Messi dẫn đầu chiến dịch bảo vệ phụ nữ Argentina
Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa
Lionel Messi là một chàng trai hiền lành và tốt bụng, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em. Năm 2007, ngôi sao Barcelona thành lập Quỹ từ thiện Leo Messi Foundation với mục đích giúp đỡ về giáo dục, y tế cho trẻ em nghèo trên toàn thế giới. Với tư cách Đại sứ thiện chí của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc, Messi đã tham gia rất nhiều hoạt động từ thiện như xây bệnh viện, trường học cho trẻ em, kêu gọi chấm dứt xung đột ở nhiều khu vực, tổ chức các trận đấu từ thiện,… Giống như trẻ em, phụ nữ cũng là một đối tượng yếu thế trong xã hội nhận được rất nhiều sự quan tâm của Lionel Messi, nhất là bà, mẹ và bạn gái của anh.
Năm 2010, trong một sự kiện của UNICEF ở Tây Ban Nha, Messi tiết lộ anh thường giơ 2 tay và hướng mặt lên bầu trời khi ghi bàn để tưởng nhớ bà ngoại, người hàng ngày đưa anh tới sân tập ở Rosario khi Leo còn nhỏ: “Tôi rất nhớ bà, tôi muốn bà thấy tôi đã làm được những gì”.
Bà mất, mẹ và bạn gái trở thành những người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời Lionel Messi. Trong mắt người thân, anh luôn là một người con có hiếu. Khi còn là một cầu thủ trẻ của lò La Masia, Messi đã dùng những đồng tiền lương đầu tiên mua quà tặng mẹ. “Tôi vẫn giữ chiếc áo Leo gửi về từ Barcelona. Năm ấy, nó mới chỉ 15 tuổi” – bà Celia Cuccitini xúc động chia sẻ về kỷ niệm với con trai. Vào những ngày lễ, dù bận bịu tới đâu, Messi vẫn dành thời gian thể hiện tình cảm với mẹ yêu. Năm 2011, anh còn bị BTC La Liga phạt 2.000 euro và 1 thẻ vàng vì vén áo khoe dòng chữ “Felix cumle Mami” (Chúc mừng sinh nhật mẹ) trong chiến thắng trước Racing Santander.
Một người phụ nữ khác cũng quan trọng không kém với Lionel Messi là cô bạn gái Antonella Roccuzzo. Tính Messi vốn giản dị nên anh hiếm khi phung phí tiền bạc, nếu không phải là để chiều lòng Antonella. Một nguồn tin ở Catalan tiết lộ Antonella Roccuzzo đã “vòi vĩnh” bạn trai đủ thứ để thoát khỏi biệt danh “gái nhà quê” được truyền thông Tây Ban Nha đặt cho. Nào là nhà lầu, xe hơi, quần áo hàng hiệu, … Messi chiều tất.
Chuyện Messi hành xử với phụ nữ đại khái là như vậy.
“Một người cũng không thể mất”
Mỹ Latin là khu vực có tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá nặng nề. “Ở các nước Nam Mỹ, cảm thức nam tính “machismo” bao trùm khắp nơi. Đây là một thói quen, một tập tục văn hóa cần phải thay đổi” – Gabrielle Equale, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ Latin cho biết.
Thậm chí, sự phân biệt giới tính ở khu vực này còn bị đẩy lên mức cực đoan với các hành vi bạo hành phụ nữ, đỉnh cao là “feminicidio”. Vậy “feminicidio” là gì? Nhà văn kiêm nhà hoạt động vì nữ quyền Diana EH Russell định nghĩa “feminicidio” là sự tiến triển của các hành vi bạo lực, từ nhục mạ, tra tấn tinh thần, đánh đập, cưỡng hiếp,… cuối cùng là giết người. Sau này, bà thu hẹp nghĩa của từ này lại là “hành động giết hại phụ nữ của đàn ông đơn giản vì họ là … phụ nữ”.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, hàng năm trên thế giới có tới 66.000 phụ nữ bị giết hại và trong 25 quốc gia đứng đầu về tỷ lệ feminicidio, Mỹ Latin chiếm tới một nửa, dẫn đầu là El Salvador. Tại Argentina, cảnh sát ghi nhận 1.808 trường hợp phụ nữ và trẻ em gái bị giết hại trong vòng 6 năm qua, tức là cứ 30h lại có một người bị hại. Hiện tại, dư luận Argentina vô cùng phẫn nộ trước vụ án một bé gái 14 tuổi bị bạn trai đánh đập đến chết vì… lỡ mang cốt nhục của hắn.
Một làn sóng biểu tình bùng nổ ở Argentina, lan sang cả hai nước láng giềng là Uruguay và Chile. Hàng nghìn người tập trung trước Tòa nhà Quốc Hội Argentina ở Buenos Aires, giơ cao biểu ngữ “Ni una menos” (Một người cũng không thể mất), kêu gọi đấu tranh vì phụ nữ. Ngay lập tức, hoạt động này nhận được sự ủng hộ của 2 người nổi tiếng nhất Argentina là Tổng thống Cristina Fernandez và siêu sao bóng đá Lionel Messi. Cầu thủ Barca chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Hãy dừng ngay các hành động bạo lực với phụ nữ. Từ Barcelona, tôi tham gia cùng người dân Argentina hô vang khẩu hiệu “Ni Una Menos””.
Chắc chắn, với sự ảnh hưởng rộng lớn của mình, Messi và Tổng thống Fernandez sẽ góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu các hành vi bạo lực với phụ nữ ở quê nhà. “Leo rất buồn trước những việc đang xảy ra ở quê nhà. Anh ấy rất yêu quý những người phụ nữ, họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Leo kinh tởm những kẻ giết hại phụ nữ” – một người bạn của Messi chia sẻ với tờ Rating Cero.
Năm 2012, Argentina ban hành đạo luật chống bạo hành phụ nữ, trong đó có nhiều hình phạt rất nặng với tội bạo lực gia đình. Mặc dù vậy, khiếu nại gia đình ở quê nhà Messi vẫn tăng hơn 60% kể từ năm 2010.
NGUYỄN MAI