Cầu thủ Man City “báo công” với giới chủ
(Thethao24.tv)–1 điểm = 2 ngàn Iphone6 hoặc 1,5 triệu hộp sữa.
Coi tiền như rác
Đây là lần đầu tiên truyền thông nắm được chính xác số tiền mà ADUG bỏ ra để tăng cường lực lượng cho Man City. Chưa tính tới các khoản khác, chỉ riêng con số này đã đủ để nhiều người ngỡ ngàng. Vì nếu quy đổi thành từng điểm mà đội chủ sân Etihad đạt được kể từ thời điểm ấy, mỗi điểm mà các nhà ĐKVĐ Premier League kiếm được tương đương với 1.738.270 USD chi cho thị trường chuyển nhượng. Để hình dung mức độ hoang phí của các ông chủ Man City ghê gớm như thế nào, xin lưu ý là số tiền trên có thể mua được hơn 2 ngàn chiếc iPhone 6 hoặc gần 1,5 triệu hộp sữa Vinamilk loại 1 lít. Chelsea – đội bóng chi bạo tay chỉ sau họ – có giá trị 1 điểm tương ứng với 948.562 USD. Điều này có nghĩa là cái giá mà ADUG của Sheikh Mansour phải trả để mua thành công cho Man City cao gần gấp đôi so với Roman Abramovich phải làm ở Chelsea.
Dường như cảm thấy chỉ riêng ADUG hỗ trợ Man City vẫn chưa đủ, Sheikh Mansour đã vận động để những tổ chức khác trút tiền cho đội chủ sân Etihad như bản hợp đồng quảng cáo áo đấu của hãng hàng không United Arab Emirates trị giá 559 triệu USD trong 10 năm, hoặc các đối tác khác như Abu Dhabi Tourism Authority, Aabar Investments, Etisalat và Arabtec… Nhờ đó, Man City đã dễ dàng chiêu mộ được những cầu thủ nổi tiếng thế giới như bản hợp đồng trị giá 53 triệu USD đưa Robinho từ Real Madrid tới. Đặc biệt trong mấy năm trước lúc Manchester City vô địch Premier League năm 2012, ADUG đã chi tổng cộng tới 721,4 triệu USD để mua 22 tân binh, bao gồm cả Carlos Tevez từng khoác áo kình địch Man United.
Sở dĩ Man “xanh” dễ dàng lôi kéo các tài năng hàng đầu thế giới tới Etihad một phần là do thừa tiền để trả phí chuyển nhượng, mặt khác vì họ có thể đáp ứng mọi yêu cầu về lương thưởng. Bản báo cáo mới đây của Deloitte vừa tiết lộ điều đó, khi cho biết chỉ riêng quỹ lương của Premier League 2012/13 đã tăng với tốc độ phi mã là 71% với “ngôi sao” sáng nhất là Man City đạt mức 366 triệu USD. Để hình dung được con số này khổng lồ tới mức nào, chỉ cần biết rằng ở thời điểm ấy, đây là một kỷ lục trong bóng đá và cao nhất trong thế giới thể thao nhà nghề.
Không bằng “nhà nghèo”
Thế nhưng, những khoản chi có phần “thô bạo” ấy vẫn không giúp Man City đạt được thành công như ADUG kỳ vọng. Vì sau danh hiệu FA Cup năm 2011, đội bóng chỉ đoạt thêm 1 Community Shield 2012, 1 League Cup năm 2014 cùng 2 ngôi Quán quân Premier League 2011/12 và 2013/14. Không có danh hiệu Champions League nào. Thậm chí, họ còn thường dừng bước sau vòng bảng và tiến xa nhất là tới vòng 1/8. Trước thực trạng ấy, liệu ADUG còn phải bỏ ra bao nhiêu tiền nữa để xây dựng được lực lượng đủ sức chinh phục châu Âu như Bayern Munich – đối thủ vừa thua Man City vào rạng sáng qua do sớm cầm chắc ngôi đầu bảng E trước 2 trận cuối.
Thật trớ trêu khi đáp án có thể là con số kém xa khoản tiền mà ADUG đã đầu tư cho Man City. Porto của Jose Mourinho ở mùa 2003/04 chính là ví dụ cụ thể. Vì nếu coi hai mùa bóng trước khi vô địch châu Âu là giai đoạn chuẩn bị, Porto chỉ lỗ 15,5 triệu USD năm 2001 khi thu nhập đạt mức 27,8 triệu USD, còn năm kế tiếp, họ lỗ 22,4 triệu USD so với thu nhập lên đến 66,5 triệu USD. Tóm lại là để mua được vinh quang ở cả Champions League lẫn giải vô địch Bồ Đào Nha, Porto chỉ mất 132 triệu USD cho hai mùa bóng, bao gồm cả phí chuyển nhượng lẫn tiền lương. Con số ấy còn chưa bằng số tiền bình quân mà ADUG bỏ ra để tăng cường lực lượng cho Man City hàng năm.
Minh Châu