Từ chuyện Cà Mau xin rút đến nghịch lý BĐVN: Chung quy cũng bởi chữ tiền
Thời thế, thế thời
Những năm gần đây, mỗi mùa giải BĐVN lại chia tay một đội bóng, trong rất nhiều lý do thì mấu chốt luôn nằm ở vấn đề tài chính, và họ ra đi đều không hẹn ngày trở lại. Mới nhất, Cà Mau vừa đoạt tấm vé lên hạng Nhất đã nộp đơn xin rút. Điều này cho thấy rất nhiều bất cập trong nghị quyết của BCH VFF, khi ép số lượng các đội chuyên nghiệp mà không cần quan tâm đến chân đế của cả nền bóng đá. Rất khó khi các nhà tổ chức cứ phải “dập khuôn” để chạy theo cái quy hoạch và định hướng, trong khi sân chơi bóng đá chuyên nghiệp từ lâu không còn là mơ ước, khát khao cũng như là mục tiêu khả thi của nhiều địa phương.
Tiền và phải rất nhiều tiền, đó là điều kiện sống còn với bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng với BĐVN, sau vài mùa giải gần đây, nhất là khi cuộc khủng hoảng kinh tế tác động trực tiếp đến các ông bầu, đội bóng, VPF đã nhận ra vấn đề. Công ty được thành lập để tổ chức các giải chuyên nghiệp này đã đề xuất ý kiến VFF cần phải tinh giảm số đội để phù hợp với tình hình thực tế bóng đá, hướng tới mục tiêu chất lượng. Nghĩa là thay vì chạy theo con số đến năm 2018 phải 14 đội hạng Nhất và 14 đội V.League, cần phải sửa đổi nghị quyết BCH VFF cho hợp lý hơn. Ví dụ V.League chỉ rút gọn còn 10 đội và hạng Nhất ít hơn, hoặc tối đa cũng chỉ 10 đội nếu đủ.
Tuy nhiên, khi ý tưởng này ngay từ khi mới đưa ra đã ngay lập tức bị VFF lắc đầu, với lý do. “Đây là quy hoạch định hướng đã được BCH VFF thống nhất từ năm 2013”. Chỉ là đơn vị đứng ra tổ chức các giải chuyên nghiệp, VPF không thể “cãi lệnh” nhưng với VFF, họ cũng có cái lý của mình. Bởi việc thống nhất nghị quyết trên đều được lấy ý kiến các thành viên trong BCH và nhận được sự nhất trí cao. Nghĩa là dù cả nền bóng đá lao đao và chỉ một vài địa phương, ông bầu đứng ngoài vòng xoáy khủng hoảng, những người làm công tác quản lý, điều hành lẫn chuyên môn ở BĐVN đều muốn “càng đông càng tốt”.
Hay bông hoa nhiều mật
Với nhiều người biết việc và biết mục đích của cái nghị quyết định hướng tới năm 2018 của các thành viên BCH VFF thì đây không phải là sự phát triển chung của nền bóng đá đang đi xuống và tồn tại quá nhiều vấn đề. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng nếu VFF cứ “ép” giải đấu sẽ đứng trước nguy cơ “vỡ” và khó trở thành hiện thực.
“Nắm bắt được thực tế và nếu chúng tôi vẫn phải chạy theo lộ trình tới năm 2018 phải có đủ 28 CLB chơi chuyên nghiệp là rất khó. Đầu mùa giải 2015, VPF đã đề nghị VFF cần xem xét lại và thực tế hơn để rút gọn thay vì cứ phình ra. Tuy nhiên, VFF đã không đồng ý và cho rằng đây là nghị quyết của BCH VFF và đã được quy hoạch từ trước nên phải theo”, TGĐ VPF ông Phạm Ngọc Viễn cho biết.
Nhưng đằng sau câu chuyện này lại là hàng loạt những vấn đề tế nhị. Nó là chuyện tiền bạc. Bóng đá chuyên nghiệp là tiền, là kiếm tiền, tiêu tiền. Và với bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam là cách tiêu tiền nữa.
Có nhiều vấn đề phía sau của cái gọi là chiến lược phát triển hay những vấn đề to tát, liên quan đến số đội chơi chuyên nghiệp. Ví dụ đơn giản nhất, với một đội bóng lên hạng Nhất thì phải được sự đồng ý của VFF với bộ phận cấp phép chứng nhận CLB chuyên nghiệp. Chơi chuyên nghiệp đồng nghĩa với việc có chuyển nhượng, làm hồ sơ chuyển nhượng, đăng ký cầu thủ, tư cách cầu thủ và rất nhiều việc mà VFF là đơn vị gần như tham gia trực tiếp, dù VPF được thành lập để quản lý, điều hành V.League.
Bóng đá chuyên nghiệp là tiền và người ta cần phải sống, bám vào bóng đá. Đó là điều hợp lý và sự hợp lý đó sinh ra những nghịch lý, trong đó có việc BĐVN khủng hoảng và các đội bóng thay nhau xoá sổ, giải thể nhưng khi bỏ phiếu, cả làng đều đồng ý 2 tay và tự mỗi người đều hiểu sau quyết định nghịch lý đó là cái gì…
Khi Thai League bắt đầu lên chuyên nghiệp, LĐBĐ Thái Lan đã quyết định số lượng CLB là 20 và chỉ sau 1 mùa giải,
con số giảm còn 18 CLB.
Nếu quyết định tinh giảm số đội tham dự V.League, hạng Nhất thì các nhà tổ chức phải mất ít nhất từ 3-4 năm. Sau khi đạt được mục đích này, ví dụ đáp ứng yêu cầu chất lượng, muốn trở lại như đúng quy hoạch phải có 28 đội chuyên nghiệp ở 2 giải đấu cũng phải mất ít nhất khoảng thời gian tương tự. Như vậy, quá trình làm lại đó sẽ mất tới gần 10 năm, một khoảng thời gian quá dài mà bản thân những người đang làm BĐVN cũng chưa biết có còn làm nữa hay không và có làm cũng không xác định là vì cái gì.
"Nắm bắt được thực tế và nếu chúng tôi vẫn phải chạy theo lộ trình tới năm 2018 phải có đủ 28 CLB chơi chuyên nghiệp là rất khó”.
TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn