Tại sao ông Park “chấp nhận” VAR đúng?
Phút 28, Hồng Duy tung cú sút bên ngoài vòng cấm, bóng chạm tay hậu vệ Australia. Sau khi tham khảo VAR khá lâu, trọng tài chính Al Jassim người Qatar quyết định không có phạt đền cho đội tuyển Việt Nam.
Tình huống này gây tranh cãi. Trưởng ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền cho rằng, nếu là ông, ông sẽ thổi phạt đền. Đó cũng là nhận định của trọng tài Ngô Duy Lân.
Tường thuật trận đấu trên tờ ABC online, nhà báo người Australia Dean Bilton cho rằng, tình huống này là 50/50, có nghĩa trọng tài có thể thổi penalty hoặc không.
Ông nhận định: “Một tình huống thực sự là 50/50, bởi vì quả bóng chắc chắn đập vào cùi chỏ của Grant. Nhưng cùi chỏ đó đã được khép chặt vào cơ thể của anh ấy và chỉ thực sự được nới rộng ra sau khi bóng đập vào. Tôi nghĩ đó có lẽ là một quyết định đúng”.
Theo Luật bóng đá cập nhật mới nhất quy định về Chơi bóng bằng tay là tay phải to ra một cách bất thường. Nhưng luật không đề cập cụ thể “một cách bất thường” là như thế nào. Hiểu nôm na, trọng tài là “người phán xử” đối với tình huống 50/50.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhận định, tình huống này không chính xác, gây ảnh hưởng đến trận đấu và đã đề nghị FIFA, AFC kiểm tra chất lượng trọng tài.
Xét theo yếu tố 50/50, Việt Nam cho rằng nên được hưởng phạt đền còn người Australia tin tưởng vào quyết định của trọng tài. Tất cả đều đúng, nhưng chỉ một nửa. Ở khía cạnh này, trọng tài chính Al Jassim sẽ là người đưa ra phán quyết dựa trên cơ sở là sự trung lập, hài hòa lợi ích.
Ông mất đến gần 2 phút để xem lại tình huống này. Mọi quyết định đều thuộc về ông. VAR chỉ có ý nghĩa bổ trợ còn con người mới là chủ thể cuộc chơi. Một quyết định mang tính con người đưa ra dựa trên nhiều yếu tố mà bản thân vị trọng tài đó soi xét đến.
Ông đi đến quyết định không thổi phạt penalty. Al Jassim không sai. Đó là quyết định đúng về lý thuyết và phần nào đó là con tim. Ông Park, vốn không có mấy thiện cảm với giới trọng tài quốc tế, bình thản đón nhận.
“Trọng tài đã xem VAR nhiều lần, và tôi nghĩ họ cũng đúng. Có thể, trọng tài cho rằng cầu thủ Australia không cố ý nên quyết định không cho Việt Nam phạt đền. Chúng tôi phải tuân theo”, lần này, ông Park nêu ý kiến không theo con tim, mà đó là quyết định theo lý trí.
Cả trận đấu, ông thay đổi thái độ khiến tất cả phải ngỡ ngàng. Vẫn là phong cách quen thuộc nhưng giữ gìn hơn. Điển hình là tình huống phút 68, khi Jackson Irvine phạm lỗi với Tiến Linh ngay trước khu cabin huấn luyện của đội tuyển Việt Nam, ông cùng các trợ lý nhảy lên phản ứng, đòi trọng tài phạt thẻ vàng cầu thủ Australia.
Nhưng, cách phản ứng của ông không quá mạnh. Ông mỉm cười nhẹ rồi tuân theo sự chỉ dẫn của trọng tài thứ 4 Al Adba. Một hành động khá ôn tồn, khác xa với vẻ hùng hổ trước đó.
Có vẻ như, ông Park đã rút tỉa các bài học về sự phản ứng thái quá. Nó không nằm ngoài những tấm thẻ phạt thông thường, mà đó chính là vết hằn vào một giới bấy lâu nay được xem là “cầm cân nảy mực”.
Nhìn cách cứ mỗi sau trận đấu, cộng đồng mạng Việt Nam lại tới tấp tấn công facebook trọng tài quốc tế, tất yếu, sự thiện cảm mất đi rất nhiều. Bản thân trọng tài người Uzbekistan thổi trận Saudi Arabia còn tính trước “sự cố” này để tránh khỏi hành động thiếu chuẩn mực của bộ phận người hâm mộ ở Việt Nam cho thấy, chỉ số thiện cảm càng xuống thấp.
Nó như một hệ quả tất yếu. Đến thời điểm cần yếu tố con người quyết định theo kiểu 50/50, họ sẽ chọn lý trí.
Ông Park có lý khi “chấp nhận” VAR đúng dù ông có quyền “cãi”. Bởi suy cho cùng, bóng đá vẫn mang nặng yếu tố con tim mà ở đó, họ cần sự tôn trọng, cần sự công bằng và cả “fair-play”.