùa giải và trận tranh siêu Cúp châu Âu cùng Real Madrid. Tôi đã ra sân quá nhiều và hệ quả là tôi đang rất mệt mỏi”.
Toni Kroos hãy còn may mắn chán. Ít ra thì anh cũng đá ít hơn các đồng nghiệp chơi bóng tại Anh (Ở Tây Ban Nha chỉ có Cúp nhà Vua, trong khi tại Anh có cả FA Cup lẫn League Cup). Đó là chưa kể các cầu thủ chơi bóng tại Anh còn không có kỳ nghỉ Đông như các đồng nghiệp thi đấu ở Đức và Tây Ban Nha.
Một chi tiết đáng chú ý nữa là thời gian thi đấu của vòng loại EURO 2020 và giải UEFA Nations League rơi vào tháng 9-11 và tháng 3-6, tức là thời điểm các giải VĐQG đang bước vào giai đoạn thi đấu căng thẳng nhất. Như vậy, khả năng các cầu thủ bị hụt hơi, hoặc thậm chí dính chấn thương không hề nhỏ.