Các đội bóng V.League đau đầu vì bài toán tài chính phát sinh giữa COVID-19
Theo như Chủ tịch CLB TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Thắng, đội bóng đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19. Vòng 2 V.League 2020 khép lại, đội chủ sân Thống Nhất cho các cầu thủ “xả trại” đến ngày 20/3 sẽ hội quân. Tuy nhiên, do chưa có lịch thi đấu của V.League ở vòng 3, trong khi AFC Cup 2020 công bố hoãn đến tháng 4, CLB TP. HCM cho cầu thủ nghỉ thêm đến ngày (23/3).
Tuy nhiên, một thành viên của đội bóng này cho biết TP.HCM sẽ được nghỉ đến ngày (30/3) mới chính thức tập trung trở lại. Trao đổi với Webthethao về những khó khăn mà TP. HCM đang gặp phải, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng cho biết: “Việc hoãn V.League và AFC Cup 2020, ảnh hưởng trực tiếp về nhiều mặt đối với các đội bóng, trong đó có TP. HCM.
Về vấn đề kinh tế, chuyện 2 vòng đầu không có khán giả, đội bóng bị ảnh hưởng về nguồn thu. Đến thời điểm hiện tại, việc chưa có lịch thi đấu ở các vòng tiếp theo khiến mọi thứ bị động. Khi giải kết thúc muộn hơn dự kiến tiền ăn, ở, lương của cầu thủ chắc chắn sẽ kéo dài thêm, đây cũng là khoản phát sinh đáng kể”.
Cũng liên quan đến vấn đề tài chính, Chủ tịch Sài Gòn FC, Vũ Tiến Thành nói: “Với Sài Gòn FC mùa này, chúng tôi đã dự trù kinh phí đến hết tháng 10, tức là giải V.Leeague 2020 khép lại. Tuy nhiên do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, các khoản chi phí phát sinh, mình phải trả cho cầu thủ ngoài lương, còn ăn ở, kế hoạch di chuyển đảo lộn. Hợp đồng với cầu thủ thì Sài Gòn FC ký từng mùa, hết mùa giải đội sẽ thỏa thuận, tái ký nếu cả hai thống nhất với nhau.
Với ngoại binh cũng vậy, nếu giải không kết thúc vào tháng 10 như dự kiến chúng tôi sẽ phải trả thêm vào tháng 11, tháng 12/2020. Như vậy, quỹ lương sẽ cao lên, vấn đề phát sinh cũng khá khó khăn. Việc tiền lương, thưởng hợp đồng là bảo mật của đội bóng. Nếu thống kê chi phí phát sinh thì kế toán sẽ làm, nhưng trên nguyên tắc thì chi phí sẽ phải bảo mật”.
Ngoài vấn đề khó khăn về tài chính, yếu tố chuyên môn cũng được ông Thành nhắc đến: “Một đội bóng chuyên nghiệp trước một trận đấu phải chuẩn bị rất nhiều thứ: thể lực, điểm rơi phong độ, ăn gì, tập gì. Để duy trì phong độ lẫn sức khỏe là điều khó khăn”.
Không chỉ có các đội ở V.League, nhiều đội bóng ở hạng Nhất như Long An, Bình Định hay Bình Phước cũng gặp tình cảnh tương tự.
Trưởng đoàn CLB bóng đá Bình Định, Nguyễn Công Tâm cho biết: “Tất nhiên mọi thứ có ảnh hưởng từ chuyên môn đến tài chính. Đầu tiên là vấn đề chuyên môn, đội bóng Bình Định FC đã chuẩn bị cho trận khai mạc ngày (14/3). Khi đội chuẩn bị thi đấu, ban huấn luyện phải tính lịch tập như thế nào, chế độ dinh dưỡng ra làm sao để cầu thủ ra sân sung sức và thi đấu tốt nhất.
Giờ đây, tất cả phải điều chỉnh lại. Về mặt kinh tế cũng bị ảnh hưởng một phần. Ví dụ, một ngày trước khi khai mạc giải trên sân nhà, ban tổ chức nói hoãn, chúng tôi phải tạm dừng tất cả.
Dù mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng, chi phí đó tất cả chúng tôi phải chi trả. Lương và chế độ ăn uống của cầu thủ chưa ảnh hưởng gì hết, tất cả được đảm bảo. Tuy nhiên, phí chuyển nhượng Bình Định FC đã thống nhất giãn tiến độ ra, tức là chúng ta chia nhiều đợt để thanh toán với cầu thủ”.