Ống suy ngẫm: Đừng biến mình thành con kén
A Life Too Short (Tạm dịch: Một số phận yểu mệnh) là cuốn sách xuất bản năm 2012, do Ronald Reng viết về Robert Enke, thủ thành người Đức và là bạn của tác giả, người đã quyết định chọn cách sang thế giới bên kia đầy đau đớn: gieo mình trước đoàn tàu cao tốc đang lao đến năm 2009.
Reng thường xuyên theo dõi Enke trong giai đoạn đầu sự nghiệp của thủ thành này tại Monchengladbach và Benfica, nhưng hai người phát triển mối quan hệ lên mức tình bạn khi cả hai sống tại Barcelona năm 2002.
“Khi sự nghiệp của anh ấy kết thúc, Robert cuối cùng cũng có thể nói về căn bệnh của mình” – lời trong cuốn sách của Reng, và thật nghiệt ngã, nó đã lột tả hết sự cô đơn của Enke nói riêng và những thủ môn trong thế giới bóng đá nói chung. Sau sự ra đi gây sốc của Enke, hầu hết đều đưa ra chung một lý do là tâm hồn thủ thành này bị tổn thương sâu sắc và anh rơi vào tình trạng trầm cảm sau cái chết của cô con gái bé bỏng Lara năm 2006.
Tuy nhiên, trong Một số phận yểu mệnh, Reng cho dư luận có cái nhìn sâu hơn. “Thủ môn, pháo đài cuối cùng của hệ thống phòng ngự, trong nhận thức của xã hội không thể là một người trầm cảm. Do vậy Robert đã gồng mình để giữ kín bí mật bị trầm cảm của mình. Anh ấy tự nhốt mình trong bệnh tật. Do vậy bây giờ tôi phải kể câu chuyện về Robert mà không có anh ấy”.
Enke có trận đầu tiên cho Barca trong khuôn khổ Cúp nhà Vua, trong trận gặp đối thủ hạng 3 Novelda. Barca trong trận đấu đó đã thua 2-3, và đội trưởng Frank de Boer gào lên từ vòng tròn giữa sân, đổ lỗi 2 trong số 3 bàn thua vì Enke trong khi “Robert đứng đó, khuôn mặt nhợt nhạt, đôi mắt cụp xuống và không nói lời nào”. Sau đó De Boer cho rằng lời của mình bị trích dẫn sai, nhưng không bao giờ xin lỗi đồng nghiệp người Đức. “Anh ấy bị quẳng vào giữa bầy sư tử”, Victor Valdes, thủ môn số 1 của Barca khi đó nói.
Enke thời gian tiếp theo chỉ có 2 trận tại các trận đấu vô nghĩa thuộc vòng bảng Champions League, và dần nhận thấy bị các thành viên BHL người Hà Lan tẩy chay. Sự căng thẳng vì suy nghĩ làm thế nào để có vị trí và nỗi sợ hãi những lời nhạo báng và đánh mất niềm tin của HLV càng khiến Enke như một con kén, thu mình vào trong cái vỏ sợ hãi, lo lắng.
Mặc dù Reng cho rằng, không thể đổ hết lỗi cho bóng đá đã đẩy Enke vào bệnh tật nhưng có thể hiểu sự khắc nghiệt mà một thủ môn phải chịu đựng. Họ là những kẻ cô đơn giữa 2 cột gỗ, luôn sống trong áp lực với vô vàn câu hỏi. “Trong đầu tôi luôn lởn vởn vô số câu hỏi”, Edwin van der Sar từng chia sẻ. “Tôi có thể làm điều đó không? Tôi có thể đáp ứng như kỳ vọng hay không? Tôi có thể giữ sạch lưới không? Liệu tôi có giúp gì được cho đội bóng của mình không?”
Cuộc sống gia đình, công việc thường nhật luôn tạo ra sức ép đôi lúc khiến mỗi người căng thẳng. Câu chuyện của Enke, của những thủ môn như một thông điệp; cần biết cách giải tỏa áp lực thay vì làm con kén.
Q. NGUYÊN