Nỗi hổ thẹn và bộ mặt ảm đạm của bóng đá Italia
Italia chỉ có 2 đại diện ở vòng bảng Champions League là Juventus và Napoli, một nỗi hổ thẹn cho nền bóng đá từng làm mưa làm gió trên đấu trường châu lục.
Sau thất bại nhục nhã của AS Roma ở vòng play-off, Serie A chỉ còn 2 đại diện ở vòng bảng, ít hơn Tây Ban Nha, Anh, Đức, Pháp và cả Bồ Đào Nha. Với chỉ 5 danh hiệu trong 17 năm qua - gồm 2 trong 9 mùa giải gần đây - sức mạnh một thời của bóng đá Italia đang sụp đổ.
Cuối tháng 8/2016, như khoảng thời gian này những năm trước, giờ là lúc để người hâm mộ Italia cập nhật... dữ liệu thất bại. Tính ra, các đội bóng Italia chỉ vượt qua vòng play-off 2 trong tổng số 8 lần gần nhất. Và kể từ mùa 2012/13 khi Serie A mất vị trí thứ 3 trên BXH UEFA vào tay Bundesliga, dẫn tới việc suất dự Champions League giảm từ 4 xuống còn 3 suất, trong 2 mùa giải gần nhất Italia chỉ có vỏn vẹn 2 đại diện góp mặt ở vòng bảng.
Ngoại trừ Fiorentina vào năm 2008 và AC Milan năm 2013, tất cả các trường hợp khác, từ Sampdoria (bị Bremen loại), Udinese 2 lần (Arsenal và Sporting Braga), Napoli (Bilbao), Lazio (Leverkusen) cho đến Roma (Porto) đều bị loại và hạ cấp xuống tham dự giải đấu hạng hai UEFA Cup/Europa League.
Thực tại đau buồn này đã được chứng nhận bởi các con số nói về cuộc khủng hoảng của cả một hệ thống bóng đá. Thành công hiếm hoi mà Juventus tạo ra trong mùa giải 2014/15 khi "Bà đầm" vào tới chung kết Champions League (thua Barcelona 1-3) cũng không thể lấp được tình trạng tồi tệ kéo dài. Bản đồ bóng đá châu Âu đang dần gạch tên Italia khỏi danh sách những cường quốc hàng đầu.
Ngoại trừ trận chung kết Champions League tại Berlin vào năm 2015 có sự hiện diện của Juventus, bóng đá Italia đã không còn được chú ý trên đấu trường châu lục suốt hơn một thập kỷ. Những thành công chỉ đếm được trên đầu ngón tay với chức vô địch của Inter dưới thời Jose Mourinho năm 2010. Xa hơn một chút là màn đăng quang của Milan tại Athens năm 2007, hay một chiếc Cúp Champions League khác cũng của Milan-Ancelotti năm 2003 - thời điểm hai đội bóng Italia cùng lọt vào chung kết.
Đối với Europa League/UEFA Cup, để tìm được đội bóng Italia cuối cùng giành chức vô địch phải ngược thời gian tới tận năm 1999 khi Parma của Alberto Malesani đem về vinh quang này. Trong suốt 10 năm trở lại đây, Serie A chỉ tiệm cận được với “một nửa” thành công ở Europa League khi Fiorentina (2008 và 2015), Napoli (2015) và Juventus (năm 2014) lọt vào tới bán kết.
Rốt cuộc, mục tiêu vượt qua Premier League để đòi lại 4 suất dự Champions League của Serie A vẫn mãi là giấc mơ xa vời. Việc Roma bị loại càng làm cho khoảng cách giữa họ với các quốc gia phía trên bị nới rộng trên bảng xếp hạng UEFA. Khi Napoli cũng không đủ đáng tin cậy, Milan và Inter chưa hết khốn cùng dù đã đổi chủ, thì có vẻ như Juventus lại phải một lần nữa đơn độc ở sân chơi số một châu Âu.
Những thất bại không chỉ của riêng ai mà là cho cả một nền bóng đá. Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử này trở thành kết cục không tránh khỏi bắt nguồn từ cách quản lý thượng tầng bất cập. Suốt nhiều năm, người Italia không thể nhận biết (hoặc cố tình) về việc tập trung tạo ra một sản phẩm chất lượng từ giải đấu của mình.
Việc không chịu đổi mới và thiếu sáng tạo làm cho Serie A từ chỗ là cuộc đua của “7 chị em” hấp dẫn nhất thế giới ngủ quên trên vòng nguyệt quế, bị Premier League nhanh nhạy và táo bạo vượt xa. Thậm chí sức hút của giải đấu giờ cũng khó so bì với La Liga hay kể cả Bundesliga.
Ở Italia, nhiều đội bóng vẫn đang thưởng thức những tàn tích cuối cùng của một hệ thống cũ mà chỉ sống nhờ vào tiền bản quyền truyền hình ít ỏi. Sự bất lực của rất nhiều CLB xuất phát từ thực tế là họ không đổi mới đủ tốt, chủ yếu từ cách thức quản lý, kinh doanh, khai thác thương mại, để tiếp tục tồn tại trong thế giới bóng đá không ngừng biến chuyển.
Cấp CLB là thế, còn với ĐT Italia, thất bại trước đội tuyển Đức ở tứ kết EURO 2016 có thể còn khiến nhiều người Ý tiếc nuối. Nhưng nó là hệ quả tất yếu khi đội quân của HLV Antonio Conte phản chiếu chính xác cách thức xây dựng các hệ thống đào tạo trẻ lỗi thời, xuống cấp ở.
Rõ ràng, trong bức tranh tổng thể này, người ta vẫn chưa nhìn thấy những tín hiệu tích cực để có thể gửi gắm niềm tin rằng cả một nền bóng đá sẽ được vực dậy.