“Cầu thủ Việt phải nắm luật, ý thức nghề nghiệp”
Webthethao: Ông nghĩ gì về chấn thương của Đỗ Hùng Dũng sau pha vào bóng của Ngô Hoàng Thịnh ở sân Thống Nhất?
HLV Hoàng Anh Tuấn: Nhìn nhận một cách khách quan, Hùng Dũng có một ngày không may khi thi đấu bị chấn thương. Hình ảnh đó thì truyền thông đã nói hết rồi, tôi không đề cập lại.
Theo ông, tình huống đó là do bản năng cầu thủ hay do một ý đồ nào đó?
- Đó là lối chơi của Hoàng Thịnh chứ không có ý đồ gì cả. Nó giống như trong cuộc sống, chẳng có ai vô lý mà đánh người khác cả. Giữa Dũng và Thịnh không có vấn đề cá nhân gì. Cả hai cùng nhau đá cho ĐTQG, hiểu nhau nhiều mà. Đó là cách chơi bóng của Hoàng Thịnh, là do thi đấu trên mức quyết liệt.
Trước đây, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến nhiều pha vào bóng nguy hiểm gây chấn thương nghiêm trọng như của Anh Hùng, Trần Anh Khoa... Và như ông đề cập, tình huống trên sân Thống Nhất không xuất phát từ ý đồ nào cả. Vậy, tại sao tình huống phạm lỗi nguy hiểm lại tiếp diễn?
- Cầu thủ không ai nắm được hết luật bóng đá: như thế nào là quyết liệt, như thế nào là phạm lỗi…. Khi nắm được luật chơi, họ sẽ không bao giờ vượt quá phạm vi của luật.
Trong công tác huấn luyện, đặc biệt với cầu thủ trẻ, việc giáo dục về bảo vệ đôi chân được chú ý như thế nào?
- Triết lý huấn luyện của tôi là cầu thủ phải chơi quyết liệt, máu lửa nhưng không vượt quá phạm vi luật cho phép. Cùng lúc đó, tôi phải giải thích luật cho cầu thủ hiểu. Ngoài ra còn có tính nhân văn. Họ được giáo dục, được giải thích cặn kẽ thì khi vào thi đấu, họ không bao giờ hành xử kiểu có. Những chấn thương thể thao ngoài ý muốn không thể nói trước được.
Vấn đề giáo dục các cầu thủ ở Việt Nam được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Mỗi địa phương có một cách làm, mỗi HLV có triết lý riêng chứ không thể quy chụp cứ là cầu thủ SLNA mới đá rắn. Khi giải thích với các cầu thủ, phải giải thích như thế nào là máu lửa, như thế nào là ở mức cho phép. Mình phải dẫn luật để họ hiểu. Cầu thủ hiểu rồi, họ không bao giờ có tình huống xảy ra như vậy. Bảo vệ đôi chân của đồng nghiệp cũng là bảo vệ đôi chân của chính mình. Mình đá bậy, đá ẩu với ai khác thì một ai khác cũng sẽ hành xử như vậy với mình.
Thử đặt trường hợp của mình như họ thì như thế nào. Cần giải thích cặn kẽ cho họ hiểu. Tại sao lại có trường hợp cầu thủ phản ứng trọng tài? Gần nhất là thủ môn Cần Thơ. Trọng tài xử lý tình huống đúng luật mà cầu thủ nhảy tới phản ứng trọng tài thì bạn ấy chưa hiểu hết luật bóng đá. Chính bạn không hiểu nên mới hành xử. Nếu hiểu, bạn ấy đã không bao giờ hành xử kiểu đó.
Ngoài chuyên môn cần hướng dẫn vì câu đầu tiên khi vào bóng đá là phải hiểu luật chơi. Bạn hiểu luật chơi, bạn sẽ không phạm luật; thậm chí, nhiều cầu thủ tinh quái còn lách luật. Đó là vấn đề mấu chốt cần suy nghĩ.
Vậy, rất cần thiết để dạy luật cho cầu thủ?
- Đúng! Tại trong hướng dẫn chơi bóng đá, điều đầu tiên là phải biết luật bóng đá. Có những điều luật thường xuyên nhắc lại trên báo chí, truyền thông, như thế nào là nguy hiểm, là phi thể thao, là bạo lực. Mình phải nắm hết. Khi rơi vào tình huống đó, họ phải hành xử đúng mực. Khi hơi vượt qua giới hạn, họ có thể kiểm soát, dừng lại. Bởi đó là vi phạm luật.
Tức là nếu muốn thay đổi, cầu thủ cần biết luật và bản thân cầu thủ ý thức nghề nghiệp của mình?
- Phải có ý thức nghề nghiệp, đặt mình vào trường hợp của cầu thủ bị phạm lỗi thì họ nghĩ như thế nào. Chỉ đơn giản vậy thôi, tất cả mọi thứ sẽ được giải quyết. Hoàng Thịnh không có ý đồ xấu nào cả nhưng cách chơi của bạn ấy quyết liệt quá mức cần thiết. Tình huống đó đâu gây nguy hiểm, đâu dẫn đến bàn thắng cho đối phương. Đó là điều không ai muốn, là một phần trong cuộc chơi. Nhưng chuyện cũng đã xảy ra. Cần cảnh tỉnh ở nhiều thành phần, ở nhiều góc độ khác nhau.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!