Kiếm tiền từ những tour du đấu: Bài toán khả thi của xứ Nghệ
Nghệ An là tỉnh rộng nhất cả nước, chưa kể Hà Tĩnh vẫn xem SLNA là niềm tự hào. Đó là điều kiện lý tưởng để đội bóng xứ Nghệ tính toán nếu làm một cách chuyên nghiệp khi thực tế chứng mình các trận đấu theo kiểu biểu diễn, giải “cơn khát” bóng đá của SLNA luôn rất thành công, thu hút được khán giả và tạo ra ảnh hưởng lớn.
Tổ chức tour thi đấu để phục vụ bà con và kiếm tiền, điều đó có tính khả thi cao. Bởi trong năm 2015, ở trận đấu do CLB Family No.1 mà nòng cốt là các cầu thủ SLNA tổ chức ở huyện Đô Lương, số tiền bán vé và ủng hộ của khán giả là gần 200 triệu. Số tiền này nếu so với doanh thu bán vé trung bình một trận đấu V.League trên sân Vinh là 80 triệu đồng thì đã thấy được sự chênh lệch lớn. SLNA có sức hút rất lớn ở ngay tại địa phương và nếu cứ luân phiên tổ chức ở hơn 20 huyện, thị của Nghệ An thì doanh thu hàng năm của đội bóng xứ Nghệ có thể tăng thêm gần chục tỷ bạc.
Cũng trong năm 2015, các cầu thủ xứ Nghệ đã tổ chức du đấu ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. 2 trận đấu này đều “suýt vỡ” vì số lượng khán giả quá đông. Thực tế cho thấy, SLNA được yêu mến, không chỉ ở Nghệ An mà còn nhiều địa phương khác. Doanh thu từ mỗi trận đấu nói trên, dù nhiều thứ chỉ là tượng trưng, cũng đến cả 100 triệu đồng và số tiền này đều được gửi cho địa phương làm từ thiện.
Từ những “cơn sốt” mà cầu thủ xứ Nghệ tạo ra, nếu xem xét một cách nghiêm túc việc du đấu để kiếm tiền, SLNA hoàn toàn có thể làm được. GĐĐH Hồ Văn Chiêm là người ấp ủ kế hoạch này từ lâu lắm rồi nhưng mới chỉ thực hiện được ở dạng manh nha, như cho cầu thủ trẻ đi du đấu hoặc lâu lâu là đội 1 nhưng chủ yếu là làm từ thiện.