Chiếc quần ngố Messi và màu sơn của Nhà hát Lớn
Thậm chí, người ta còn thấy Messi còn không cạo râu, thái độ ngông nghênh đi bên cạnh nguyên thủ một quốc gia. Đành là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới nhưng kiểu ăn mặc và sự hiện diện không giống ai của Messi đã phải nhận nhiều sự chỉ trích.
Vấn đề là Messi có đáng bị “chửi” đến thế không? Phe phản đối thì khỏi nói, lôi cả danh dự quốc gia đặt bênh cạnh cái quần soóc của Messi. Thậm chí, như một phép so sánh thường thấy: Số tiền lẽ ra mời Messi thì cần xây trường học, bệnh viện có tốt hơn không.
Nhưng một nhóm khác, cho cái nhìn thông thoáng và bao dung hơn. Chẳng hạn việc Messi có mặt là niềm vinh hạnh cho Gabon. Trên thế giới này, cái tên Messi chắc chắn được biết đến nhiều hơn là cái tên Gabon và quan trọng, sự xuất hiện của cầu thủ xuất sắc nhất sẽ khiến hình ảnh Gabon được nâng lên một tầm
Tất nhiên, nếu Messi ăn mặc lịch sự thì vẫn… hay hơn. Nhưng nếu lịch sự như Beckham năm nào đóng vest quá lịch sự để rồi khi thể hiện tài sút bóng đã ngã chổng vó thì cũng chỉ đáng một trận cười.
Đôi khi con người ta quá nhạy cảm và đánh giá sự việc từ vẻ bề ngoài. Messi có mặc quần cộc thì vẫn là cầu thủ hay nhất thế giới, chiếc quần cộc không làm giảm đi chút nào khả năng chơi bóng của anh. Messi là cầu thủ, tốt nhất là nên đánh giá anh qua cách chơi bóng và ứng xử trên sân cỏ.
Lại nhớ câu chuyện về màu sơn Nhà hát Lớn Hà Nội cách đây mấy hôm. Hẳn là để cho Nhà hát Lớn có được vẻ bề ngoài “long lanh” hơn để đón những lễ kỷ niệm lớn như Quốc khánh 2/9 hay Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội, người ta đã sơn vàng. Màu sơn có vẻ hơi chói và tất cả nhao vào phản đối. Những kiểu phản đối trên mạng xã hội như thế này không hiếm: Sơn lại cầu Long Biên – phản đối, sơn lại Bưu điện TP.HCM – phản đối… Có vẻ như cư dân mạng khá rảnh và nhạy cảm mà quên rằng màu sơn nhà hát thì cũng chỉ là màu sơn, còn công dụng của nhà hát là để tổ chức biểu diễn và người ta đến xem, nghe ca nhạc.
Mỗi người có một cảm nhận riêng nhưng tự cho mình quyền phán xét về chiếc quần cộc của Messi hay màu sơn Nhà hát lớn mà quên đi bản chất của mỗi con người hay sự việc thì đó mới chính là điều đáng bị chê cười.
SONG AN