Louis van Gaal – một nhà thơ: Ai là mặc khách của Van Gaal? (Kỳ 2)
(thethao24.tv) – Thơ là người, là tiếng lòng, là điệu hồn đi tìm những tiếng lòng, những điệu hồn đồng điệu. Vậy ai kẻ tâm giao, ai người tri kỷ của Louis van Gaal trong cái thú vui của một bậc tao nhân mặc khách?
>>>Van Gaal tiết lộ danh sách những cầu thủ rời Man Utd
>>>Louis van Gaal – một nhà thơ Kỳ 1: Xuất khẩu thành thơ
>>>Van Gaal sẽ giúp Man Utd vô địch Premier League mùa giải tới?
Van Gaal tán gái cũng bằng thơ
Louis van Gaal đang chung sống hạnh phúc với bà Hilda (tên thời con gái là Hilda Opmeer), người phụ nữ mà ông thầy của Manchester United gọi thân mật là Truus hay Truusje. Tuy nhiên, trong tổ ấm của mình và bà Truus, Van Gaal hiện vẫn treo di ảnh của một người phụ nữ rất đẹp, đó là Fernanda, bà vợ đầu tiên của nhà cầm quân kiêm nhà thơ nổi tiếng Hà Lan.
Van Gaal và Fernanda lần đầu tiên gặp nhau khi sinh hoạt trong Hội thanh niên theo Thiên Chúa giáo tại một nhà thờ gần nhà ông ở Amsterdam. Lúc đó, chàng 18 tuổi còn nàng mới 16. Van Gaal và cô thiếu nữ ấy “yêu từ cái nhìn đầu tiên” nhưng có điều, nói như cụ Nguyễn Du thì họ: “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”.
Van Gaal thời trẻ cùng bà vợ Fernanda
Chinh phục một thiếu nữ đã rung động e ấp có thể nói là nghề của những nhà thơ trẻ như Van Gaal. Rất nhiều bài thơ được gửi tới Fernanda, tiêu biểu nhất là bài “Ik hou van je” (Anh yêu em).
ZIE je ik hou van je,
ik vin je zo lief en zo licht
je ogen zijn zo vol licht,
ik hou van je, ik hou van je.
En je neus en je mond en je haar
en je ogen en je hals waar
je kraagje zit en je oor
met je haar er voor.
O ja, ik hou van je,
ik hou zo vrees’lijk van je,
ik wou het helemaal zeggen —
Maar ik kan het toch niet zeggen.
Xin vô phép các ông, các bà được dịch… đại khái thế này:
Nhìn em, anh đã yêu em
Ngọt ngào và êm ái
Trong mắt em anh thoảng thấy thiên đàng
Bao mộng ảo và tràn đầy ánh sáng
Anh yêu em, anh yêu em
Yêu đôi môi, đôi tai cùng sống mũi
Trên bờ vai ngọn suối tóc bồng bềnh
Kìa cái cổ trắng ngần trong vạt áo…
… Ồ vâng, anh đã yêu em
Điên cuồng và vụng dại
Anh muốn thét lên cho thỏa
Nhưng tình yêu, đâu cần thốt ra lời.
Những lời thơ như thế thì bảo sao Fernanda – cô thiếu nữ tuổi trăng rằm và căng tròn mộng ảo như trăng treo cành liễu chẳng… “chết” với anh thi sĩ trẻ đa tài. Tiếc thay, năm 1994, bà Fernanda qua đời vì ung thư. Không chỉ là một người vợ hiền, cái chết của bà Fernanda còn khiến Van Gaal mất đi một người bạn tâm giao, biết chia sẻ và biết thưởng thức những tác phẩm thi ca của ông.
Trên tạp chí văn học DWB, Brenda – con gái của Van Gaal và Fernanda từng thổ lộ: “Cha từng làm nhiều bài thơ tình tặng mẹ tôi. Khi bà mất, ông vẫn thường làm thơ tặng và tưởng nhớ bà ấy”.
Hội nhà thơ bóng đá
Nhưng Fernanda cũng chỉ là người yêu thơ, biết thưởng thức thơ của Van Gaal chứ không phải một văn nhân. Vậy ai mới là “mặc khách” của Van Gaal trên… “túc cầu thi đàn”? Người làm thơ đã hiếm, làm thơ về bóng đá lại càng không nhiều. Tuy nhiên, những người có cũng sở thích, có duyên ắt có ngày tương ngộ.
“Mặc khách” đầu tiên của “tao nhân” Van Gaal phải kể đến là Henk Spaan. Ngoài nhà báo và ngôi sao truyền hình, người đàn ông sinh năm 1948 này còn được người hâm mộ Hà Lan biết tới như “nhà thơ bóng đá” (De voetballende dichter). Đặc biệt phải kể tới cựu tiền vệ Wim Jonk – học trò cũ của Van Gaal ở Ajax và ĐT Hà Lan. Wim Jonk được xem là nhà thơ tiên phong trong lĩnh vực bóng đá, khi cho ra đời hàng loạt tác phẩm trong thời điểm đang cùng ĐT Hà Lan tham chiến tại World Cup 1994.
Wim Jonk vừa đá World Cup 1994 vừa… làm thơ
Nhưng “mặc khách” mà Van Gaal trọng nhất trên “túc cầu thi đàn” là Kitty Courbois – nữ diễn viên 77 tuổi người Hà Lan. Bà đã nghỉ diễn từ lâu và đã trở thành một “De voetballende dichter” khiến ông thầy của M.U phải kính nể.
Theo tạp chí văn học DWB, vào những lúc rảnh rỗi, Van Gaal thường cùng với Henk Spaan, Wim Jonk và bà Courbois uống rượu, thưởng thơ và làm thơ như những tao nhân mặc khách. Và người ngâm thơ của Van Gaal ở những buổi tao ngộ ấy thường là ca sĩ nổi tiếng Hà Lan, Barry van Vliet – nhân vật từng bình luận rằng: “Van Gaal là thi sĩ của những cảm xúc mãnh liệt nhất” vào tháng 10/2003, sau khi nghe bài thơ “Trở lại Arena” của Van Gaal (đã đăng ở kỳ 1).
Bà Kitty Courbois bình luận trên DWB: “Thơ phản ánh đúng bản chất con người Louis. Tình cảm, chân thật, mãnh liệt mà ở đó, cái tôi cá nhân được thể hiện rất mạnh mẽ”.
Nhưng cũng vì cái tôi quá lớn, quá ngông trong thi ca, Van Gaal từng gây ra một cuộc chiến bất lợi cho ông ở thành Munich…
Đón đọc kỳ 3: Làm thơ ngông, Van Gaal gây chiến
Sỹ Đoan