Cà Mau xin thi đấu giải hạng Nhất 2016: Bóng đá được cứu và sẽ sống...
Lên hạng Nhất mất... suất hạng Nhì
Sau khi giành chiến thắng 4-2 trong loạt đấu phạt đền trước Bình Định, Cà Mau đã may mắn giành suất lên hạng Nhất 2016. Tuy nhiên, bi hài là họ “vừa lên lớp đã nghỉ học” khi Trung tâm TDTT Cà Mau gửi công văn đến VFF xin rút lui khỏi giải hạng Nhất vào ngày 20/10/2015.
Sở dĩ xảy ra câu chuyện đầy bi hài ấy là do Cà Mau không có đủ kinh phí để tham dự giải hạng Nhất. Thậm chí, HLV Dương Hữu Cường đã đề xuất với lãnh đạo về các phương án 5 tỷ, 7 tỷ, và 11 tỷ đồng để đội bóng này có thể tham dự giải hạng Nhất, với mục đích duy trì bóng đá để phục vụ cho nhân dân Cà Mau. Ông Cường vẫn tin là Cà Mau có thể chơi ở giải hạng Nhất QG 2016 với chỉ 5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cả 3 phương án của HLV Dương Hữu Cường đều không được chấp thuận khi lãnh đạo không thể tìm được nguồn kinh phí vài tỷ đồng để tiếp tục làm bóng đá.
Bi hài nối tiếp bi hài khi Cà Mau không chỉ nghỉ chơi ở giải hạng Nhất mà còn phải… chờ ý kiến lãnh đạo tỉnh để biết có cơ hội đá giải hạng Nhì hay không?
Gần 30 năm, bóng đá Cà Mau có cơ hội “nở mày nở mặt” nhờ lên hạng Nhất nhưng kết cục buồn là không chỉ phải bỏ giải mà còn đứng trước nguy cơ giải tán. Điều ấy khiến cho HLV Dương Hữu Cường rất hối hận vì lỡ… đưa đội bóng lên hạng Nhất, dù trước đó họ đã phải nỗ lực chiến đấu hết mình trong trận đấu tranh suất lên hạng với Bình Định.
NHM bóng đá Cà Mau chỉ xem được vài trận trong 1 năm khi đội nhà được đá giải hạng Nhì, thế nhưng thầy trò Dưỡng Hữu Cường “vừa lên lớp đã bị cho nghỉ học” khiến cho bóng đá nơi đây có nguy cơ trở thành “vùng trắng”.
Đó thực sự là một bi kịch với bóng đá Cà Mau.
Phép màu từ... bầu Thắng
Trong thế tưởng chừng sẽ bị “bức tử” đầy bi kịch, bóng đá Cà Mau đã bất ngờ được cứu một cách ngoạn mục với lời hứa từ lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục cho làm bóng đá. Nếu không có bất ngờ nào diễn ra vào phút cuối thì Cà Mau sẽ gửi công văn tới VFF để xin lại suất thi đấu giải hạng Nhất 2016.
Được biết, người mang phép màu đến cho bóng đá Cà Mau là Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng, với việc thuyết phục thành công lãnh đạo tỉnh Cà Mau bằng mô hình xây dựng bóng đá từ Nhật Bản thông qua buổi làm việc vào ngày 07/11/2015. Đây là mô hình bóng đá mà CLB Đồng Tháp đang áp dụng sau khi từng suýt bỏ giải ở trước thềm V.League 2015, cũng vì lý do tiền bạc.
Mấu chốt vấn đề giúp Cà Mau được “cứu” và chuẩn bị xin lại suất đá giải hạng Nhất 2016 là chuyện kinh phí đã có lời giải đáp. Một bước ngoặt lớn là Công ty CP phát triển bóng đá Cà Mau sẽ ra đời để có được sự chung tay làm bóng đá của các doanh nghiệp trong tỉnh. Họ sẽ là đơn vị chủ quản chịu trách nhiệm huy động vốn còn phía UBND tỉnh sẽ hỗ trợ về cơ sở vật chất lẫn cơ chế hoạt động.
Với kế hoạch thay “áo mới” theo mô hình bóng đá mà Đồng Tháp đang áp dụng, bóng đá ở nơi tận cùng Tổ quốc hứa hẹn đổi thay rất nhiều, nếu họ có thể làm được như những gì đội bóng xứ Bưng Biền đã làm ở V.League 2015, với quan điểm tích cực và chuyên nghiệp là: Lấy bóng đá nuôi bóng đá.
Trước thềm V.League 2015, Đồng Tháp đã rơi vào cảnh tương tự như Cà Mau là suýt bỏ giải vì thiếu kinh phí hoạt động, sau khi lên hạng. Đến phút chót, Cty cổ phần phát triển bóng đá Đồng Tháp đã ra đời bởi sự góp vốn của 5 doanh nghiệp. Có kinh phí hoạt động, Đồng Tháp đã được “cứu” đầy ngoạn ngục và cứu cho BTC giải “một bàn thua”. Bây giờ, Cà Mau cũng được cứu theo cách tương tự và họ sẽ áp dụng theo mô hình bóng đá mà Đồng Tháp đã xây dựng.
HLV Dương Hữu Cường: “Bóng đá sẽ được tái sinh”
Đón nhận thông tin về việc UBND tỉnh đồng ý cho tham dự giải hạng Nhất 2016, đang học lớp HLV nâng cao ở Hà Nội, HLV Dương Hữu Cường hồ hởi chia sẻ: “Nếu đây là sự thật thì những người làm bóng đá ở Cà Mau như được tái sinh lần thứ 2. Bởi không có gì vui và hạnh phúc bằng khi công sức bao năm gây dựng phong trào và làm bóng đá được đền đáp xứng đáng.
Bây giờ đã có đường hướng đi rõ ràng rồi nên không phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền” nữa. Riêng về việc chuẩn bị lực lượng, tôi nghĩ cũng không quá đáng ngại, bởi từ đây cho đến khi giải hạng Nhất 2016 khai mạc còn đến 6 tháng và chúng tôi tự tin sẽ giải quyết được bài toán này. Điều mà chúng tôi lo ngại nhất, đó là cơ sở vật chất hiện tại chưa thể đáp ứng yêu cầu mà BTC, cũng như Quy chế, Điều lệ của các giải chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi UBND tỉnh đồng ý, VPF đã hỗ trợ rồi thì tôi nghĩ việc này kiểu gì cũng có hướng giải quyết…”.
P.H (ghi)