Bốn “cầu thủ” Việt Nam dự World Cup 2018: Mảnh đời bất hạnh và “món quà” ngọt ngào
Đằng sau tấm vé dự sự kiện "Bóng đá hy vọng" tại World Cup 2018 là những vết thương cuộc đời của bốn "cầu thủ" nhí Việt Nam.
World Cup đến với Việt Nam
Chỉ còn khoảng 15 ngày nữa, trái bóng chính thức World Cup 2018 với tên gọi Telstar18 sẽ lăn trên đất Nga. Hòa cùng 64 trận đấu ở 12 SVĐ tại xứ sở bạch dương, FIFA sẽ tổ chức Festival "Bóng đá hy vọng" cho các em từ độ tuổi 15-18, diễn ra cùng thời điểm với World Cup (25/6-5/7) tại Moskva.
Đây là lần thứ hai liên tiếp, Việt Nam được vinh dự tham gia Lễ hội "Bóng đá hy vọng". Ảnh: Trần Khánh
Lễ hội lần này có sự tham gia của 48 đoàn trên thế giới. Việt Nam vinh dự được FIFA mời tham dự. Đây là hoạt động chính thức ở World Cup 2018 nhằm tôn vinh giá trị thể thao trong việc tạo ra những chuyển biến cộng đồng.
"Đặc thù của lễ hội này là không đặt nặng tính thi đấu mà quan trọng là giao lưu, để các em đưa ra quyền quyết định. Các em trong cùng một đoàn không thi đấu chung một đội mà sẽ hòa với các đội khác để giao lưu và tăng tính đoàn kết", chị Châu Hồng Tịnh, cán bộ truyền thông của Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam (FFAV), đơn vị được FIFA mời tham dự.
Điều đặc biệt của lễ hội là các em sẽ tham gia với thể thức thi đấu theo luật bóng đá 3. Có ba vòng khác nhau: vòng 1, các em trong cùng đội bóng sẽ thống nhất với đội bạn thi đấu như thế nào; vòng 2, các em thi đấu, giao lưu với nhau; vòng 3: hai đội ngồi lại để tính điểm, đánh giá xem các tiêu chí thống nhất ở vòng thứ 1. Các em sẽ chấm điểm và cho kết quả với nhau.
Festival "Bóng đá hy vọng" được FIFA tổ chức từ World Cup 2006. Việt Nam vinh dự lần đầu tiên tham dự ở World Cup 2014 được tổ chức ở Brazil. Tại đây, các em đến từ "ngôi nhà chung" của FFAV mang hình ảnh của trẻ em, bóng đá cộng đồng cùng văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới. Và được xem trực tiếp trận tứ kết ở sân Maracana giữa Pháp và Đức.
FFAV đưa ra tiêu chí riêng để tuyển chọn 4 em tham dự lễ hội. Đó là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và nỗ lực vượt lên số phận của mình, có bước tiến lớn trong học tập. Các em được chọn đều đến từ Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú. Và mỗi cảnh đời là số phận riêng, đầy tréo nghoe, trúc trắc.
Nỗi đau cuộc đời & trái bóng tròn
Gia đình nằm ở gần Đại Nội (Huế) nhưng cuộc sống của em Hà Danh Dự (sinh năm 2000) cơ cực ngay từ thuở lọt lòng. Bố đi ăn xin, mẹ bị bệnh tâm thần. Từ nhỏ, hai anh em Dự chia nhau theo bố mẹ ăn xin khắp mọi ngã đường.
Không có ngóc ngách nào là Dự chưa từng đặt chân đến. Mới 8 tuổi, bước chân của cậu bé nhỏ nhắn này đã rải khắp nơi. Cũng trong năm đó, bố bị bạo bệnh rồi qua đời. Gánh nặng gia đình đặt lên đôi vai nhỏ nhắn của cậu bé mới chỉ có 8 tuổi này.
Dù rắn rỏi đến đâu, Dự vẫn chỉ là một đứa trẻ. Không thể gánh nổi trọng trách gia đình, em được gửi vào Trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em Xuân Phú (TP Huế). Với Dự, thú vui giải trí chỉ là giấc mộng xa xỉ.
"Hồi nhỏ, hằng ngày em đều ra bãi cỏ công viên nhìn các bạn đá bóng. Do nhỏ, đá kém nên không được cho vào chơi. Khi đó, em chỉ ước được chơi cùng các bạn, dẫn trái bóng trên sân. Những đứa trẻ như em khó khăn lắm. Cơm chưa có ăn, áo chưa đủ mặc nên đối với bọn em, chỉ biết có đá bóng chứ chưa bao giờ nghe đến World Cup. Em chỉ dám ước một lần tới sân Tự Do thôi chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ ngồi ở sân vận động lớn ở nước Nga. Nó như một giấc mơ vậy", Dự trầm mình.
Với cô bé Lê Thị Ngọc Ánh (2001), khi nhắc đến thời khắc mẹ qua đời vì bị sét đánh khi đi làm ruộng, lúc em mới lớp 4, Ánh không cầm được nước mắt. "Thuở nhỏ, ba mẹ em thường đi làm ruộng từ sáng sớm. Mẹ đi bắt cua, bắt ốc rồi 8-9 giờ sáng mới đi theo ba. Thế là, 5 chị em còn nhỏ ở nhà với nhau. Ba đi làm nhưng trong người bị bệnh, ngày làm được ngày không.
Đến năm em lên lớp 4 thì mẹ mất. Chị đầu nghỉ học để đi làm trong Sài Gòn. Em cùng 3 đứa em ở nhà. Nhưng vì là con lớn, em đi làm ruộng cùng bố, đi bộ rất xa. Làm ruộng vất vả lắm. Trời nắng thì nước nóng, bước chân xuống thấy như bị bỏng. Em mới hiểu được người nông dân vất vả như thế nào để làm ra hạt gạo. Quãng thời gian đó không muốn quay lại, thoát ra khỏi hoàn cảnh ngay lập tức", Ánh vẫn không bao giờ quên được tuổi thơ bất hạnh. Và khi hay tin sẽ được tham gia lễ hội "Bóng đá hy vọng" ở Nga, Ánh chỉ thốt lên: "Ba ơi! Con rất yêu ba!".
Mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận. Và cuộc đời như trêu ngươi cô bé Đoàn Thị Hường (2000). Năm lên 12 tuổi, Hường mất tất cả. "Em không nghĩ 1 đứa trẻ lớp 6 lại chịu quá nhiều biến cố như vậy. Ba mất, mẹ đau, nhà không có. Đi học về trời mưa, trên người không có chiếc áo mưa nào, nhìn ba mẹ mấy bạn tới đón mà em rất tủi".
Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em. Ba Hường làm thợ hồ, mẹ làm nông. Cả 6 người sống chật chội trong túp lều bằng vải bạc trên mảnh đất của bà ngoại. Cuộc sống quá tù túng, ba Hường quyết định bỏ thợ hồ để sang Lào đi làm gỗ. Dù biết công việc này nguy hiểm nhưng vẫn bất chấp để đi.
Trong các hoạt động ở Festival "Bóng đá hy vọng", các đoàn sẽ có đêm giao lưu văn nghệ với bạn bè quốc tế. Đại diện Việt Nam đang tích cực tập luyện để giới thiệu văn hóa tại đất Nga. Ở đó, các em sẽ "trình diễn" tiết mục múa Âm sắc Việt Nam dựa trên sự kết hợp của hai ca khúc mang âm hưởng hiện đại và dân gian là Hello Vietnam và Cảnh đẹp Huế đô.
Đó là thời điểm, Hường chỉ mới học lớp 6. Chỉ một tuần sau, Hường như gục ngã khi hay tin bố bị tai nạn qua đời. Cuộc sống của 5 người lại nheo nhóc. Mọi gánh nặng để dồn lên vai tấm thân gần của cô bé khi mẹ bị bệnh không làm được nhiều. Hằng ngày, hai anh em phải lên rừng kiếm vỏ tràm bán lại kiếm tiền. Tới mùa gặt, hai anh em cùng mẹ đi ra đồng cắt lúa, nhặt miếng ăn qua ngày.
Cuộc sống quá khó khăn khiến gia đình Hường phải ly tán. Anh trai đầu nương nhờ cửa Phật còn Hường vào trung tâm bảo trợ xã hội. Chỉ khi đến với mái ấm tình thương, Hường mới có cơ hội giúp đỡ mẹ nhiều hơn và cũng tự "tưởng" cho mình thú vui giải trí.
Em bắt đầu biết chơi đá bóng và mơ mộng. "Em chỉ mơ sẽ xuất ngoại. Ở đó, em mơ được đi du lịch ở Mỹ, đi các nước để mở mang tầm mắt. Khi nghe tin được đi Nga, em tự đánh vào má bởi vẫn chưa tin đó là sự thật", Hường chân thật.
Với cậu bé Trương Đình Hòang (2001), mới chỉ 6 tuổi em đã cảm nhận nỗi đau quá lớn. "Lúc ba còn sống, gia đình em đầy đủ điều kiện lắm. Đến khi ba nằm viện thì chỉ 6 tháng sau, ba qua đời, cuộc sống của em mất đi tất cả. Em phải về sống với bà ngoại. Suốt ngày đi học cũng chỉ có đúng một người bạn", Hòa kể.
... lẫn văn nghệ để giới thiệu hình ảnh đất nước - con người Việt Nam ra bạn bè quốc tế. Ảnh: Trần Khánh
Chỉ đến khi chuyển vào Trung tâm bảo trợ xã hội Xuân Phú năm 12 tuổi, cậu bé quê ở huyện Quảng Điền này mới "tận hưởng" dư vị cuộc sống. "Lúc vào trung tâm, em mới được chơi đá bóng với mấy anh chị. Bóng đá như người bạn đồng hành lúc em buồn. Mỗi khi buồn em tìm đến bóng đá để chơi". Khi nghe tin đến Nga tham dự "Bóng đá hy vọng", một đứa trẻ vốn có quá nhiều vết thương trở lại đúng bản chất của đứa trẻ. "Em tưởng tượng được gặp các cầu thủ nổi tiếng, xin chữ ký, chụp ảnh rồi mua quà khoe với mọi người", Hòang hồn nhiên.