Cầu thủ Việt có thể hình như Văn Hậu: Không khó nhưng…
Bóng đá Việt không khó để có nhiều Đoàn Văn Hậu
HLV Park Hang Seo ấn tượng với thể hình khi Văn Hậu trở về Việt Nam sau một năm thi đấu ở Hà Lan. Đặt cạnh đó, nhà cầm quân người Hàn Quốc liên tục chỉ ra những vấn đề về thể lực cũng như thể hình của các cầu thủ Việt. Ông luôn chú trọng đến chế độ dinh dưỡng và cách thức tập luyện.
Thực tế, những yêu cầu mà ông Park đề ra thực hiện khả thi. Các cầu thủ Việt hoàn toàn phát triển thể chất như Đoàn Văn Hậu. Trao đổi với Webthethao, bác sĩ Đồng Xuân Lâm của CLB HAGL cho biết: “Về trường hợp của Văn Hậu thuộc nhóm phát triển cơ, điều này không thật sự khó. Vấn đề với một VĐV là anh thiếu cái gì thì phải tập cái đó để tạo ra sự cân đối.
Trước khi đi Hà Lan, thể hình của Văn Hậu chưa tốt kể cả chiều cao và cân nặng. Tuy nhiên sang Hà Lan các chuyên gia về hình thái học chú trọng tập luyện bổ sung để tăng cường lượng cơ bắp nở nang hơn, tạo bề dày khối cơ. Những bài tập phát triển cơ bắp chủ yếu thực hiện phòng tạ nhưng ở Việt Nam mình chỉ số ít làm được, đại đa số đội bóng chưa chú trọng vấn đề này.
Ở các đội bóng nước ngoài, họ có những HLV chuyên biệt để một kèm một. Ở Việt Nam một đội bóng chỉ có 1 đến 2 bác sĩ, họ kiêm nhiệm từ A-Z nên không đủ phân chia kèm cặp cầu thủ. Nhưng nước ngoài họ có sự khác biệt là có HLV chuyên về tạ, HLV chuyên về sức bền, HLV chuyên về sức mạnh tốc độ, đoạn ngắn, HLV chuyên về bóng ngắn, HLV chuyên về không bóng,… Đội hình ban huấn luyện của các đội bóng nước ngoài đến hơn 10 người. Họ phải phân ra như thế mới có thể làm được.
Tập như Văn Hậu ở nước ngoài là 1 kèm 1, vừa tập vừa hướng dẫn động viên để duy trì đúng, đủ, hợp lý. Như Hậu ở Hà Lan không chỉ tập không, ngoài tập luyện phải bổ sung thực phẩm chức năng, chủ yếu dòng whey protein. Đây là sản phẩm acid amin và chuỗi pettit, triết xuất ra từ sữa và có bổ sung thêm các hoạt chất phát triển cơ, sửa chữa cơ bị tổn thương trong quá trình vận động cường độ cao”.
Ông Lâm cho rằng, để phát triển cơ bắp như Văn Hậu không khó. “Thứ nhất phải có con người, thứ hai đội bóng phải có cơ sở vật chất phòng tập đạt chuẩn, thứ ba chế độ dinh dưỡng cho phù hợp và kế hoạch huấn luyện khoa học. Ở châu Âu các hệ thống này đã có sẵn rồi nhưng ở Việt Nam, hầu như rất ít đội bóng có thể làm được điều như vậy”.
Các CLB ở V.League biết lo đến dinh dưỡng
Trong những năm trở lại đây, V.League “nở rộ” các chuyên gia vật lý trị liệu hay HLV thể lực người nước ngoài. Theo đó, trong số 14 đội góp mặt ở V.League mùa này có nhiều đội chiêu mộ HLV thể lực như Quảng Nam, Nam Định, B.Bình Dương,… Đó là sự khác biệt trong cách xây dựng sự chuyên nghiệp cho đội bóng.
Điển hình như CLB Nam Định, họ thuê phòng tập gym ngay sát sân Thiên Trường bởi cơ sở vật chất tốt hơn. Cùng với đó là các cầu thủ tập với chuyên gia Haccke. GĐKT Nguyễn Văn Sỹ cho rằng: “ HLV thể lực người nước ngoài làm việc rất chuyên nghiệp. Nếu để so sánh giữa HLV nội và HLV ngoại thì HLV ngoại có nhiều bài tập đa dạng, phong phú và phù hợp với thể trạng của trạng mỗi người. Họ luôn đốc thúc cũng như theo sát các tiến trình luyện tập của cầu thủ hơn”. Từ đó, nền tảng thể lực của các cầu thủ tốt hơn.
Ngoài ra, Nam Định FC còn chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng cho cầu thủ. Ông Sỹ cho hay: “Chế độ ăn 1 ngày của CLB Nam Định bao gồm bữa sáng 50.000đ/cầu thủ, bữa trưa 100.000đ/cầu thủ và bữa tối cũng 100.000đ/cầu thủ. Nếu so với mặt bằng chung thì con số này có thể không cao bởi điều kiện của CLB Nam Định còn khó khăn. Bác sỹ là người lên thực đơn, đề xuất khẩu phần ăn. Với điều kiện kinh phí vừa đủ, chúng tôi phải cân bằng sao cho món ăn phù hợp, nhưng vẫn đầy đủ dinh dưỡng để luyện tập và thi đấu”.
Yếu tố dinh dưỡng cũng được các đội bóng đặt lên hàng đầu. Bác sĩ Phạm Quốc Thắng của SHB Đà Nẵng cho biết: “Dinh dưỡng đóng góp 30% còn tập luyện 70% trong bóng đá”. Ông Thắng cùng đội ngũ BHL ý thức vấn đề này. “HLV Lê Huỳnh Đức luôn đốc thúc, quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng cho toàn đội. Để theo kịp với sự phát triển của dinh dưỡng trong bóng đá, ngoài việc đã học ở trường, tập huấn, học ở các lớp tập huấn ngoài VFF, tôi còn thường xuyên nghiên cứu các tài liệu chuyên ngành”, ông Thắng nói.
Bài toán dinh dưỡng và vấn đề kinh phí
Bác sĩ ở một CLB tại V.League cho hay: “Để thực hiện được chế độ dinh dưỡng đảm bảo, có hai yếu tố quan trọng: giáo án của HLV và chi phí. Dinh dưỡng phụ thuộc vào giáo án của HLV. Chẳng hạn, tập phòng gym, tập sức mạnh,… thì nên cung cấp gì. Nếu tập trung vào sức mạnh thì cung cấp protein để giúp phát triển cơ.
Trước thi đấu 3 ngày, trong thành phần thức ăn vẫn có ăn thịt, đa số thịt đỏ như cá hồi, thịt bò. Gần ngày thi đấu bổ sung đường, tinh bộ, rau, củ, quả… Bởi trước thi đấu cần cung cấp cacbonhydrat như mỳ Ý, hạn chế protein vì khó tiêu hóa bởi protein chỉ phát triển cơ chứ không sinh năng lượng. Sau thi đấu bù nước và đường, chuối, các ion… Đó là yếu tố cơ bản.
Còn muốn cụ thể thì phải tính số lượng. Ví dụ một chén cơm bao nhiêu kgcalo thì buổi tập đó tốn bao nhiêu kgcalo để áp dụng cho cầu thủ, trong buổi tập đó họ sẽ ăn những gì để bù lại năng lượng tiêu hao”.
Đó là các yếu tố cơ bản để tạo ra nguồn dinh dưỡng cho cầu thủ. Thế nhưng, để tạo sự đột phá thì cần vào nguồn lực mạnh về kinh tế. “Để thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp thì cần chi phí rất cao. Với kinh phí hiện tại như các đội bóng V.League thì chỉ có thể cải thiện hay làm những gì tốt nhất trong khoảng kinh tế đó. Một suất ăn của một cầu thủ ở V.League dao động khoảng 70 ngàn đồng/bữa thì không thể nào ăn 200 gram cá hồi được, còn chưa kể các thực phẩm khác nữa”, vị bác sĩ đó cho biết.
Chế độ dinh dưỡng cũng có sự khác biệt khá lớn giữa khi lên đội tuyển và trở về CLB. “Ở đội tuyển, trước khi cầu thủ ăn bữa chính thì có một suất phụ, chẳng hạn như khoai tây chiên. Khi họ nạp năng lượng protein đủ rồi thì lúc này khi vào bữa chính, cầu thủ ăn những gì cần thiết cho bản thân. Các cầu thủ ở đội tuyển mỗi buổi sáng uống thêm ly đông trùng hạ thảo, kích thích tiêu hóa, hấp thụ VĐV. Ở CLB sao có kinh phí thực hiện được.
Như ở đội chúng tôi, năm nay, bữa ăn của đội mới được cải thiện đáng kể. Đó là một tuần có 2 bữa bò Mỹ nhập, 1 bữa cá hồi và 1 bữa gà ác hầm thuốc bắc. Chi phí quyết định đến chế độ dinh dưỡng”, vị bác sĩ này nói.
Bên cạnh đó, thói quen ăn uống cũng phần nào tác động đến vấn đề dinh dưỡng của các cầu thủ. “Một điều quan trọng là cần có sự cân bằng giữa hai nhóm thực phẩm. Đó là thực phẩm yêu thích và thực phẩm dinh dưỡng. Mắm dưa, mắm tôm, mắm cá,… thường là thực phẩm yêu thích của cầu thủ Việt. Họ có thể ăn nhưng ở mức hạn chế. Còn đối với thực phẩm dinh dưỡng, nguyên tắc là phải nạp đầy đủ. Và cần đảm bảo cân bằng hai nhóm dinh dưỡng và yêu thích.
Lâu nay, thói quen của cầu thủ Việt thường ăn cơm trắng nhưng thú thật, cùng một khối lượng nhưng hàm lượng kgcalo của cơm trắng không bằng các loại khác như mỳ Ý, khoai tây chiên, cơm ngũ sắc, các loại đậu hấp trộn với cơm…Việt Nam thường chọn cơm trắng là quá thiệt thòi nhưng giá của một chén cơm trắng rẻ hơn rất nhiều so với các loại thực phẩm khác. Giá trị dinh dưỡng gắn liền với tiền.
Tôi muốn thế này, trước khi ăn cơm, mỗi cầu thủ ăn một suất cá hồi 200 gram, ép buộc ăn hết, chưa dọn cơm lên. Khi đó no rồi, các cầu thủ không ăn cơm mà ăn các thực phẩm khác. Nhưng với một suất 70.000 đồng/bữa/người, làm sao áp dụng được. Thậm chí, có mấy đội ở V.League, suất ăn còn thấp hơn 70.000 đồng/bữa/người”, vị bác sĩ này kết luận.
>>> Văn Hậu ăn, luyện ở Hà Lan như thế nào để có cơ thể "nam thần"?
Phương Nam - Pha Lê - Phương Ngọc