Không thể tắm hai lần trên một dòng sông

thứ bảy 4-4-2015 0:27:01 +07:00 0 bình luận
Có một Công Phượng khác trong màu áo Olympic VN, “Công Phượng đánh trận” chứ không phải “Công Phượng trình diễn”… –

Có một Công Phượng khác trong màu áo Olympic VN, “Công Phượng đánh trận” chứ không phải “Công Phượng trình diễn”…

– Anh à, em thấy nhớ thầy Guillaume Graechen. Nhớ lối chơi kỹ thuật, giàu tính cống hiến của thầy…
– Ừ, triết lý của Miura đã khiến em không còn là em nữa nhỉ?
– Nếu có thể, anh lên tiếng về vấn đề này, nhưng đừng đưa tên em lên báo được không?
– Được chứ…
Bạn đọc của tôi, phải nói ngay đấy chỉ là một cuộc đối thoại giả tưởng mà tôi “vẽ” ra giữa Công Phượng với một phóng viên “ruột” của Phượng (hoặc của cái nơi mà Phượng được trình làng). Theo bạn, một cuộc đối thoại như vậy liệu có không?
Thực tình cá nhân tôi cũng từng được nghe nhiều những cuộc đối thoại như thế, và vì thế tôi không lạ nếu đâu đó dẫn “một nguồn tin riêng” nào đó để “đánh “một ông thầy thậm tệ. Nhưng riêng với trường hợp của Công Phượng và thầy Miura, tôi tin câu trả lời là “không”. Bởi thứ nhất, do quy định của CLB chủ quản và nhận thức của chính mình, Phượng cực kỳ kiệm lời với báo chí. Và thứ hai, tôi tin là cậu bé này đủ khôn để thấy rằng dưới trướng Miura, mình “được” nhiều hơn “mất”.
Dưới trướng Miura, lần đầu tiên trong cuộc đời cầu thủ, Phượng được đá (hoặc “bị” đá cũng chẳng sao) 3 kiểu đấu pháp khác nhau trong 3 trận liên tiếp. Từ chỗ làm át chủ hàng công, có thể thoải mái cầm bóng phối hợp với đồng đội  trong sơ đồ 4-4-2 ở trận ra quân, Phượng phải tập đá thứ bóng đá đơn độc trong sơ đồ 5-4-1 ở trận gặp Nhật Bản và sau đó lại phải thực hiện vai trò “làm tường – nhả bóng” trong sơ đồ 3-4-3 ở trận gặp Macau. Nó khác và khác rất nhiều so với cái sơ đồ tấn công, cống hiến trước gần như mọi đối thủ và mọi hoàn cảnh mà Phượng từng tham gia trong màu áo U.19 VN 2 năm về trước. Nói “gần như” là bởi hồi ấy cũng có lúc U.19 VN đá thủ và sơ đồ 4-4-2 được “xoay” thành 4-5-1 nhưng  nhìn tổng thể thì đấy là điển hình của một đội bóng tận hiến với bóng đá tấn công duy mỹ.
Trong 3 trận đánh mà Phượng cùng các đồng đội ở Olympic VN vừa trải qua, tôi đặc biệt chú ý tới trận cầu tử thủ trước người Nhật. Đấy chắc chắn là lần đầu tiên trong đời Công Phượng biết thế nào là bóng đá tử thủ. Câu hỏi đặt ra: Phượng khó chịu hay thích thú với tư tưởng tử thủ ấy? Xét về mặt cảm xúc, chỉ riêng cậu ấy biết câu trả lời. Nhưng xét ở góc độ chuyên môn, từ những gì quan sát được thì câu trả lời là Phượng tham gia vào lối chơi này một cách tận tình, hiệu quả. Nói rõ hơn, Phượng tích cực trở thành hậu vệ đầu tiên của Olympic VN ngay từ khi quả bóng được chuyển sang nửa sân đội nhà. Và cậu cũng tích cực cầm bóng đột phá trong hiếm hoi những lần có cơ hội phản công. Cậu làm tất cả những điều ấy một cách tận tâm – phải nhấn mạnh như thế, chứ không cau mày, không nhăn mặt, không mảy may than vãn. Cá nhân tôi thực sự đánh giá cao Công Phượng ở  điểm thứ hai này.
Vẫn liên quan tới trận cầu tử thủ, có người bảo: U.19 VN từng đá sòng phẳng với U.19 Nhật Bản, vậy tại sao Olympic VN lại phải chơi co cụm, yếu đuối thế này? Rồi người ta lý luận rằng đá kiểu gì cũng thua, vậy chẳng thà đá đôi công có sướng hơn không? Vậy thì xin thưa, từ U.19 đến Olympic là 2 cấp độ phát triển rất  khác nhau. Và có một chi tiết đáng chú ý, trong khi nhiều cầu thủ U.19 VVN được chọn vào Olympic VN thì với người Nhật, nhiều cầu thủ U.19 vốn được nhận diện là tài năng triển vọng nhưng chưa có cơ hội khoác áo Olympic. Người Nhật có quá nhiều lựa chọn tài năng. Và nữa, vấn đề không chỉ là chuyện thua mà là thua bao nhiêu bàn, vì Olympic VN phải so đọ chỉ số phụ với các đối thủ.
Là một nhà cầm quân đánh trận, HLV Miura hiểu rõ điều này. Là một cầu thủ đánh trận, Công Phượng cũng phải nhận thức rõ điều này. Vậy thì đá tử thủ, hạn chế bàn thua là đúng quá còn gì. Tới đây, có thể kết luận: Công Phượng dưới bàn tay của HLV Miura là một “Công Phượng đánh trận” chứ không phải một “Công Phượng trình diễn” như dưới bàn tay HLV Guillaume Graechen năm ngoái.
Bạn à, tôi tuyệt đối không có ý so sánh giữa Miura với Guillaume đâu nhé, bởi thực tế mỗi người có một triết lý khác nhau và phù hợp với từng giai đoạn phát triển khác nhau. Vấn đề đơn giản  là Công Phượng và những cậu bé như Phượng sẽ chỉ lớn lên nếu tiếp tục được học cách đánh trận, và phải tìm được nguồn cảm hứng đánh trận, thay vì cứ mãi tiếc nhớ, vấn vương cái kiểu bóng đá trình diễn hồi nào. Phải mở thêm một cái ngoặc để thấy rằng đừng nói đến Arsenal JMG, ngay cả Arsenal “xịn” của ông Wenger trong những năm gần đây cũng đã và đang phải học cách tiết chế yếu tố trình diễn để tăng cường yếu tố thực dụng trong những trận đấu lớn.
Chốt lại, tôi tin Công Phượng hiểu vấn đề. Còn nếu niềm tin của tôi là sai, nếu Công Phượng và cả cấp trên của Công Phượng cứ mãi tiếc nhớ “dòng sông U.19” thì lúc ấy có lẽ câu nói của nhà triết học Heraclitus sẽ là một sự nhắc nhở tối ưu:
Đời người, không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông!
Vâng, không ai cả!

PHAN ĐĂNG

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội