Tấm áo chuyên nghiệp V.League và nỗi niềm y học thể thao
Trong một bài phỏng vấn gần đây, bác sĩ Đồng Xuân Lâm của HAGL đưa ra nhận định: “Nền Y học thể thao của chúng ta phát triển nhưng ở mức độ thấp, đặc biệt là thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Có thể chúng ta còn hạn chế về chiến lược đào tạo bác sĩ thể thao, hạn chế cơ sở vật chất, hạn chế về mô hình. Tất cả chưa có quy trình sâu để kích cầu và phát triển”.
Những nhận xét của bác sĩ Đồng Xuân Lâm cũng đã phần nào mô tả bức tranh toàn cảnh hiện trạng Y tế hiện tại của phần lớn các CLB ở Việt Nam. Đa số các đội bóng đều chú trọng việc thi đấu, thành tích, thế nhưng song song với đó là lĩnh vực Y tế lại chưa có được một chiến lược xây dựng để thay đổi và phát triển.
Một bác sĩ của một CLB phía Bắc cho biết: “Về trang thiết bị hay dụng cụ vật lý trị liệu, thực sự thiếu rất nhiều. Gần như các CLB chỉ trang bị một số máy móc cơ bản, còn các thiết bị hiện đại thì hầu như không có vì rất đắt tiền. Chúng tôi vẫn phải làm việc và hoàn thành nhiệm vụ.
Đương nhiên trong quá trình làm việc, chúng tôi vẫn có những đề xuất mua thêm các trang thiết bị cần thiết. Tuy nhiên, để ban lãnh đạo đồng ý và mua là rất khó vì rào cản lớn nhất vẫn là vấn đề tài chính”.
Liên hệ với một đội bóng khác để nắm rõ hơn hiện trạng y tế hiện nay, họ cũng xác nhận vấn đề y tế của đội chỉ ở mức tạm đủ ở phạm vi xử lý của CLB, tuy nhiên không thể so sánh với số ít CLB chuẩn như PVF...
Ở khía cạnh đào tạo về đội ngũ y bác sĩ y học thể thao, đây cũng là một bài toán khó. Vị bác sĩ trên chia sẻ: “Đúng là ở Việt Nam chưa có trường nào đào tạo chuyên sâu về Y học thể thao, chỉ một số ít các y bác sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Còn lại đa phần chúng tôi được học về y học, sau đó từ nâng cao kiến thức và áp dụng thực tiễn.
Hàng năm, Liên đoàn bóng đá Việt Nam có tổ chức lớp học về Y học thể thao nhưng thời gian học thì rất ngắn, chỉ khoảng từ 3-5 ngày. Như thế với tôi là chưa đủ để các bác sỹ có thể cập nhật, thảo luận hay trao đổi những kiến thức mới bởi Y học đang phát triển từng ngày”.
Thông thường, mỗi câu lạc bộ V.League sẽ có một bác sĩ chính chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc sức khoẻ các cầu thủ, lên phác đồ điều trị chấn thương, lên thực đơn khẩu phần ăn,… và một phụ tá khác sẽ làm những công việc đơn giản hơn như massage, theo dõi chế độ luyện tập luyện,… Còn với các đội hạng Nhất, đa phần chỉ có 1 bác sĩ làm việc do kinh phí còn “eo hẹp”.
Tại V.League, mức lương của các bác sĩ dao động từ 8-12 triệu đồng/tháng và ở những đội hạng Nhất thì thấp hơn. Với những câu lạc bộ lớn như Hà Nội, Bình Dương, TP.HCM... thì thu nhập có thể “xông xênh” nhờ khoản tiền thưởng sau mỗi trận thắng, tuy nhiên số đó lại không nhiều.