Bóng đá Saudi Arabia có đi theo "vết xe đổ" của Trung Quốc?
Trong màu áo Chelsea, tiền vệ Oscar từng được nhiều người đánh giá là mẫu cầu thủ tài năng khiến cả thế giới phải thèm khát. Tại World Cup 2014, màn trình diễn ấn tượng đã đưa Oscar trở thành một trong hai cầu thủ Brazil lọt vào đội hình tiêu biểu của giải đấu lớn nhất hành tinh này.
Thế nhưng vào tháng 1/2017, tiền vệ sinh năm 1991 khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định bỏ lại giấc mơ ở trời Âu - nơi mà nhiều cầu thủ phải thèm khát để chuyển đến khoác áo Shanghai SIPG thi đấu tại giải Chinese Super League (giải VĐQG Trung Quốc). Thời điểm đó, ngôi sao Brazil kí hợp đồng 4 năm cùng mức lương cao nhất lên đến 20,8 triệu bảng/năm.
Việc chiêu mộ thành công Oscar từ Chelsea khiến giải VĐQG Trung Quốc trở nên nổi tiếng hơn. Khi đó, HLV Antonio Conte cho rằng các giải đấu của Trung Quốc đang cho thấy sự phát triển vượt bậc bằng cách chiêu mộ những cầu thủ có có tài năng và tầm ảnh hưởng.
Sau 3 năm, tiền vệ Oscar dù nhớ châu Âu nhưng vẫn quyết định gia hạn hợp đồng với Shanghai SIPG đến 30/11/2024. Anh cùng đội bóng này tiếp tục chinh phục những danh hiệu lớn và vẫn đang trên con đường chứng minh rằng nền bóng đá Trung Quốc đang vô cùng phát triển, đặc biệt là ở khu vực châu Á.
Tuy nhiên, vị thế của Chinese Super League đang bị lung lay khi các nhà tổ chức của Saudi Arabia đang nỗ lực để đưa giải VĐQG nước này trở thành giải đấu hàng đầu châu Á. Bằng chứng là việc giải VĐQG Saudi Arabia đã thu hút sự chú ý của những cầu thủ châu Âu, khi mới đây CLB Al-Hilal (thủ đô Riyadh) đã đánh bại các đội bóng châu Âu khác để có được chữ kí của tiền vệ Matheus Pereira từ West Brom (Anh).
Truyền thông của Saudi Arabia cho rằng đây là một thương vụ "bom tấn" thúc đẩy sự phát triển của giải VĐQG nước này. Họ cũng có sự so sánh trực tiếp với Chinese Super League. Tờ Arab News viết: "Phát thanh viên bóng đá Anh Noel Whelan không ấn tượng với bản hợp đồng này.
Ông ấy nói rằng từ khía cạnh bóng đá, việc đến châu Á chơi bóng là cầu thủ đã đưa mình ra khỏi ánh đèn sân khấu dù có thể họ đang đạt được lợi nhuận về tài chính. Tuy nhiên, cầu thủ chắc chắn không thể thể hiện bản thân ở châu Âu.
Phản ứng trên mạng xã hội cũng tương tự như vậy khi các cầu thủ rời châu Âu đến Trung Quốc cách đây 5 năm, mặc dù số tiền mà các câu lạc bộ của Saudi Arabia trả không bằng với mức đỉnh của Shanghai SIPG hay Beijing Guoan. Trung Quốc là giải đấu có mức chi tiêu cao nhất thế giới trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2017, với khoảng 457 triệu đô la.
Tuy nhiên, sự xuất hiện các quy định cứng rắn hơn của chính phủ, bao gồm thuế chuyển nhượng nhằm giảm chi tiêu và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã thay đổi cục diện bóng đá Trung Quốc. Một số cầu thủ Brazil đã phải rời bỏ các câu lạc bộ Trung Quốc, trong đó cựu tiền vệ Barcelona Paulinho và Talisca đầu quân cho Saudi Arabia".
Ngoài bản hợp đồng của Matheus Pereira với CLB Al-Hilal, đối thủ của họ là CLB Al-Nassr trước đó đã chiêu mộ thành công cầu thủ người Argentina Pity Martinez vào năm 2020 với giá 18 triệu đô la. Mới đây, họ cũng đã bổ sung hai bản hợp đồng chất lượng khác là tuyển thủ Cameroon Vincent Aboubakar từ FC Porto và Ramiro Funes Mori từ Villarreal.
Với những lý do này, các nhà tổ chức của Saudi Arabia tin rằng giải VĐQG của họ sẽ từng bước, từng bước phát triển và một ngày không xa sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành giải đấu quốc nội hàng đầu châu Á.
Tuy vậy, bóng đá Trung Quốc đã và đang trả giá cho chiến lược đổ "núi" tiền vào giải VĐQG với hy vọng nâng cao chất lượng ĐTQG. Những ngôi sao hàng đầu đến rồi đi nhưng ĐTQG nước này liên tiếp thất bại ở các đấu trường. Họ nâng chất lượng giải đấu song lại không giúp ích các cầu thủ nội có cơ hội phát triển.
Bóng đá Trung Quốc đi theo chiến lược mới là nhập tịch cầu thủ với hy vọng nâng tầm ĐTQG. Kết quả vẫn ở thì tương lai song ở thời điểm này, chiến lược mua sắm ngôi sao quốc tế để hiện thực hóa tham vọng World Cup đã thất bại.
Đó cũng là lời cảnh tỉnh về cách làm cho bóng đá Saudi Arabia trong việc thu hút các ngôi sao quốc tế về với giải vô địch quốc nội.