Đội bóng “3 không” khuyết tật ở Huế mang sự đặc biệt đến cả trời Âu

thứ năm 8-2-2018 22:59:00 +07:00 0 bình luận
Không khống chế tuổi tác, không quan tâm dạng khuyết tật, không chú trọng kỹ năng. CLB bóng đá “3 không” chắp cánh cho các em hòa nhập với cuộc sống đời thường.

Không khống chế tuổi tác, không quan tâm dạng khuyết tật, không chú trọng kỹ năng. CLB bóng đá “3 không” chắp cánh cho các em hòa nhập với cuộc sống đời thường.

CLB chúng tôi muốn nhắc đến là đội bóng dành cho học sinh khuyết tật của Trung tâm Văn Thể Mỹ TP. Huế.

ẢNH 1 – FULL MÀN HÌNH: Bóng đá là đại sứ của các em không may mắn với thế giới bên ngoài.

Tiếng lành đồn xa

Cuối năm 2007, nhân dịp Hội thao của học sinh khuyết tật do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức ở Quảng Trị, anh Võ Quốc Thịnh được Sở Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo đi tìm nhóm học sinh khuyết tật để tham gia. “Lúc đó đi tìm hiểu thì ở trường Tiểu học Vĩnh Ninh (TP. Huế) có nhóm học sinh khuyết tật dạng khiếm thính. Tìm hiểu nhu cầu thông qua thầy cô thì thấy các bạn rất thích đá bóng. Từ đó, tôi đặt vấn đề về tập một vài buổi để đưa đi tham dự. Khi vào tham gia, tự nhiên trong đầu bất chợt nghĩ, “sao mình không làm một điều gì đó để tập các em đá bóng nhỉ?””, anh Thịnh kể lại.

Thế là, anh Thịnh bắt đầu hỏi kinh nghiệm của các đơn vị tham gia, quan sát cách trọng tài điều hành trận đấu. Sau đó, khi từ hội thao trở về, anh đề xuất với lãnh đạo Sở và Trung tâm Văn Thể Mỹ TP. Huế về việc thành lập đội bóng dành cho những em đặc biệt này. Ngay lập tức, ý tưởng này được ủng hộ.

Tháng 12/2007, đội bóng chính thức được thành lập với 15 em dạng khiếm thính. Cứ duy trì tuần 2-3 buổi, một buổi 2 tiếng, không khống chế tuổi tác, thậm chí có người đã bước qua tuổi 30. Đến 8/2008, Dự án bóng đá cộng đồng Việt Nam (FFAV) hỗ trợ CLB tập luyện chuyên nghiệp hơn và là thành viên của dự án. 

ẢNH 2 - BÊN PHẢI: Các em được hòa nhập ở môi trường gia đình thứ 2 của mình. Nơi có tình yêu thương, sự sẻ chia và vun vén.

Tập luyện cho đội bóng bình thường đã khó, tập cho các em bị khuyết tật càng khó hơn. “Học sinh bình thường thì làm mẫu một lần, còn các cháu khuyết tật, nói chưa chắc đã hiểu nên sử dụng các ngôn ngữ bóng đá. Chẳng hạn, tập động tác này với nhóm này thì cũng phải chạy qua nhóm kia tập động tác đó. Thầy phải thị phạm nhiều lần, sửa sai rất nhiều lần.

Khó khăn nữa là giao tiếp với các cháu. Ban đầu chưa học kỹ năng giao tiếp bằng tay nhưng dần dần thích nghi thì buộc theo các cháu. Mỗi loại hình có cách làm khác nhau. Thay vì điều khiển bằng còi thì các bạn dùng bằng cờ. Các trẻ em thiểu năng trí tuệ thì tập rất nhiều bài tập để tạo sự hưng phấn, tập nhiều các cháu vẫn quên vào ngày mai nhưng quan trọng là sức khỏe, niềm vui và môi trường để sinh hoạt. Đa số các em biết chữ, mình phải vẽ để các em biết được”, anh Thịnh giãi bày.

BOX 1: “Trong lễ khai mạc Hội thao năm 2007, khi hát quốc ca, hình ảnh các cháu học sinh khiếm thính hát bằng ngôn ngữ bằng tay đều răm rắp khiến tôi nổi cả da gà. Suy cho cùng, tất cả các cháu đều cùng được tham gia với xã hội nhưng các cháu không nói được, không nghe được thì các cháu được học những cái để thể hiện tự hào dân tộc bằng ngôn ngữ của riêng các cháu”, nhắc lại hình ảnh này hơn 10 năm về trước, anh Thịnh vẫn nhớ như in khoảnh khắc kỳ diệu đó.

Với đội bóng đặc biệt này, bóng đá không chỉ là công cụ để giúp các em giải trí đơn thuần mà thông qua đó, là kênh để giáo dục các kỹ năng. “Các em thường hay tự ti, mặc cảm về bản thân, còn đối với những trẻ khiếm thính rất cộc tính, nói người khác không nghe thì rất bức bí. Mình làm sao để giúp các em yêu thương nhau, tự chăm sóc bản thân, môi trường. Bởi vậy, sân tập luôn luôn sạch”, anh Thịnh chia sẻ.

ẢNH 3 – CHÍNH GIỮA: Anh Võ Quốc Thịnh, vừa đóng vai trò của người thầy, vừa làm cha để nâng bước các em.

Luôn theo sát, anh Thịnh là người thấu hiểu hơn ai hết nỗi lòng của các em kém may mắn trong cuộc sống. “Các em cũng là con người, khi mình thương yêu thì các em sẽ hiểu. Thực sự, có nhiều em rất ngây ngô, mình phải hiểu vì sao lại ngây ngô. Nhiều em trong đầu như tờ giấy trắng, nói mà không biết nói gì đâu. Mình phải hiểu, gần gũi, dần dần giúp mấy cháu hiểu được. Có những ngày thầy bận chuyện gì ra muộn thì các em không ra đâu, đợi khi thầy đến mới chịu ra sân”, anh Thịnh thấu cảm.

ẢNH 4 – TRÁI: Giọt nước mắt của sự sẻ chia, yêu thương khi không giành chiến thắng.

Tiếng lành đồn xa. Càng qua thời gian, số lượng em tham gia ngày càng nhiều. Không chỉ các em khiếm thính mà rất nhiều em bị thiểu năng trí tuệ, vừa khiếm thính vừa khuyết tật vận động đều được chào đón. Đến nay, số lượng đã lên đến 40 em.

Chắp cánh bay xa

Không chỉ gói gọn hoạt động nội bộ, đội bóng còn thường xuyên tổ chức các giải giao hữu nhỏ, đưa các em đi thi đấu giao lưu ở địa phương khác để tăng sự hòa nhập với bạn bè. Ở các buổi tập, thỉnh thoảng, các em được thu xếp để tập luyện với các bạn bình thường, giao lưu với các bạn sinh viên đại học, cao đẳng. “Nhiều đơn vị, cơ quan ban ngành khi chuẩn bị đá giải rất thích đá giao hữu với mấy em vì các em đá vô tư lắm”, anh Thịnh dịu giọng.

ẢNH 5 – FULL MÀN HÌNH: Những chuyến đi “xuất ngoại” là cả những bài học cuộc đời đầy giá trị với các em.

Tham gia đội bóng, các em cũng thỉnh thoảng “xuất ngoại”. Năm 2009, Liên đoàn bóng đá Na Uy đã mời 10 em sang tham dự giải bóng đá của trẻ em bị thiểu năng trí tuệ ở Na Uy. Đến năm 2012, đội bóng là thành viên của dự án Special Olympic của châu Á Thái Bình Dương. Tại đây, hằng năm, các em được đại diện cho Việt Nam đi dự giải cho trẻ em khuyết tật các nước tiểu vùng song Mê Kong. “Những dịp như thế này giúp ích rất nhiều cho các em. Tất cả được trải nghiệm, sinh hoạt, ăn ở tập thể, di chuyển trên đường, khi về nhà trưởng thành hẳn”, anh Thịnh bày tỏ.

ẢNH 6 – PHẢI: Em Ngô Kỳ Phong (ngồi, thứ 2 từ trái sang) từng đem vinh quang về cho đất nước ở Thế vận hội dành cho người bị thiểu năng trí tuệ.

Các em cũng chứng tỏ rằng, khả năng trong con người là tiềm ẩn dù bị khiếm khuyết một phần cơ thể. Ở Thế vận hội đặc biệt dành cho người thiểu năng trí tuệ thế giới năm 2011 ở HY Lạp, em Ngô Kỳ Phong đã giành HCV nội dung 50m môn điền kinh với thành tích 10 giây 34 còn em Hồ Thị Thùy Linh giành HCĐ ở nội dung 25m nữ. Thế vận hội này được tổ chức quy mộ với sự tham dự của hơn 7.000 VĐV đến từ 180 quốc gia trên toàn thế giới.

Nâng bước vào đời

Tham gia vào đội bóng, các em đã phát triển rất rõ về nhận thức. “Dù chỉ một vài hành động nhỏ nhưng ẩn chứa trong đó là cả niềm vui lớn. Chẳng hạn như đến giờ tập, bạn lớn, khỏe đi vào bưng nước, lấy ly cho các em trong đội. Trong tập luyện, các em lớn giúp thầy tập em nhỏ. Hằng năm tổ chức ngày hội bóng đá vui mời khoảng 300-350 em, các em nòng cốt hỗ trợ rất nhiều, thấy thầy làm thì nhào vào làm liền, trao băng rôn, khẩu hiệu”, anh Thịnh kể.

BOX: Trong đội có anh chàng tương đối yếu thì quy định, đội bạn ghi bàn thông qua người yếu đó mới được tính. Điều này giúp người yếu đó tự tin hơn cũng như tăng khả năng tính tập thể cho các em.

Trong suốt quá trình dài đằng đẳng đó, chưa có em nào chán nản bỏ cả. Tuy nhiên, những em lớn tuổi xin nghỉ để đi xin việc, một số em đi may giày, làm mộc mỹ nghệ,…để kiếm sống. Có em đi làm xa dành dụm tiền và khi về mua đồng phục cho các bạn.

“Tham gia lớp bóng đá giúp cháu hòa nhập được với cộng đồng, không còn mặc cảm, tự ti nữa. Về nhà, cháu cởi mở, thường xuyên trò chuyện hơn với ba mẹ, gia đình. Bây giờ, cháu còn phụ ba mẹ đi làm, bỏ hàng hóa, buôn bán bình thường, nhanh nhẹn, hoạt bát hơn”, Võ Ký Thành, bố của em Võ Duy Hùng không giấu được niềm vui.

ẢNH 7 – FULL MÀN HÌNH: Bóng đá là thiên sứ tình yêu!

Khi nhắc đến, giọng chị Lý, mẹ của em Ngô Kỳ Phong nghèn nghẹn: “Có những ngày mệt, mưa lạnh bảo cháu ở nhà mà cháu không chịu. Tham gia đá bóng, cháu nhanh nhẹn hơn hẳn. Tự chăm lo bản thân, quét nhà, rửa chén bát. Trước đó cũng có nhưng ít tập trung hơn. Giờ thường xuyên tâm sự với gia đình, lễ phép lắm”.

“Đó là môi trường tốt để các em phát triển về trí tuệ, hành vi, ý thức lẫn tinh thần. Tính tự ti, mặc cảm ít đi. Các em đã có sự tiến bộ đáng kể khi có thể tự chăm sóc bản thân, hòa nhập cộng đồng. Nhiều em hòa nhập cuộc sống bình thường, cũng có nhiều em đã lập gia đình”, Giám đốc Trung tâm Văn Thể Mỹ TP. Huế, Trần Văn Phước chia sẻ.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội