Cuba và câu chuyện bóng đá đầy bí ẩn
Có lẽ không nơi nào trên thế giới môn thể thao Vua trải qua nhiều thăng trầm như ở Cuba. Đó chính là quốc gia mà bóng đá bị chi phối bởi nhiều yếu tố, kể cả chính trị trong suốt quá trình phát triển.
Hồi tháng 3 năm nay, Tổng thống Barack Obama mở ra một trang sử mới trong lịch sử quan hệ Mỹ - Cuba. Chuyến viếng thăm của “người đàn ông quyền lực nhất thế giới” tới hàng xóm cận kề đã tạo tiền đề cho trận giao hữu giữa ĐTQG hai nước.
Chính xác, ngày 7/10/2016, Mỹ và Cuba lần đầu tiên có trận giao hữu kể từ năm 1947. Mỹ giành chiến thắng 2-0 ngay tại Havana nhưng kết quả ấy chỉ là một trái ngọt trong mối quan hệ mặn nồng trở lại giữa hai nước, khép lại 70 năm đầy căng thẳng vì những lý do chính trị.
Trong quá khứ, chưa bao giờ thể thao có thể kéo Mỹ và Cuba lại gần nhau. Mỗi khi 2 đội tuyển chạm trán, một vài cầu thủ xuất sắc nhất của Cuba luôn phải ngồi xem trận đấu qua TV.
Đó là điều cũng thường xảy ra ở những quốc gia khác, bởi chấn thương hay bởi lựa chọn của HLV. Nhưng cặp đấu giữa Cuba - Mỹ lại rất khác.
Video trận giao hữu đầu tiên giữa Mỹ và Cuba sau 70 năm
Hơn một tá tuyển thủ Cuba từng bỏ trốn khi các giải đấu diễn ra giữa chừng bởi những lời chào mời đầy cám dỗ từ MLS. Họ được hứa hẹn sẽ cho thi đấu và nhập cư vào Mỹ nếu không lên tuyển đá cho Cuba.
Từ trước tới nay, Mỹ luôn được coi như thiên đường cho những người dân trong của khu vực Carribean. Trong suốt 100 năm qua, Cuba lẫn nền bóng đá của nó kiệt quệ bởi tác động của người láng giềng khổng lồ
Trong những năm 40 và 50 của thế kỷ trước, đã có rất nhiều cầu thủ Cuba ra nước ngoài thi đấu. Bốn người đã giúp Real Espana vô địch Mexico trong khi 8 cầu thủ khác khoác áo Real Madrid.
Khi ấy Tây Ban Nha có ảnh hưởng rất lớn đến quốc đảo này và tới nay những CLB như Real, Barca hay Atletico vẫn được yêu thích nhất tại đây.
Đó có lẽ là giai đoạn rực rỡ nhất của môn thể thao vua ở Cuba. Mọi thứ thay đổi khi Fidel Castro lên nắm quyền và thực hiện cuộc cánh mạng vào mùa Hè 1961.
Bóng chày - bộ môn ưa thích của chủ tịch Fidel - đã tiếm ngôi của bóng đá trở thành môn thể thao quốc gia.
Các CLB cũng như đội tuyển Cuba phải sống lay lắt trong quãng thời gian dài bị lãng quên ấy. Đến năm 1969, LĐBĐ Cuba đưa ra quyết định mà những đội tuyển chìm đắm trong thất vọng thường làm. Họ bổ nhiệm một HLV ngoại.
Người được gửi gắm là Kim Yong-Ha, nhà cầm quân “sắt đá” đến từ Triều Tiên - một trong những người anh em xã hội chủ nghĩa của Cuba.
Vị thuyền trưởng mới lập tức đưa toàn đội đến tập huấn tại quê hương mình. 27 tuyển thủ của Cuba khi ấy phần lớn chưa bao giờ ra nước ngoài. Vậy mà họ phải bay 7.800 dặm từ Havana tới Bình Nhưỡng.
Chuyến tập huấn này không diễn ra vài ngày hay một tuần mà kéo dài tới 6 tháng. Rất nhiều tuyển thủ phải sớm về nước vì đau ốm liên miên hay chấn thương khi sống ở một môi trường có khí hậu, văn hoá và ngôn ngữ hoàn toàn khác.
Video ngôi sao Sergio Ramos chơi bóng ở Cuba
Nhưng giới hạn vẫn chưa dừng lại. HLV Kim quyết định đưa ĐT Cuba sang tập huấn ở một quốc gia khác, đó là Việt Nam, dù khi đó chiến tranh vẫn đang diễn ra khốc liệt tại đây.
Họ chơi 7 hay 8 trận ở miền Bắc trước khi một hôm máy bay ném bom B52 của Mỹ xuất hiện (lại là Mỹ). Toàn bộ đội bóng Cuba xuống hầm trú ẩn ở một ngôi làng trong vài tiếng đồng hồ.
Đến tháng 8/1994, người dân Cuba chẳng còn quan tâm đến bóng chày hay bóng đá nữa. Sự sụp đổ của Liên Xô trước đó không lâu khiến nền kinh tế và nông nghiệp của Cuba bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong những tháng sau đó, từ cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp cho đến những tài năng hứa hẹn đều phải ra đường kiếm sống. Bóng đá Cuba thêm một lần nữa chìm vào bóng tối.
Nhưng cái gì cũng phải có hồi kết. Tháng 3 năm nay, vụ chuyển nhượng của Maykel Reyes và Abel Martinez tới CLB Mexico Cruz Azul đã đánh dầu bước ngoặt trong lịch sử bóng đá Cuba.
Kể từ 1961, họ là những cầu thủ đầu tiên được công nhận hợp pháp khi ký hợp đồng với 1 CLB nước ngoài.
Thực ra trước đó năm 1999, LĐBĐ Cuba đã nghĩ ra cách lách luật để các cầu thủ bản địa tích luỹ kinh nghiệm ở nước ngoài. Họ ký hợp đồng cho mượn toàn bộ đội tuyển nước mình với CLB hạng 4 của Đức Bonner dưới dạng cầu thủ nghiệp dư.
Thương vụ này đáng ra đã thành công nếu như báo chí Đức không can thiệp và bới móc vấn Visa, và gọi Bonner là "đội bóng Fidel".
Giờ thì tương lai đang rộng mở cho bóng đá Cuba dù các nước khác trong khu vực đã đi trước họ từ rất lâu. Nhưng ít ra kể từ lúc này, quốc đảo xinh đẹp của vùng Caribe đã có thể rũ bỏ những xiềng xích vô lý để sống với chính tình yêu của mình.