U.23 Nhật lần đầu vô địch châu Á: Thà là đất sét, không làm kim cương!

chủ nhật 31-1-2016 22:35:12 +07:00 0 bình luận
Qatar 2016 phải chăng là chuyện riêng của hai người Nhật, khi Makoto Teguramori đi vào lịch sử sau cuộc lội ngược dòng thắng Hàn Quốc 3-2 ở chung kết, còn Toshiya Miura phải lặng lẽ rời Việt Nam về nước do không vượt qua nổi vòng bảng?

Từ chuyện “chiếc giày”

Nếu công bằng mà xét, thành công của Makoto Teguramori không bất ngờ và thất bại của Toshiya Miura chẳng có gì ngạc nhiên. Chính xác hơn, bóng đá Nhật gặt hái vinh quang trên đấu trường quốc tế nay trở thành chuyện quá đỗi bình thường. Và tương tự, NHM Việt Nam cũng ngày càng quá quen với cảnh đội nhà tay trắng về nước sau một giải quốc tế. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có cảm giác ức chế, đặc biệt khi thất bại của BĐVN cùng thành công của Nhật song hành với nhau.

Bởi lẽ, NHM VN nào mà chẳng nhớ đến câu chuyện “Chiếc giày nhỏ” qua lời kể của cố danh thủ Tam Lang, khi ông cho biết trong một dịp đá giao hữu tại miền Nam hồi thập niên 60, đại diện của Nhật từng tặng đội bóng của ông mô hình chiếc giày nhỏ như ngụ ý bóng đá Nhật ngày ấy quá bé nhỏ so với chúng ta. Cho tới nay, câu chuyện ấy vẫn thường được nhắc lại như niềm tự hào về một thời BĐVN “đè” được cường quốc như Tuyển Nhật. Và ngay cả những người đủ tỉnh táo nhất thường cũng chỉ dừng lại ở việc tiếc nuối BĐVN nay lạc hậu tới mức nào.

Cho đến “kim cương”…

“Người Việt các bạn là kim cương. Vì là kim cương nên viên nào cũng lấp lánh, sáng chói, nhiều góc cạnh và luôn nằm tách rời nhau, không thể gắn kết. Còn người Nhật chúng tôi là đất sét. Vì là đất sét nên chúng tôi có thể kết hợp với nhau, gắn chặt vào nhau để được nhào nặn thành những hình thù như mong muốn”, thoáng đọc được đâu đó có người Nhật từng nhận xét như vậy. Đánh giá như thế thật đau, song cũng thật chí lí. Chỉ cần nhìn lại câu chuyện “Chiếc giày nhỏ” là đủ hiểu. Bởi đúng là ngày đó, Tuyển miền Nam mạnh thật, mạnh tới mức từng hạ được Israel để vào vòng 1 Olympic 1956 (nhưng bỏ cuộc).

Và đúng thời điểm đó, Nhật không bằng chúng ta thật. Nhưng họ rõ ràng chẳng từng bé nhỏ như vậy. Tại Olympic 1936, Nhật từng vào tới tứ kết nhờ thắng Thụy Điển – nhà vô địch Olympic của kỳ kế tiếp. Bị cấm thi đấu quốc tế một thời gian do ảnh hưởng của Thế chiến 2, Nhật chập chững trở lại Olympic 1956 và lầm lũi vào tới tứ kết. Nhưng ngay sau khi vừa thừa nhận là “giày nhỏ”, Nhật tiến vào tới tứ kết Olympic 1964, rồi đoạt HCĐ Olympic 1968 vào thời mà Thế vận hội vẫn còn là sân chơi cấp ĐTQG.

Ngược lại, BĐVN thấy người ta khiêm nhường lại ngỡ là thật, nào biết đâu rằng “kim cương” của mình chỉ đủ lấp lánh ở khu vực ĐNÁ. Bằng chứng là ngoài tấm HCV ở SEAP Games cùng mấy chiếc huy chương đủ màu khác ở SEAP Games và SEA Games thì ngay cả vào thời “đỉnh” nhất, Tuyển miền Nam thực chất chỉ đủ sức vượt qua các đối thủ như Malaysia, Philippines. Thậm chí, cả làng túc cầu từng khiếp sợ CLB Nam Hoa (Hong Kong) tới mức tôn Lý Huệ Đường làm “cầu vương”! Trớ trêu là trong suốt chiều dài lịch sử, Hong Kong cũng chỉ ngang ngửa ta.

Thôi, làm “đất sét”!

Tới nay, khác biệt giữa “đất sét” với “kim cương” xem ra quá rõ. “Đất sét” hiện được xem như cường quốc hàng đầu của bóng đá châu Á với số đại diện đang đá thuê ở các giải VĐQG châu Âu chiếm khoảng phân nửa tổng số cầu thủ của cả “lục địa vàng”. Và cứ tới các giải lớn, Nhật vượt qua vòng loại gần như được xem là hiển nhiên. Vấn đề cần bàn chỉ là họ có vô địch giải khu vực hoặc tiến xa ở giải thế giới hay không, bất kể lứa tuổi nào.

Trong khi ấy, “kim cương” chỉ cần tiến được vào vòng loại cuối cùng của khu vực đã được xem là thành công và đang hài lòng về việc có ngôi sao sang đá sân của “đất sét”, thay vì hướng tầm mắt ra xa hơn tới cựu lục địa, nơi mà cả Thái Lan lẫn Indonesia và Philippines gần đây đều có đại diện đi đá thuê. Từ đó thiết nghĩ, phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nhận mình là “đất sét” nhằm rũ bỏ sự kiêu ngạo thầm kín bao lâu để học hỏi thật sự và chấp nhận đi lại từng bước từ đầu như phương châm của những người làm bóng đá Nhật: “Tương lai đáng giá để gầy dựng, dù có thể mất cả trăm năm”.

Thành tích nổi bật của U.23 Nhật

 Olympic: Bán kết 2012. Tứ kết 2000.

 U.23 châu Á: Vô địch 2016. Tứ kết 2013.

 Asian Games: Vô địch 2010. Á quân 2002. Tứ kết 2014.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội