BĐVN (Kỳ 2): Bình Định - Chết một lần để sống
Đôi ngả chia ly
Kết thúc V.League 2008, CLB Boss Bình Định xếp cuối bảng và phải xuống thi đấu ở hạng Nhất. Ngay lập tức, doanh nghiệp được biết đến với thương hiệu sơn Boss của hãng sơn 4Oranges “bung dù”. Cùng thời điểm đó, Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng và luyện kim (chủ yếu về khai khoáng titan) vào cuộc. Bóng đá Bình Định có tên gọi mới là CLB bóng đá SQC Bình Định.
Có chủ mới, Bình Định được đầu tư mạnh với mục tiêu thăng hạng. So với tiềm lực của các đội bóng hạng Nhất, Bình Định thuộc dạng “ông lớn”. Họ là một trong những đội bóng luôn sử dụng tối đa quota về ngoại binh, cầu thủ nhập tịch. Ngoài ra, đội chủ sân Quy Nhơn cũng không tiếc tiền để mua về những cầu thủ tốt nhất, với những bản hợp đồng tiền tỷ ngang với các “đại gia” V.League.
Với Bình Định lúc ấy, làm bóng đá đơn giản chỉ là cầm thật nhiều tiền và mua thật nhiều “sao”. Tiềm lực sẵn có, SQC Bình Định được cho là sẽ dễ dàng lấy vé thăng hạng như “lấy đồ trong túi” ở mùa giải 2009. Thực tế, SQC Bình Định đã nhiều lần có thể lên hạng nếu như chơi “tới bến”.
Nhưng đúng vào thời điểm mà chiếc vé thăng hạng ngỡ như khó thoát khỏi tầm tay thì họ lại tự… vứt đi. Hệ quả là SQC Bình Định “rơi tự do”, mà cuộc chia tay bất ngờ của các HLV Dương Ngọc Hùng (2010) và Nguyễn Ngọc Thiện (2011) đến nay vẫn là câu hỏi lớn về tham vọng đầu tư của SQC vào bóng đá Bình Định.
Mùa đầu tiên thất bại khi không thể lên hạng, bước sang những mùa giải kế tiếp, SQC Bình Định luôn trong tình trạng lao đao, nhất là khi cuối tháng 01/2010, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định số 39/QĐ-UBND về việc Ban hành quy định về quản lý hoạt động khai thác sa khoáng Titan trên địa bàn tỉnh. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi kinh tế của Cty CP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn.
Sau 5 năm đầu tư nhưng bóng đá Bình Định vẫn giậm chân tại chỗ, hết mùa giải 2013, SQC càng có cớ để rút lui, trả lại đội bóng cho địa phương. Đây là hệ quả tất yếu cho quá trình đầu tư theo kiểu thương mại của doanh nghiệp. Từ đây, đôi ngả chia ly và hệ quả nhãn tiền để lại cho bóng đá Bình Định là rất lớn.
Trăm mối ngổn ngang
“Ngay sau khi SQC rút, bóng đá Bình Định rơi vào cảnh loạn ly. Các cầu thủ đội 1 thì đua nhau “bỏ của chạy lấy người. Chúng tôi không giữ họ bằng mọi giá mà tạo điều kiện tối đa nếu bất kì ai muốn ra đi.
Đó là điều dễ hiểu khi họ đã có tuổi và cần tìm bến đỗ mới để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Và bóng đá Bình Định đã trở lại với thời kỳ… đồ đá”. Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm HLTT Bình Định nhớ lại.
Không chỉ đứng trước nạn “chảy máu” tài năng, bóng đá Bình Định còn rơi vào thảm cảnh về sự đầu tư. Họ được trả về địa phương, sống bằng ngân sách tỉnh nên mọi chế độ đều như các VĐV của các bộ môn khác. Đội 1, thực chất là lứa U.19, hưởng chế độ 65.000 đồng/ngày bao gồm ăn uống, tiền công, sinh hoạt… Trong khi đó, U.17 chỉ có 55.000 đồng/ngày còn các tuyến năng khiếu hưởng 50.000 đồng/ngày. So với mặt bằng chung, các cầu thủ trẻ Bình Định được liệt vào dạng thấp nhất về chế độ. Đã vậy, cơ sở vật chất còn thiếu thốn khi họ chỉ có duy nhất sân Quy Nhơn làm nơi tập luyện và thi đấu.
Trước hoàn cảnh bi đát như vậy, vấn nạn “chảy máu” diễn ra ngay trong lòng đội bóng khi có đến 5-6 cầu thủ trụ cột xin nghỉ. Nắm bắt tâm lý, Bình Định giải quyết mọi chế độ để họ tìm hướng đi mới. Đứng trước bi kịch trên, những người làm bóng đá Bình Định xác định việc trước tiên là làm công tác tư tưởng, tránh sự hoang mang, dao động cho các cầu thủ trẻ.
Vượt lên nghịch cảnh
“Trong mấy chục năm làm bóng đá, tôi chưa bao giờ rơi vào cảnh ngặt nghèo như vậy. Thế nhưng là người thầy, người anh cả tôi không thể đứng yên. Cách duy nhất là đánh vào tâm lý tình yêu bóng đá, yêu quê hương và khát vọng đổi đời của các cháu. Thày trò hay ngồi lại tâm tình với nhau. Đó là lúc tôi truyền vào họ những thông điệp mà bóng đá mang lại: Bóng đá Bình Định không bao giờ chết. Hãy tin tưởng một ngày nào đó sẽ quay trở lại. Chỉ có cố gắng, đạt thành tích thì những người có trách nhiệm và NHM sẽ quay trở lại với chúng ta. Đó cũng là cơ hội để cải thiện đời sống”, HLV Phan Tôn Quyền nhớ như in những ngày bóng đá Bình Định trở về với thời kỳ… sơ khai.
Bên cạnh đó, lãnh đạo bóng đá Bình Định đã xác định hướng đi mới cho mình. “Chúng tôi không thể dựa hơi vào các doanh nghiệp.
Cách làm chạy theo đồng tiền của họ chỉ có giết chết bóng đá. Bình Định có bề dày truyền thống, may mắn có đầy đủ các tuyến trẻ nên chúng tôi sẽ đi lên bằng chính đôi chân của mình. Mọi giải đấu trẻ, bất chấp kinh phí khó khăn nhưng Bình Định đều cố gắng tham gia hết”, ông Long bày tỏ.
“Chết” nhiều lần vì quá tin tưởng vào cách làm bóng đá của các doanh nghiệp cũng như việc lợi dụng đồng tiền của doanh nghiệp vốn chỉ coi bóng đá là công cụ, tư duy làm bóng đá ở Bình Định đã có sự thay đổi. Giờ đây, với họ, muốn làm bóng đá thực sự thì phải lấy “quân” Bình Định làm gốc.
“Bóng đá chỉ có thể sống nếu những người làm bóng đá có cái tâm sáng, không vụ lợi. Chúng tôi vẫn sẽ mở cửa với các doanh nghiệp bởi với cơ chế bóng đá hiện tại không thể sống bằng ngân sách nhưng chúng tôi sẽ lấy người Bình Định làm gốc và chỉ bổ sung những người ngoại tỉnh ở một số vị trí cần thiết. Chỉ như vậy, mới khơi dậy tinh thần chiến đấu vì bản sắc quê hương ở mỗi cầu thủ; qua đó kéo khán giả lại với đội bóng cũng như nhận được sự quan tâm hơn từ lãnh đạo địa phương”, ông Long khẳng định.