Sau ánh hào quang World Cup bóng đá nữ Việt Nam: Khát vọng và giấc mơ dang dở của Liễu

thứ hai 14-2-2022 6:01:25 +07:00 0 bình luận
Những giấc mơ dang dở của cựu tuyển thủ QG Nguyễn Thị Liễu đã được đàn em viết tiếp. Thế nhưng, sau ánh hào quang World Cup là những câu chuyện vượt qua nghịch cảnh với bóng đá nữ Việt Nam.

NHỮNG KHÁN ĐÀI KHÔNG KHÁN GIẢ 

16h30 chiều một ngày hè năm 2019, thời điểm hai đội nữ Thái Nguyên và Sơn La bước ra sân tranh tài ở giải vô địch quốc gia cũng đúng lúc nắng nóng tại Hà Nam lên tới đỉnh điểm, với độ ẩm cực cao. Dù đã chuẩn bị tinh thần trước song dường như các cô gái đá bóng vẫn choáng ngợp trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Mới qua mươi phút cố gắng đua tài, hầu hết các cầu thủ đã xuống sức, một số chỉ còn có thể đi bộ trên sân, thậm chí đứng nguyên ở vị trí của mình. Rất bi hài vì bóng gần như chỉ lăn qua lăn lại ở nửa dọc sân có bóng mát. Cả hai đội thực sự không đủ sức để thi đấu, liên tiếp có những đường chuyền hỏng, phá bóng sai. 

Sơn La có chiến thắng lịch sử đầu tiên ở giải VĐQG trước Thái Nguyên vào một ngày hè như thiêu, như đốt vào năm 2019.

Những nữ cầu thủ với nền tảng thể lực, chế độ dinh dưỡng còn hạn chế thay nhau nằm sân vì bị chuột rút, hay kiệt sức sau một pha va chạm nhẹ nhàng. Cũng chính từ một pha tranh chấp bằng đầu, một cầu thủ ngất xỉu, phải nhờ đến xe cứu thương.

Kết thúc một cuộc chiến trong nắng nóng, các cô gái đến từ hai đội bóng được đánh giá yếu nhất giải suy kiệt, mệt lả tới mức nói không thành hơi, và chẳng hiểu sẽ có thể hồi phục thế nào cho những trận cầu sắp tới, với toàn đối thủ mạnh.

Như thừa nhận của cầu thủ Lèo Thị Hương (đội nữ Sơn La), việc gồng mình gắng sức đá một trận cầu trong cao điểm nắng nóng như vậy còn khổ và khó bằng ba bốn trận cộng lại.  

Có theo dõi cuộc đấu giữa hai đội bóng miền Núi này mới càng thấy cảm phục và cũng thương những nỗ lực của các cô gái đá bóng. Càng cảm thương hơn bởi họ đã phải cắn răng tranh tài trong một trận cầu không có khán giả. Nói chính xác hơn, trên khán đài cũng có khoảng vài chục người, đã tính cả thành viên của Ban Tổ chức và các đội dự giải. 

Nếu quan sát từ xa, đây hệt như một buổi tập luyện hay trận đấu của đội nữ phong trào ở một địa phương xa xôi nào đó, chứ không phải một trận cầu chính thức của giải VĐQG.

Không khí náo nhiệt của giải chỉ có ở ngày khai mạc, khi có đội chủ nhà Hà Nam. Như ví von đầy cay đắng cúa HLV trưởng Lường Văn Chuyên, các đội bóng đá nữ đã quá quen với cảnh không khán giả, chẳng sự quan tâm, và chỉ còn biết nhìn nhau mà cố gắng. 

"PHẬN SỐ" CUỘC ĐỜI VÀ TRÁI BÓNG CỦA LIỄU

Tài năng và nghị lực. Mạnh mẽ rắn rỏi mà duyên sáng nữ tính. Tỏa sáng trên sân cỏ nhưng bất hạnh, truân chuyên trong đời thường. Nguyễn Thị Liễu, tiền vệ có tên rất con gái song lại gắn với môn thể thao đàn ông chính là một “phận số” điển hình cho vinh quang và cay đắng của cho một nữ cầu thủ Việt Nam. 

Nguyễn Thị Liễu trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời và giấc mơ dự World Cup với cô dang dở khi còn xỏ giày thi đấu.

Sinh năm 1992, nhà nghèo, thiếu đi tình thương của người cha ngay từ khi mới lọt lòng, mẹ thường xuyên phải đi làm để có thể lo cho gia đình, Liễu lớn lên trong sự bao bọc của bà ngoại. Hồi 11, 12 tuổi, Liễu hay chơi đá bóng ở làng với tụi con trai. Mẹ biết được nhất định ngăn cản, thậm chí còn đánh đòn. 

Thế nhưng do quá mê trái bóng, Liễu cứ lén lút đi đá. Năm 14 tuổi, Liễu lại trốn mẹ đi tuyển sinh bóng đá ở xã. Khi tin Liễu đậu đến tai mẹ Liễu, bà nhất quyết cản bởi cho rằng con gái mà đá bóng thì rất khổ và lại bà lo Liễu còn nhỏ, phải đi ăn ở tập trung xa nhà không thích ứng được. Cuối cùng trước quyết tâm cùng những giọt nước mắt của Liễu, bà đành phải gật đầu chiều con gái, rồi sau này hết lòng ủng hộ.

Cũng như các đồng nghiệp khác của đội Hà Nam, ngày hai buổi Liễu xỏ đôi giày cũ đội mưa nắng ra sân, ăn ở luôn dưới gầm SVĐ nóng ẩm. Mức thu nhập cô nhận được một thời gian dài vỏn vẹn 1,5 triệu đồng/tháng. Sau đó, Liễu lên tuyển quốc gia, thua nhập mới tăng lên.

Cách đây 10 năm, khi sự nghiệp của Liễu bắt đầu lên cao thì mẹ cô bất ngờ phát hiện mắc bệnh ung thư vú. Biết mẹ bị bệnh, Liễu và chị gái tích cóp từng đồng chạy chữa cho bà nhưng rồi sau 1 năm, căn bệnh quái ác cũng đã cướp đi người thân yêu nhất của họ. 

Đầu năm 2013, khi đang tập trung cùng ĐT nữ Việt Nam tại trung tâm đào tạo trẻ VFF, cô nhận được tin mẹ ở quê đã qua đời. Vội vã trở về trong nỗi đau tận cùng, chịu tang mẹ 3 ngày, tưởng như không đủ sức chiến đấu trên sân cỏ nhưng với sự động viên của mọi người, Liễu lại rời quê hương, theo chân đồng đội sang tận Tây Á thi đấu vòng loại Asian Cup 2014. 

Đó là khoảng thời gian khi ban ngày Liễu lao vào tập luyện không biết mệt mỏi cùng đồng đội nhưng cứ đêm về cô lại lủi thủi ngồi khóc một mình vì nỗi nhớ và thương mẹ. Trong trận mở màn dù được ưu tiên chỉ đóng vai dự bị song Liễu đã chủ động xin ra sân bởi muốn có một bàn thắng tặng cho người mẹ thân yêu. 

Và như được mẹ phù hộ, chính Liễu với quyết tâm cùng nỗ lực cao độ đã ghi được bàn thắng tuyệt đẹp ở đúng phút 45 vào lưới chủ nhà Bahrain. Sau pha lập công, cô gái có dáng người nhỏ nhắn quỳ xuống sân cỏ, ngước mắt lên trời cao, trong hai dòng mắt cứ tuôn rơi. 

Cũng vì để mẹ yên tâm, cuối 2012, Liễu đã quyết định lập gia đình. Tưởng như cô đã tìm được bến đỗ bình yên thì những khó khăn cứ luôn bủa vây, cho dù bản thân Liêu đã đầy cố gắng. Sau 4 năm, cuộc hôn nhân kết thúc, và Liễu phải đối mặt với thử thách khắc nghiệt mới. 

NHỮNG SƠN NỮ ĐÁ BÓNG VỚI MỨC THU NHẬP 1 TRIỆU ĐỒNG 

Riêng với nghiệp cầu thủ, xem ra Nguyễn Thị Liễu vẫn còn may vì thuộc diện một số rất ít có danh, có số, trở thành tuyển thủ quốc gia được tập huấn thi đấu, có những trải nghiệm chiến thắng. Đơn giản nhất, Liễu có thêm chế độ tuyển thủ, tiền thưởng, với mức khoảng 10 triệu đồng/tháng để trang trải cuộc sống, dù chỉ một cách tương đối nhất có thể. 

Đội nữ Thái Nguyên từng long đong khi nhiều cầu thủ bỏ bóng đá đi làm công nhân.

Phần đông còn lại, các cô gái quần đùi áo số quần quật cả thời son trẻ, gửi cả môi son má hồng cho nắng, cho gió mà thu nhập thấp đến khó tin. 

Cao nhất như các thành viên đội bóng của một vài địa phương có điều kiện hay được doanh nghiệp tài trợ như Hà Nội, TP.HCM hay Than Khoáng sản Việt Nam, trung bình cũng chỉ ở mức 5-7 triệu đồng/tháng. 

Riêng với đội bóng đá nữ Thái Nguyên, các sơn nữ đá bóng từng chỉ có mức tiền ăn, tiền công còn thua xa... người giúp việc. Ngay lãnh đạo thể thao tỉnh, khi nhắc đến mức 160 nghìn đồng mỗi ngày mà các cầu thủ nhận được, cũng phải rơi nước mắt vì nó quá thấp. Vì tỉnh khó khăn, lại không có nhà tài trợ, nên ngành thể thao cũng đành bó tay và các cầu thủ thì cứ mãi chịu khó chịu khổ. 

160 nghìn đồng đã bao gồm 100 nghìn tiền ăn và 60 nghìn đồng tiền công tập luyện, không tính hai ngày cuối tuần. Các cô gái đa số đều xuất thân từ những vùng quê nghèo, quyết tâm dùng bóng đá để không chỉ thỏa đam mê, có một công việc mà còn  giúp đỡ gia đình.

Dù vậy, họ đã không thể làm được gì với số tiền ít đến mức thảm thương ấy. Có tiết kiệm, chắt bóp kiểu gì, mỗi người cũng chỉ có nổi 1-1,3 triệu đồng/tháng, chỉ sắm thêm bộ quấn áo, đi đám cưới, bắt xe về quê, đã hết tiền. 

Thế nên ở đội bóng miền núi này mới từng xảy ra những câu chuyện “thương vô cùng”. Một số cầu thủ quá nản xin chia tay hẳn để đi làm công nhân các khu công nghiệp, có thể kiếm được 6-7 triệu đồng/tháng, cao gấp mấy lần “lương bóng đá”. Một số khác, đông hơn, xin nghỉ thời vụ, hay nghỉ nửa ngày để đi làm thêm ở ngoài, có thêm đồng ra đồng vào. 

Họ chỉ thực sự tập trung hết cho bóng đá ở thời điểm chuẩn bị dự tranh giải vô địch quốc gia thường niên, với hai vòng cách xa nhau cùng số trận đấu đếm trên đầu ngón tay. Như nhẩm tính đầy trăn trở của HLV Đoàn Việt Triều, chỉ trong 3 năm (2016-2019), đã có tới 20 cầu thủ dứt áo cầu thủ đi làm công nhân. 

GIẤC MƠ WORLD CUP VÀ KHÁT VỌNG THAY ĐỔI

Nhìn vào xuất phát điểm cùng nền tảng khốn khó, và gần như không đổi khác gì trong suốt 2 thập kỷ như vậy mới thấy những “đỉnh cao” mà các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam giành được phi thường đến nhường nào.

Có lẽ những kỳ tích như 6 tấm HCV SEA Games, 5 lần vô địch giải Đông Nam Á, một lần lọt vào Top 4 Asiad và mới nhất là giành tấm vé dự World Cup 2023 cũng chỉ thể hiện phần nào. Bởi phía sau đó còn là hành trình vượt khó, chịu khổ, là sự khát khao và nỗi niềm cay đắng, thua thiệt của  

Giấc mơ World Cup của Liễu đã được viết tiếp bởi những đồng đội và "đàn em" ở tuyển Việt Nam.

Nguyễn Thị Liễu đã từng muốn chia tay sân cỏ vì nhiều lúc thấy cực quá, vì muốn tìm kiếm cho mình một cuộc sống đơn giản, bình dị, nhẹ nhàng. Thế nhưng hóa ra, với cô, bóng đá còn hơn cả một tình yêu, một niềm đam mê, một nhịp sống, mà như tâm sự thì “chỉ mỗi khi được chạy theo trái bóng, mới thấy được sống đúng với bản thân mình”. 

Và điều Liễu sợ nhất là không còn đủ sức khỏe, tuổi xuân để theo đuổi bóng đá “số phận cay đắng nhưng cũng ngọt ngào” của mình. Cuộc đời cơ cực và nhiều éo le, song mỗi khi ra sân, nhất là được khoác lên mình chiếc áo Tuyển quốc gia tại các giải quốc tế, Liễu lại thấy mình khác hẳn.

Liễu cùng nhiều đồng đội đau đáu giấc mơ cháy bỏng giành quyền tới World Cup 2022, từng một lần để vuột đáng tiếc. Liễu không còn đứng trong hàng ngũ đội tuyển quốc gia nhưng “đàn em” của Liễu đã thay cô viết tiếp giấc mơ dang dở đó với tấm vé dự World Cup tại Australia và New Zealand vào năm sau. 

Giấc mơ và nỗi mong ấy có thể được khởi nguồn từ một bãi cỏ vùng cao ở Sơn La, nơi những cô bé người Mường, người Thái mê mải đua tranh một trái bóng. Hay chính đội bóng miền núi này mà chuyện chỉ ghi được một bàn thắng trong cả giải vô địch quốc gia đã là niềm hạnh phúc vô bờ. 

Nó cũng hiển hiện ở những căn phòng ở cũ kỹ, ẩm thấp dưới hầm SVĐ tỉnh Hà Nam, hay sân tập như cấp làng xóm ở Thái Nguyên.

Ngay cả đội Thái Nguyên từng khốn khổ nhất, 20 cầu thủ có độ tuổi từ 14 đến 29 vẫn tự an ủi nhau rằng, rồi một ngày nào đó đội sẽ phất lên, bóng đá nữ sẽ phất lên.

Họ động viên nhau cùng cố gắng, cùng tập luyện và thi đấu vì đam mê để quên đi những sự thiếu thốn, thua thiệt về điều kiện tưởng như chỉ có ở vài thập nhiên trước, thu nhập còn thua cả… người giúp việc. 

Động lực giúp cả đội “chiến đấu” hóa ra lại đến cả từ tình yêu và sự gắn bó hồn nhiên của những cầu thủ đã “bỏ” bóng đá để làm công nhân, mà hễ đến khi đấu giải lại quay về xin được tập luyện, thi đấu cho đội. 

Với giấc mơ World Cup, hay thay đổi bóng đá nữ, đó là tình yêu, sự xả thân, vượt lên của các cầu thủ, của những người làm bóng đá. Và giấc mơ ấy đã trở thành sự thật.

Giờ đây, tất cả chờ đợi một chiến lược đầu tư bài bản cùng sự chung tay, vào cuộc từ các nguồn lực xã hội để World Cup là câu chuyện thường xuyên hơn khi cánh cửa đã rất rộng mở với bóng đá nữ Việt Nam.

Vân Vân
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội