Góc suy ngẫm: Khi “tử tế” là thứ xa xỉ

thứ năm 12-11-2015 22:48:57 +07:00 0 bình luận
Người hâm mộ bóng đá Việt nói riêng và thể thao nói chung đã quá quen với cảnh kêu nhiều thành nhàm; tiếng kêu như ném vào cái giếng sâu hun hút mang cảm giác không đáy, không có tiếng vọng lên…

Cá nhân, hay một doanh nghiệp làm bóng đá không còn là chuyện xa lạ đối với bóng đá Việt. Nhưng làm “tử tế” lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì không làm “tử tế”, chỉ mang mục đích xyz phi bóng đá, các ông chủ thích thì cho đội “sống”, không thích thì khai tử. Cùng vì không làm “tử tế” mới có chuyện chỉ cần không bằng lòng với quyết định nào đó từ BTC, họ gào lên doạ bỏ giải, bỏ đội. Như một cái phường chèo!

Liên quan đến chủ đội bóng chỉ là một ví dụ trong nhiều cảnh oái ăm của bóng đá Việt, vốn mang cái vỏ chuyên nghiệp nhưng ruột nghiệp dư. Có câu “cha nào, con nấy”. Cái gốc của vấn đề vẫn là tổ chức điều hành cấp cao nhất.

Thiệt nhất luôn là người hâm mộ. Họ muốn đến sân xem bóng đá “tử tế”, nhưng không được. Họ kêu nhiều năm rồi, song vô vọng để rồi nhìn nhau à ừ mà rằng: “Đừng chờ đợi các ông chủ làm điều đáng tôn trọng; đừng kỳ vọng “sự tử tế” được đặt lên trên tiền và quyền lợi cá nhân”. Cũng giống như câu chuyện nhiều vận động viên thể thao đỉnh cao khi còn thi đấu là “số 1”, khi hết “niên hạn sử dụng” lại vất vưởng một góc tối trong lãng quên. Khi đó, chỉ có NHM quan tâm tới họ, và nếu có kêu nhiều quá, những người đáng ra phải chung tay cho sự nghiệp hậu thể thao của họ mới động đậy, tới quay phim chụp ảnh trao phong bì rồi đâu lại vào đấy.

Tất cả, là sự nghiệt ngã, cay đắng, là mặt trái của thể thao mà không phải ai cũng nhìn thấy được.

Chúng ta cũng đang chứng kiến mặt trái của thể thao thế giới bị lật ra thời gian qua. Từ bê bối tham nhũng, đưa hối lộ tại FIFA, tại các liên đoàn thành viên cho đến sự kiện thể thao Nga dính dáng đến doping.

Chủ tịch FIFA Sepp Blater đang bị điều tra vì những cáo buộc tham nhũng

Với nhiều nhà báo quốc tế theo từng mảng trong nhiều năm qua, tất cả đã và đang xảy ra không làm họ ngạc nhiên hay sốc. Trong một bài viết trên tờ Guardian, nhà báo Simon Jenkins ví von thể thao quốc tế là một loại cocktail mạnh của tiền bạc, danh vọng và không ai chịu trách nhiệm.

Ông cho biết các nhà báo theo thể thao chuyên nghiệp hơn nửa thập kỷ qua đều biết về chất cấm. Scandal Ben Johnson tại Thế vận hội 1988 được tin sẽ chấm dứt vấn nạn dùng doping. Song chẳng ai ngăn chặn cả. Tiền và thanh thế có sức hút lớn hơn. Hay FIFA dưới thời Sepp Blatter giống như “con sâu mọt” ăn đến lõi tổ chức này, nhưng không ai dấn thân vạch trần. Nếu có, như nỗ lực đấu tranh tìm bằng chứng vạch trần tình trạng tham nhũng và hối lộ tại IOC và FIFA của nhà báo Anh Andrew Jennings chỉ đổi lại sự im lặng hay sự chế giễu.

Không một ai nhấc tay cho đến khi người Mỹ cất còi mới đây. Vậy đến bao giờ, và ai là người “cất còi” nền thể thao Việt?

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội