Cafe 24h: Sợ nhất là vô cảm
“Đề nghị ông Miura về Nhật, xin cảm ơn! Ông về Nhật làm BLV bóng đá, ở Việt Nam không cần ông. Tôi nói thật lòng đó, Sir Miura”.
“Miura ơi, hãy chọn lối chơi kỹ thuật và phối hợp nhỏ. Bầu Đức ơi, chúng tôi luôn ủng hộ ý kiến bầu Đức”.
“Tôi yêu CP10, bóng đá đẹp”. “Chiến thắng cùng nhau, U.23 VN – HA.GL”. “Tuấn Anh, I love you”…
Những dòng chữ nghệch ngoạc trên những tờ giấy viết vội, họ chăng trên khán đài sân Gò Đậu. Những “CĐV chân đất”, họ cố gắng thể hiện tình cảm của mình và muốn gửi đi những thông điệp.
Có thể hiểu, đó như là sự phản đối với HLV Miura, dù không đại diện cho tất cả mà chỉ là tiếng nói của một bộ phận nhỏ khán giả. Tất nhiên, không phải ai cũng ủng hộ, đồng tình với những gì một số CĐV giăng lên ở Gò Đậu, trong cách gửi thông điệp đến ông thầy người Nhật, khi U.23 VN đang chuẩn bị cho VCK U.23 châu Á.
Nhưng có một sự thật, U.23 VN của HLV Miura không được ủng hộ của số đông như đáng lẽ phải thế, trong trận đấu tập với B.Bình Dương. Và một số CĐV, những Thượng đế đến sân và có quyền bày tỏ tình cảm, ý kiến của mình theo cách tự nhiên nhất đã thể hiện sự phản đối với những gì ông thầy người Nhật đã và đang làm.
Sự thật đó, bạn có thể đồng tình hoặc phản đối, tuỳ quan điểm và hiểu biết cá nhân. Cơ bản, nó cũng giống như trào lưu tẩy chay các sản phẩm của Tân Hiệp Phát đang nở rộ trên mạng sau “vụ án con ruồi 500 triệu và bản án 7 năm tù”.
Người ta có thể kêu gọi, thể hiện bằng hành động việc tẩy chay với các sản phẩm nước uống của một doanh nghiệp, khi cho rằng cách mà doanh nghiệp này bất nhẫn đẩy người tiêu dùng, dù sai và để lòng tham che khuất lý trí, vào vòng lao lý thay vì có nhiều cách để xử lý một vụ việc.
Người ta cũng có thể thể hiện quan điểm cá nhân khi cho rằng không nên để tâm lý đám đông, bầy đàn tác động và bị dẫn dắt bởi những “âm mưu” khiến “giết chết” một doanh nghiệp Việt Nam vì một sự cố, khi doanh nghiệp đó đóng thuế hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và phía sau họ là cả vạn lao động cùng rất nhiều hệ luỵ kéo theo…
Đó là lựa chọn cá nhân, là quyền của mỗi người. Lựa chọn của cảm xúc hay lý trí, đó là tuỳ chứ không hẳn là chuyện đúng sai. Và việc thể hiện quan điểm, suy nghĩ hay những thông điệp, suy cho cùng thì “có còn hơn không” trong bối cảnh sự vô cảm ngày một tràn lan giữa xã hội này.
Cũng giống như chuyện bầu Đức vắng mặt ở Đại hội thường niên VFF ngày hôm qua, Hội nghị BCH VFF ngày trước đó cũng như việc không liên quan gì đến những công to việc lớn của BĐVN mà minh chứng là sự vớ vẩn của việc thành lập Hội đồng HLV QG - thứ mà chính bầu Đức không lâu trước đó coi là việc trọng đại cần thiết phải làm ngay – không thể coi như sự thờ ơ hay vô can của ông bầu này.
Bởi bầu Đức đang là PCT VFF và từng “nổ” tưng bừng giữa đông đảo văn võ bá quan, chứ không phải là một CĐV hay một “cư dân mạng”.
Cứ nghĩ và tin thế đi…