Copa America, hạ màn bảng B: Tango ru ngủ
Sau cùng, với đội bóng xứ Tango, liệu bao giờ những chiến thắng với 1 bàn vẫn còn “đủ dùng” và cứ chơi như thế này có thể tìm đường trở lại ngai vàng Copa America lần đầu tiên kể từ năm 1993, lần cuối cùng họ giành một danh hiệu?
Đó là một trận đấu dễ nhất, không hơn đấu tập, trước đối thủ yếu nhất bảng: Jamaica. Thực tế, các học trò của Tata Martino nhập cuộc với sự thoải mái thấy rõ, khi trung vệ Demichelis cũng ngẫu hứng đánh gót và mới 11 phút Higuain đã bình tĩnh mở tỷ số. Nhưng cơn mưa bàn thắng không đến sau đó. Tệ hơn, màn trình diễn nhẹ nhàng, được phép thả lỏng tinh thần để hưng phấn nhất có thể, hay nói cách khác đó là thứ bóng đá tấn công không toan tính mà chơi đúng bản năng, đã không được thể hiện. Higuain – Di Maria 2 lần đưa bóng chạm xà và sau cùng bức tường phòng ngự 10 của đội khách mời vẫn đứng vững. Nó giống sự trêu ngươi với Lionel Messi, tiền đạo kỷ niệm trận thứ 100 khoác áo ĐTQG. Mặt khác, nó tố cáo khả năng tấn công yếu kém của Argentina – như một nghịch lý nực cười khi họ sở hữu những tiền đạo hay nhất giải, thậm chí hay nhất thế giới lúc này.
Và bởi tỷ số chỉ là 1-0 khiêm tốn, nhìn lại cái cách Argentina bị Paraguay giật lại 1 điểm dù dẫn 2 bàn ở ngày ra quân, hay trước đó thầy trò Martino rất may mới hạ được Uruguay cũng với 1 bàn, phải đặt câu hỏi rằng đây có phải ứng viên nặng ký nhất cho chức vô địch?
Cái cách Argentina thể hiện ở vòng bảng Copa năm nay, ít nhất về mặt tỷ số khá giống tại vòng bảng World Cup năm ngoái. Khi đó đội bóng của HLV Sabella thắng cả 3 trận, nhưng chưa bao giờ cách biệt quá 1 bàn. Điệp khúc Tango kiểu “cắc bụp” tiếp tục thể hiện ở các trận vòng knock-out (1-0 trước Thụy Sĩ, Bỉ, chỉ hạ Hà Lan nhờ đá luân lưu) để rồi Argentina thua đau đớn trước người Đức cũng bởi đúng 1 bàn. Gương mặt của Sabella, vốn bị chính báo giới quê nhà đánh giá là hơi… hèn, và đội bóng của ông từng bị chỉ trích không biết cách khai thác tốt nhất các ngôi sao tấn công.
Giờ tập thể trong tay Martino còn tệ hơn. 4 bàn/3 trận, thành tích ghi bàn của Argentina chỉ ngang đội bóng chưa bao giờ có tiền đạo giỏi, Paraguay, và chưa bằng một nửa số pha lập công của chủ nhà Chile, đội tuyển đã cho thấy khả năng giải phóng sức ép về mặt tâm lý cũng như thể hiện lối chơi tấn công không nặng toan tính có lợi ra sao. Liệu phải dùng từ ngữ nào miêu tả Martino và đội bóng của ông? Câu trả lời, rất nhanh thôi, sẽ thấy ở vòng knock-out sắp tới, khi mức độ khốc liệt tăng lên và những đối thủ cũng sẽ khó chịu hơn. Nhưng chắc chắn một điều, người Argentina không muốn thấy một “gã hèn” nữa hay phải nếm trải một giải đấu nữa trắng tay trong cay đắng.
Nhớ đấy, Tata-Argentina!
Đối thủ của Argentina sẽ là 1 trong 2 ĐT xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất còn lại. Đó có thể là Ecuador (đang có 3 điểm, chỉ số phụ -2) ở bảng A hoặc bất kỳ ĐT nào bảng C, nơi cả 4 ĐT đều có 3 điểm sau 2 lượt trận. Như thế, hoàn toàn có khả năng trận Siêu kinh điển Argentina – Brazil diễn ra ở tứ kết.
LƯƠNG ANH