Mở lớp bóng đá cộng đồng: Cứu cánh cho các nữ cầu thủ sau giải nghệ
Nếu như ở nước ngoài, sự quan tâm hay làm bóng đá cộng đồng, bóng đá học đường không còn mới mẻ và họ đã làm từ cách đây hàng vài thập kỷ thì, câu chuyện này mới nhận được sự chú ý ở Việt Nam. Khoảng hơn nửa thập niên trở lại đây, phong trào làm bóng đá cộng đồng ở nước nhà mới được chú trọng. Đặc biệt, sau những thành công của thầy trò HLV Park Hang-seo, các lớp bóng đá cộng đồng phát triển hơn.
Thành công trong việc đào tạo nên những ngôi sao trẻ của Học viện HAGL - JMG và sau đó là của lứa U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018 giúp bóng đá trẻ được quan tâm đặc biệt.
Ngày càng có nhiều trung tâm bóng đá trẻ, bóng đá cộng đồng được thành lập với sự hợp tác, hỗ trợ hay của chính các ngôi sao bóng đá tên tuổi trong nước. Với không ít nữ tuyển thủ, bóng đá cộng đồng hay bóng đá học đường được xem là cứu cánh cho cuộc sống sau khi giải nghệ.
Chuyện các nữ cầu thủ thất nghiệp, sống không quá dư dả sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu vốn không còn lạ. Không giống đồng nghiệp nam, các cầu thủ nữ thường bế tắc và có ít lựa chọn công việc bên ngoài bóng đá. Những người may mắn thì được địa phương tạo điều kiện giữ lại CLB, trung tâm để huấn luyện cầu trẻ hay làm trợ lý HLV. Người kém may thì phải tự tìm những công việc khác khó khăn hơn để lo toan cuộc sống riêng.
Tuy nhiên, lúc này, họ có thêm lựa chọn. Đó là tiếp tục gắn với trái bóng qua công tác đạo tạo trẻ ở những mô hình tự phát. Có những người tự hùn vốn mở trung tâm, có người làm theo diện làm công ăn lương cho một trung tâm nào đó và cũng có người được những mạnh thường quân đứng sau hỗ trợ tài chính hay cậy nhờ tên tuổi… Đây là công việc mà các cựu cầu thủ nữ có thể làm được một cách tốt nhất, một phần từ chuyên môn sẵn có và một phần vì tình yêu với trái bóng tròn.
Trong số đó, nữ tuyển thủ Đỗ Ngọc Châm đang tạo tiếng vang. Sau khi giải nghệ, hoa khôi của ĐT nữ Việt Nam kết hợp với nhiều cựu đồng nghiệp nam mở các trung tâm bóng đá thiếu nhi khác nhau. Ngọc Châm đang tự mình đảm nhiệm trung tâm bóng đá CFF ở khu vực Tây Hồ. Danh tiếng, tài năng và sự khéo léo trong việc ngoại giao giúp Ngọc Châm đạt được những thành công đáng kể ở lĩnh vực này.
Cựu tiền vệ Minh Nguyệt sau khi giải nghệ cùng chồng lập ra trung tâm bóng đá Shine Football. Bên cạnh việc giảng dạy bộ môn thể dục ở một trường Đại học tại Hà Nội, cô cũng rất tích cực mở rộng và chăm sóc trung tâm bóng đá. Hiện trung tâm Shine Football của cô thu hút khoảng 500 em thiếu nhi ở khu vực Hà Đông, Hà Tây tham dự các lớp bóng đá với đủ lứa tuổi.
Cựu Qủa bóng Vàng Việt Nam Văn Thị Thanh đang trực tiếp đào tạo đội U16 VFF cũng khá tất bật với Trung tâm bóng đá cộng đồng – Văn Thị Thanh ở khu vực Phủ Lý (Hà Nam). Sau những ngày đầu vất vả, trung tâm của cựu tuyển thủ ĐT nữ Việt Nam dần có chỗ đứng. Cô không chỉ tạo nên một địa chỉ sinh hoạt và tập luyện bóng đá của các cầu thủ nhí mà còn tạo cơ hội, hỗ trợ cho các nữ đồng nghiệp cũ ở CLB PP Hà Nam có thêm công việc, cải thiện thêm thu nhập vốn luôn eo hẹp.
Bên cạnh những gương mặt điển hình ấy, hàng loạt các cựu nữ cầu thủ khác cũng đã và đang tích cực tham gia vào phong trào làm bóng đá cộng đồng, bóng đá học đường. Đó là Đào Thị Miện, Nguyễn Thị Hòa, Bùi Thị Như, Thúy Nga hay hai nhà vô địch SEA Games 30 vừa giải nghệ là Vũ Thị Nhung, Nguyễn Thị Xuyến… Dẫu khó khăn vẫn còn khi thu nhập từ việc giảng dạy ở các trung tâm cũng chưa thật cao (khoảng 200.000-500.000 đồng/buổi, đa phần chỉ dạy hai buổi cuối tuần) nhưng cuộc sống hậu bóng đá giúp họ ổn định hơn về cuộc sống.
Với những nữ HLV trẻ này, mong muốn lớn nhất vẫn là được tiếp tục cống hiến, đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Thời tung hoành trên sân cỏ của họ đã qua nhưng tình yêu với trái bóng, khát vọng thành công từng ngày được truyền cho lớp trẻ. Tất cả đều hy vọng sẽ phát hiện được những mầm non tài năng để giúp bóng đá nước nhà tiếp tục vươn xa trong tương lai.