“Xịt” assist, Cesc còn biết làm gì?
Mùa thứ 5 liên tiếp người ta chứng kiến 2 bộ mặt hoàn toàn đối lập của Cesc Fabregas trong mỗi một mùa bóng, đó là thăng hoa ở nửa đầu mùa nhưng… lặn mất hút ở nửa cuối, mà đó mới là thời điểm quyết định.
Ngày 17/01 khi Chelsea nghiền nát Swansea 5-0, Cesc Fabregas đánh dấu pha kiến tạo (assist) thứ 15 ở mùa này. Tiền vệ người TBN đi vào lịch sử Premier League khi hơn 1 lần có 15 pha kiến tạo/mùa, sau thành tích 17 pha kiến tạo cho Arsenal ở mùa 2007/08. Ngày ấy, kỷ lục 20 đường kiến tạo/mùa của Thierry Henry (2002/03) tưởng như sắp bị đôi chân của Cesc đá đổ đến nơi. Và với “máy quét” Nemanja Matic, Chelsea có cặp đôi tiền vệ trung tâm hay bậc nhất châu Âu. Nhưng thật trớ trêu, đó là show diễn hay nhất khép lại nửa mùa bóng chói sáng của Cesc.
Những con số thống kê không nói dối và nó khẳng định một điều: Barca không bêu xấu khi họ tuyên bố: “Vì lý do nào đó, Cesc Fabregas không còn duy trì phong độ tốt ở những nửa sau của mùa giải”, như là nguyên nhân khiến họ bán anh cho Chelsea. Sau 90 phút trước Swansea, Fabregas “im tiếng” suốt… 8 trận liên tiếp (7 trong đó anh đá chính), không kiến tạo, không ghi bàn, trong khi trước đó lâu nhất anh chỉ “đóng kịch câm” 2 trận liên tiếp kể từ khi về với Chelsea. Cesc chỉ trở lại với pha kiến tạo giúp Diego Costa ấn định chiến thắng 2-0 trước Tottenham ở CK Cúp LĐ Anh (01/03). Nhưng sau đấy là 3 trận liền mất hút, khiến Chelsea bị PSG loại ở Champions League, mất điểm trước Southampton. Và rồi pha kiến tạo cho Costa ghi bàn trước Hull ở vòng trước mới là pha dọn cỗ đầu tiên sau 5 vòng kể từ trận thắng Swansea. Nhìn rộng hơn, nếu Cesc có 15 pha kiến tạo + bàn thắng ở nửa đầu mùa thì từ khi lượt về bắt đầu con số này chỉ vỏn vẹn là… 2 – sa sút thật kinh khủng! Nhưng điều tồi tệ là nó đã trở thành “bệnh mãn tính” với Cesc.
Thật vậy! Bắt đầu từ mùa cuối ở Arsenal, khi Cesc có tới 19 bàn + kiến tạo sau nửa đầu mùa thì ở nửa cuối anh chỉ 9 lần tham gia vào các bàn thắng của “Pháo thủ”. Đặc biệt, 3 năm với Barca, Cesc của hai nửa mùa giải cho thấy sự tương phản ghê gớm với những con số: 9 (bàn+kiến tạo, nửa đầu mùa) – 5 (nửa cuối mùa 2010/11), 13-4 (2011/12) và 16-5 (2013/14). Rõ ràng, Barca có lý khi bán Cesc. Phong độ của một tiền vệ trụ cột không chỉ phải được duy trì chỉ trong nửa đầu mùa mà cần được giữ ổn định tối đa. Giờ tới lượt Chelsea và HLV Jose Mourinho phải giải bài toán khó. Đã có những dấu hiệu thay đổi khi Mou chuyển từ sơ đồ 4-2-3-1 sang 4-3-3 ở một số thời điểm trong một vài trận đấu gần đây. Với 3 tiền vệ, Cesc chỉ là giải pháp dự bị. Phải! Sự kiên nhẫn dành cho Cesc đã xuống gần mức thấp nhất rồi!
LƯƠNG ANH