Indonesia rời khỏi LĐBĐ Đông Nam Á trong trường hợp nào?
PSSI “dọa” rời khỏi AFF
Tối 10/7, U19 Indonesia bị loại ở vòng bảng giải U19 Đông Nam Á 2022 khi kém chỉ số đối đầu so với U19 Thái Lan và U19 Việt Nam. Cho rằng, hai đối thủ chơi không đẹp, một ngày sau đó, Hiệp hội bóng đá Indonesia (PSSI) tổ chức họp khẩn.
Tại đây, PSSI cũng hiểu và nhận ra rằng muốn vào bán kết, họ phải trông chờ vào thực lực của họ chứ không thể phục thuộc vào các đối thủ khác.
"Tuy nhiên, PSSI cũng thấy rằng trong trận đấu giữa Thái Lan và Việt Nam, mọi thứ diễn ra không như ý muốn (thiếu fairplay). PSSI không buộc tội, mà chúng tôi chỉ đặt ra nghi vấn”, Chủ tịch PSSI Mochamad Iriawan cho biết.
Ông Iriawan nói thêm rằng, họ không có vấn đề gì với quy định của AFF. Bởi vì, họ hiểu quy định đó. Tuy nhiên, PSSI nhận thấy trong 27 phút cuối trận U19 Thái Lan và U19 Việt Nam có sự bất thường; đặc biệt là tỷ số 1-1, cả hai chỉ chuyền bóng ở hàng thủ và không có ý định tấn công.
''Nếu hai đội chơi hết mình, tôi không có vấn đề gì. Có vẻ như họ không như vậy và điều này làm chúng tôi đau khổ. Đó là lý do tại sao tôi sẽ gửi một lá thư phản đối chính thức tới AFF yêu cầu họ điều tra thông qua Ủy ban kỷ luật AFF.
Hiện tại, nhiều cư dân mạng đang yêu cầu Indonesia rời AFF vì họ nghĩ rằng có một trò đùa ở đây”, Iriawan nói thêm.
Quy định gia nhập AFF
AFF ra đời vào năm 1984. Thời điểm ban đầu, AFF có 6 thành viên và Indonesia là một trong các quốc gia sáng lập. Từ đó đến nay, AFF đã kiện toàn và phát triển các quy định liên quan đến các Thành viên.
Theo đó, Điều 3 của Điều lệ Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) quy định về việc một Liên đoàn/Hiệp hội trở thành thành viên của AFF. Liên đoàn/Hiệp hội gia nhập phải gửi đơn đăng ký kèm theo các quy chế và quy định của Liên đoàn/Hiệp hội tới AFF.
Trong đơn xin gia nhập phải có những cam kết sau: Phù hợp với Điều lệ, Quy chế và Thứ tự thường trực của AFF. Tuân thủ Luật thi đấu do Hội đồng Liên đoàn Bóng đá Quốc tế quy định.
Các thành viên chỉ được kết hợp theo phê chuẩn của Ban chấp hành AFF. Khi hồ sơ đã được chấp nhận, đại biểu của Liên đoàn/Hiệp hội được kết nạp được tham gia ngay vào công việc của Đại hội.
Mỗi Hiệp hội/Liên đoàn sẽ thông báo cho AFF về tên và địa chỉ của người chịu trách nhiệm tiến hành, bằng thư chính thức.
Indonesia rút khỏi AFF trong các trường hợp nào?
Điều 29 chỉ rõ: “Một Thành viên muốn rút khỏi AFF phải thông báo ý định của mình bằng thư đã đăng ký. Điều tương tự có thể được thực hiện nếu được xác nhận bằng một lá thư đăng ký tiếp theo trong vòng ba tháng. Một Thành viên có thông báo rút khỏi sẽ bị mất các đặc quyền và tư cách là Thành viên.
Thông báo rút khỏi chỉ được đưa ra tuyệt đối khi Thành viên đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác đối với AFF và các Thành viên của AFF”.
Điều 30 nêu: “Một Thành viên sẽ không còn là Thành viên của AFF nếu:
Thành viên đó không còn là thành viên của FIFA
Vi phạm trong việc thanh toán hội phí và/hoặc các khoản nợ cho AFF
Vi phạm Quy chế của chính Thành viên và/hoặc của AFF
Thành viên mất vị thế là cơ quan kiểm soát bóng đá ở đất nước của họ
Thành viên cản trở sự tiến bộ của bóng đá trong AFF”.
Một trong các hình thức kỷ luật của AFF được nêu trong Điều 20 là đình chỉ, hủy bỏ tư cách thành viên. Các biện pháp kỷ luật này có thể được áp dụng đối với các Liên đoàn thành viên cũng như các đơn vị liên kết của họ đã vi phạm Điều lệ và Quy chế của AFF hoặc không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình đối với AFF.
Việc đình chỉ và hủy bỏ tư cách Thành viên chỉ có thể được ra theo quyết định của Đại hội thường kỳ hoặc bất thường hoặc trong trường hợp thực sự cần thiết và khẩn cấp của Hội đồng AFF, tùy thuộc vào sự phê chuẩn của Đại hội tiếp theo, việc đình chỉ sẽ có hiệu lực, như đã quy định trong quyết định.
Các Thành viên bị đình chỉ sẽ không được quyền biểu quyết cũng như không được tham gia vào các cuộc thảo luận.