Gần một thập niên sa sút của bóng đá Đà Nẵng

thứ hai 8-6-2020 19:29:23 +07:00 0 bình luận
8 năm trôi qua từ ngày đăng quang V.League 2012, bóng đá Đà Nẵng đang chìm trong bóng tối. Vì đâu nên nỗi?

Vòng cuối V.League 2012, SHB Đà Nẵng là đội bóng thất thế cho cuộc đua vô địch. Chỉ cần trận đấu giữa Hà Nội T&T vs Xuân Thành Sài Gòn có thắng có thua, họ sẽ về nhì. Thế nhưng, “anh cả” Hà Nội T&T cầm chân đối thủ, thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức đánh bại V.Ninh Bình để lần thứ hai vô địch V.League.

Đó cũng là ngày tháng đẹp đẽ của đội bóng bên bờ sông Hàn. Họ sở hữu dàn cầu thủ chất lượng, kết hợp giữa “cây nhà lá vườn”, các ngôi sao ngoại tỉnh cùng ngoại binh đẳng cấp. Kể từ thời điểm đó, bóng đá nơi đây tụt dốc không phanh. Họ giành ngôi Á quân 2013, thứ 4 năm 2014 nhưng đến năm 2015, SHB Đà Nẵng rơi rụng xuống tận thứ 9.

Những âm ĩ trước đó khiến SHB Đà Nẵng không còn sự ổn định. Thực tế, trước thời điểm năm 2012, bóng đá nơi đây được “rót” nguồn lực đáng kể. Theo tìm hiểu, có những mùa giải, họ được đầu tư với ngân sách lên đến 70-80 tỷ đồng/năm.

Chính sách mua sắm của SHB Đà Nẵng trong những năm qua có quá nhiều vấn đề.

Sau năm 2012, khi giá trị cầu thủ tăng chóng mặt, nguồn lực đầu tư của đội bóng bên bờ sông Hàn vừa phải với con số ước chừng 50-60 tỷ đồng/năm. Cùng thời điểm này, việc không tìm được tiếng nói chung giữa nhà tài trợ với địa phương khiến bầu Hiển phật ý. Ông cắt luôn lứa U11 và U13 trong một vài năm. Điều này khiến công tác đào tạo trẻ đội bóng gặp khó khăn, thiếu tính kế thừa.

Và khi V.League 2015 khép lại với vị trí thứ 9, SHB Đà Nẵng mới có khởi sắc. Bầu Hiển liền ra lệnh cho thôi việc Phó chủ tịch Trần Minh Toàn mà không đưa ra bất cứ lí do nào. Đây được xem như đòn dằn mặt cho một “bộ máy” đang có dấu hiệu rệu rã ở đội chủ sân Chi Lăng lúc bấy giờ. Song song với đó, sau những cuộc làm việc giữa thành phố và nhà tài trợ, kết quả cuối cùng, thành phố cùng chung tay với đội bóng để xây dựng các tuyến trẻ với ngân sách 20 tỷ đồng/năm. Lứa U11 và U13 được phục hồi. Họ chi mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng để đưa về những tân binh chất lượng như Lê Hoàng Thiên, Diabate…

Ngay lập tức, SHB Đà Nẵng thăng hoa. Họ nằm trong Top 3 và chỉ kém Hà Nội, Hải Phòng đúng 1 điểm ở V.League 2016. Đó cũng là điểm sáng hiếm hoi với thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức. Để rồi, 4 năm qua là thời điểm đen tối với đội bóng này. Họ xếp thứ 9 ở hai mùa giải 2017, 2018; xếp thứ 10 ở V.League 2019 và tạm đứng cuối bảng với 0 điểm sau 3 vòng ở V.League 2020.

Ở SHB Đà Nẵng, ngoại trừ năm 2018 “nhường” ghế cho Minh Phương, Lê Huỳnh Đức là người có tiếng nói quyết định cho vấn đề chuyên môn của đội bóng. Mọi quyết định về nhân sự điều được quyết bởi nhà cầm quân này.

HLV Huỳnh Đức là người quyết định hoàn toàn chuyên môn ở đội chủ sân Hòa Xuân.

Lê Huỳnh Đức có cá tính mạnh. Ông luôn có khoảng cách nhất định với các học trò. Ở SHB Đà Nẵng, nếu Huỳnh Đức số 2 thì không ai là số 1. Cứ thế, những cầu thủ cá tính đều lần lượt ra đi. Anh em Phan Thanh Phúc, Phan Thanh Hưng, Văn Học, Hà Minh Tuấn, Huỳnh Quốc Anh, Võ Huy Toàn, Phạm Nguyên Sa, Giang Trần Quách Tân,… buộc phải tìm đường ra đi hoặc ở lại trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ đều là những cầu thủ định hình được tên tuổi trong làng bóng đá Việt Nam.

Ở chiều hướng khác, với mục tiêu “thay máu”, Lê Huỳnh Đức cũng đã đưa về Đà Nẵng không ít gương mặt mới song, đáng tiếc, đa phần trong số đó không đáp ứng được yêu cầu; cả ngoại binh lẫn cầu thủ nội. Những tân binh nằm trong kế hoạch vực dậy đội bóng đều mang đến thất vọng.

Sau khi bị cắt hai tuyến U11 và U13 trong nhiều năm HLV Lê Huỳnh Đức từng thừa nhận đội 1 SHB Đà Nẵng rất thiệt thòi vì hụt mất nguồn cầu thủ trẻ địa phương trong nhiều năm. Điều này buộc ông phải làm việc với PVF để đưa các cầu thủ về khi mới 18, đôi mươi. Ngoài ra, với nguồn kinh phí không còn dồi dào, HLV Lê Huỳnh Đức mua các cầu thủ từ giải hạng Nhất như Võ Lý, Công Nhật (Huế), Thanh Hải, Nhật Tân, Tài Lộc (Long An), Mai Thanh Nam (An Giang)… hay các cầu thủ ít trọng dụng ở đội bóng khác. 

Chính điều này tạo khoảng trống lớn về mặt lực lượng. Cách mua sắm cầu thủ có phần sai lầm khiến SHB Đà Nẵng trả giá. Không còn nguồn lực quá dồi dào, chiến lược mua sắm cầu thủ có vấn đề. Liệu đây là nguyên nhân chính khiến đội chủ sân Hòa Xuân sa sút?

Phương Ngọc
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội