15 năm bóng đá và thể thao Việt - Thái qua góc nhìn của cựu cầu thủ Học viện HAGL (kỳ 2): Phép lạ từ thành phố nghèo
Về câu hỏi "Tiền ở đâu?", thì cũng giống như một người muốn hái quả thì trước hết phải cuốc đất trồng cây, Thái Lan đã đầu tư rất mạnh.
Họ rót vốn nhiều hơn, vung tiền nhiều để hơn xây dựng cơ sở vật chất khắp nơi. Các tập đoàn, công ty, thương hiệu lớn tranh nhau bỏ tiền tài trợ nuôi đội bóng. Người dân, khán giả sẵn sàng bỏ tiền mua sản phẩm của CLB, nói không với đồ fake. Áo đấu đội bóng được mặc hàng ngày bởi mọi thành phần, từ tầng lớp kính cận văn phòng đến chị bán hàng rong hè phố... Nhờ sự ủng hộ thiết thực từ CĐV, đội bóng có được nguồn tài chính dồi dào để tái đầu tư, phát triển.
Các CĐV Thái chỉ dùng sản phẩm của CLB chứ không xài đồ fake
Phải chăng do người dân Thái đam mê, cuồng nhiệt với thể thao hơn người Việt nên họ sẵn sàng bỏ tiền để "chơi"? Tôi xin khẳng định là không phải! Chẳng cần nhìn đâu xa, cứ nhớ lại thời điểm đội U23 Việt Nam vào chung kết Cúp châu Á thì rõ. Người Việt yêu thể thao, thậm chí điên cuồng nữa là đằng khác.
Quay ngược về những năm 2000, thời Thể Công, NHĐÁ thi đấu, lúc đó truyền thông còn lạc hậu, xóm có cái TV trắng đen nhưng cứ cuối tuần là cả xóm bỏ ruộng bỏ rẫy tụm vào hò hét. Giai đoạn 2003-2006, thời hoàng kim của V-League, mỗi khi có trận "Gạch-Gỗ" đối đầu, cầu thủ trên sân bị chuột rút vì đá bóng thì nhân viên các quán cà phê bóng đá đầu đường ngõ hẻm bị chuột rút vì... chạy bàn.
Năm 2007 -2012, hồi còn ở Pleiku, tôi vẫn hay vào sân xem đội một đá. Lúc đó HAGL không còn ở đỉnh cao nhưng sân lúc nào cũng đầy khán giả. Còn ra mấy sân phía Bắc như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An thì khỏi nói, khán đài không đủ chỗ thì khán giả tràn cả vào đường pitch ngồi, hay trèo cả lên cây, nóc nhà để xem đá bóng... Tôi khẳng định là ở Thái không có cảnh đó đâu. Bấy nhiêu đó đủ chứng minh người Việt yêu bóng đá nói riêng và thể thao nói chung đến nhường nào.
CĐV Việt Nam sẵn sàng mạo hiểm trèo lên nóc nhà để xem bóng đá
Tiếp tục cho câu hỏi "đầu tiên" (tiền đâu) tôi đã nêu ra ở kỳ trước. Tôi xin trích dẫn câu chuyện về Buriram, một tỉnh ở miền Đông Bắc Thái Lan. Trong tiếng Thái, Buri Ram có nghĩa là "thành phố hạnh phúc". Trước những năm 2000, nơi đây được biết đến như một trong số những tỉnh nghèo của Thái Lan, kinh tế dựa phần nhiều vào nông nghiệp.
Newin Chidchob, cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Thái Lan sau khi rút lui khỏi chính trường đã tiếp nhận CLB bóng đá của địa phương này. Ông trở thành chủ tịch của Buriam United, bắt tay xây dựng SVĐ I-Mobile với mô hình chuẩn châu Âu.
SVĐ I-Mobile được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu
Bên cạnh đó, một loạt các hạng mục khác cũng mọc lên xung quanh như nhà hàng, khách sạn, trung tâm tập luyện, cửa hàng tiện lợi… Điều này đã tạo hàng nghìn công ăn việc làm cho người dân nơi đây. Mọi người ở đây bắt đầu thích thú và tự hào với việc mua cho mình một chiếc áo truyền thống của đội bóng. Logo Buriram United được dán đầy trên các xe ôtô, xe máy, túi xách…
Cứ buổi chiều, từng gia đình hoặc nhóm nhỏ kéo nhau đến khuôn viên bên ngoài sân I-Mobile để tận hưởng bầu không khí trong lành. Trẻ em được thoải mái vui chơi ở khu đất rất rộng, nơi có sân bóng đá, tennis, bóng rổ… miễn phí.
Newin từng nói: "Tôi đã trồng một cái cây to cho người Buriram. Trên danh nghĩa tôi là chủ sở hữu đội bóng, nhưng thực tế nó là của người Buriram". Quả không ngoa chút nào. Từ ngày môn thể thao vua được phát triển ở thành phố Buriam, mỗi tuần du khách lại lũ lượt kéo đến đây xem bóng đá, tham quan cơ sở vật chất thể thao. Doanh thu từ sản phẩm thể thao, đồ lưu niệm, các loại hình dịch vụ ăn theo như nhà hàng, khách sạn tăng chóng mặt. Đương nhiên là người dân Buriram cảm thấy hạnh phúc và không lý nào họ lại không yêu đội bóng...
Ở vùng đất từng một thời nghèo khó, người ta đã bắt đầu biết tới khái niệm "Ngành công nghiệp thể thao".
(còn tiếp)