Quyền lực của địa lý trong bóng đá (Kỳ 1): Gần biển, gần thành công
Xa biển, xa luôn World Cup
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng dân số (càng đông dân thì càng dễ lựa chọn cầu thủ giỏi), GDP bình quân đầu người (càng giàu có thì càng có điều kiện chơi thể thao) và truyền thống (càng có truyền thống thì dân cư càng có xu hướng yêu thích bóng đá thay vì các môn thể thao khác như bóng rổ, tennis, bóng bầu dục hay cricket) là ba yếu tố đóng vai trò quyết định đến thành tích trong bóng đá của các quốc gia. Thông thường, một đất nước phải hội tụ đầy đủ cả 3 yếu tố này thì mới có hy vọng gặt hái được thành công trên trường quốc tế, và dẫn chứng điển hình nhất chính là ĐT Đức. Dân số tương đối đông (80 triệu người, đứng thứ 16 thế giới), trình độ kinh tế phát triển cao (thu nhập bình quân đầu người là 46.000 USD/năm, đứng thứ 18 thế giới) và giàu truyền thống bóng đá, không có gì ngạc nhiên khi người Đức vừa bước lên đỉnh thế giới tại World Cup 2014 vừa qua. Ngược lại, những quốc gia đông dân nhưng tương đối nghèo (tính theo thu nhập bình quân đầu người) và thiếu truyền thống như Trung Quốc hay Ấn Độ tất nhiên là không có nhiều cơ hội cạnh tranh trên vũ đài bóng đá thế giới. Tương tự, những đất nước giàu có nhưng thưa dân như Na Uy, Đan Mạch hay Thuỵ Điển đều chỉ có thể dừng lại ở mức trung bình khá và rất hiếm khi lọt vào sâu tại VCK các giải đấu lớn.
Tuy nhiên còn có một yếu tố khác, dù khó đo lường hơn, cũng gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới trình độ phát triển bóng đá của mỗi quốc gia hay vùng đất. Ấy là vị trí địa lý. Đơn cử, trong số rất nhiều quốc gia nằm ở vùng nhiệt đới (khoảng không gian giữa Bắc chí tuyến và Nam chí tuyến) thì chỉ có duy nhất Colombia hiện diện trong tốp 20 FIFA và gần như toàn bộ phần còn lại đang ngụp lặn ở nửa dưới bảng xếp hạng. Một ví dụ khác, cả 10 ĐT hàng đầu thế giới trên BXH FIFA tháng 8/2015 (lần lượt là Argentina, Bỉ, Đức, Colombia, Brazil, BĐN, Anh, Xứ Wales, Chile) đều đến từ một quốc gia có biển. Theo chiều ngược lại, trong số 48 quốc gia không giáp biển trên thế giới thì chỉ có CH Czech, hay ở một chừng mực nào đó có thể kể thêm Áo, Thuỵ Sĩ (được hưởng lợi lớn từ việc nằm kẹp giữa Đức và Italia, hai cường quốc bóng đá) Paraguay (nằm giữa tam hùng Nam Mỹ là Brazil, Argentina, Uruguay nên cũng có nhiều điều kiện để học hỏi) là có được vị thế nhất định trong thế giới túc cầu giáo. Phần còn lại như Afghanistan, Bolivia, Burkina Faso, Chad, Kyrgyzstan, Lào, Mali, Mông Cổ, Niger, Turkmenistan, Zimbabwe…. hầu như chỉ là con số 0 trên bản đồ bóng đá thế giới. Đó có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Nghèo kinh tế, kém bóng đá
Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta phải tìm hiểu xem vị trí địa lý có ảnh hưởng gì đến trình độ phát triển kinh tế – xã hội, qua đó tác động đến trình độ bóng đá của mỗi quốc gia hay không. Theo quan điểm của nhiều định chế quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới và Liên Hợp Quốc thì câu trả lời là “có”. Trong khoảng 50 năm qua, cách biệt giàu – nghèo giữa các quốc gia trên thế giới đã tăng lên đáng kể và các nước bị tụt hậu thường nằm ở vùng nhiệt đới. Trong năm 2013, các nước nhiệt đới có thu nhập trung bình tương đương với khoảng một phần tư thu nhập của các nước ôn đới. Trong số 24 quốc gia được coi là “công nghiệp”, không có một nước nào nằm giữa Chí tuyến Bắc và Nam, ngoại trừ phần phía Bắc của Úc và hầu hết quần đảo Hawaii. Trong số 30 nền kinh tế giàu nhất thế giới tính theo thu nhập bình quân đầu người thì chỉ có Brunei và Singapore là ở trong khu vực nhiệt đới và sự giàu có của hai đất nước này chủ yếu xuất phát từ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào cũng như vị trí “cửa ngõ” thương mại.
Tuy nhiên không phải hoàn cảnh địa lý của đất nước nhiệt đới nào cũng giống nhau. Nhìn chung, các quốc gia có đường bờ biển ngắn, có phần đông dân số sống xa bờ biển hoặc không có biển sẽ gặp nhiều khó khăn trong giao thương, và trong kỷ nguyên toàn cầu hoá hiện nay thì sự xa rời các giao dịch thương mại quốc tế gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự trì trệ trong phát triển kinh tế. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hàng hóa vận chuyển qua thêm 1 km đất liền tốn bằng vận chuyển chúng qua thêm 7 km đường biển. Vận chuyển hàng hải đặc biệt phù hợp với hàng hóa cồng kềnh, giá trị gia tăng thấp mà các quốc gia đang phát triển có xu hướng sử dụng, do đó các quốc gia thiếu cơ hội tiếp cận với vận tải đường biển sẽ bị loại khỏi nhiều thị trường tiềm năng. Tất nhiên là họ vẫn có thể sử dụng cảng biển của những nước láng giềng, nhưng chi phí vận chuyển sẽ bị đội lên đáng kể do các hạng mục thuế quan khi quá cảnh. Vận chuyển một container tiêu chuẩn từ Mỹ đến Bờ Biển Ngà tốn khoảng 3.000 USD, trong khi gửi cùng một container đến Cộng hòa Trung Phi không giáp biển tốn tới 13.000 USD, vì thế nên không có gì ngạc nhiên khi hoạt động thương mại quốc tế của những nước không giáp biển gần như là con số không tròn trĩnh.
Biển là sự khác biệt
Tóm lại, các quốc gia không giáp biển (trừ khi họ nằm ở châu Âu, nơi giao thông đường bộ cực kỳ phát triển và các đường biên giới gần như đã bị xoá mờ) thường có trình độ phát triển kinh tế tương đối thấp, nếu không muốn nói là rất thấp so với phần còn lại của thế giới, kéo theo đó là trình độ bóng đá cũng thấp tương xứng. Tuy nhiên định luật “càng gần biển, càng chơi bóng giỏi” không chỉ đúng ở bình diện quốc gia, mà nó còn tương đối chính xác ở đơn vị hành chính cấp thấp hơn như khu vực, tiểu bang hay thành phố. Thông thường, ở các đất nước rộng lớn và được phân chia thành các vùng gần biển và xa biển một cách rõ ràng thì các khu vực gần biển sẽ có chất lượng chơi bóng cao hơn hẳn.
Ví dụ, trong số 20 đội bóng tranh tài ở giải VĐ quốc gia Mỹ (MLS) thì chỉ có 6 đội là Real Salt Lake, Colorado Rapids, Sporting Kansas City, Chicago Fire, Columbus Crew và Philadelphia đến từ những tiểu bang không giáp biển. Hoặc, trong số 30 CLB tham chiến ở giải VĐQG Argentina thì đã có tới quá nửa (16 đội) đặt trụ sở trong vùng đại đô thị Buenos Aires, vốn nằm ngay bên cửa biển. Tương tự, trong 20 CLB góp mặt tại giải VĐQG Brazil thì các bang vùng Đông Nam là Sao Paulo, Santa Catarina, Rio De Janeiro, Parana hay Rio Grande do Sul đã đóng góp tổng cộng 16 đội, tức chiếm tới 80%. Nhìn rộng ra thì các thành phố bên bờ biển như Quảng Châu, Nam Kinh, Hàng Châu, Thượng Hải, Thiên Tân hay Liêu Ninh cũng là nơi toạ lạc của 8/16 CLB tham dự giải VĐQG Trung Quốc, và 100% số CLB ở giải VĐQG Australia đều đến từ các đô thị ven biển như Perth, Adelaide, Melbourne, Newcastle hay Sydney.
Quang Hải
Không nói đâu xa, ngay tại Việt Nam thì cũng có sự chênh lệch về chất lượng bóng đá giữa các khu vực gần biển và xa biển. Trong số 14 CLB đang chinh chiến ở V-League 2015 thì chỉ có Hà Nội T&T, Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tháp là cách biển tương đối xa. Bình Dương, Cần Thơ và Đồng Nai tuy không trực tiếp giáp biển nhưng cũng cách các cảng biển không xa. Còn lại thì Thanh Hoá, Khánh Hoà, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Nghệ An hay Đà Nẵng đều là các địa phương có đường bờ biển. Nếu nhìn rộng ra thì rõ ràng là các tỉnh miền núi như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… có mặt bằng trình độ bóng đá thua kém rất nhiều so với các vùng duyên hải.