Nghịch lý bóng đá Việt Nam (Tiếp): Có bao nhiêu Cà Mau khác?

thứ bảy 24-10-2015 22:42:45 +07:00 0 bình luận
Không tiền, không có lực lượng, cơ sở vật chất xập xệ và tạm bợ…đấy là thực trạng chung của hầu hết các đội hạng Nhì hiện giờ chứ không riêng gì Cà Mau vừa thăng hạng rồi phải rút lui. Đã, đang và sẽ còn nhiều những Cà Mau khác, với cách làm của VFF như bây giờ…

Khi nghe câu chuyện Cà Mau vừa thăng hạng đã phải “bỏ của chạy lấy người” vì không đủ kinh phí, hầu hết các đội vừa cùng đội bóng này đá vòng loại giải hạng Nhì khu vực phía Nam đều hết sức chia sẻ và thông cảm.

“Chúng tôi thấu hiểu những gì mà Cà Mau đang gặp phải. Song không thể khác hơn, bởi lên hạng Nhất hay V.League, làm bóng đá chuyên nghiệp mà không có tiền, không có đào tạo hay cơ sở vật chất đàng hoàng thì tốt hơn hết là cứ ở hạng Nhì cho đỡ phiền phức.

Trong số các đội vừa tham dự giải hạng Nhì 2015 thuộc khu vực ĐBSCL, Tiền Giang là địa phương có cơ sở vật chất khá tươm tất với sân bãi đúng tiêu chuẩn, chất lượng trong khi đội 1 thì được duy trì quanh năm, công tác đào tạo trẻ cũng được thực hiện khá tốt với 2 tuyến kế cận. Thế nhưng để thăng hạng, chúng tôi phải tính toán và suy nghĩ rất nhiều, dù được sự hậu thuẫn lớn từ phía lãnh đạo tỉnh. Bởi lên hạng Nhất, kinh phí ít nhất cũng cỡ chục tỷ đồng trở lên, rồi liên quan đến nhiều thứ khác. Bởi thế dù mùa giải vừa rồi rất muốn cạnh tranh và có cơ hội nhưng nghĩ lại, chúng tôi đành tiếp tục “nằm vùng” để chờ cơ hội chín muồi hơn…”, ông Trần Phát Tài - Phó GĐ Trung tâm TDTT Tiền Giang chia sẻ.

Khác với Tiền Giang, các đội như Bến Tre, Vĩnh Long khi nghe đến việc thăng hạng thì chỉ biết cười trừ và lắc đầu nguây nguẩy. Bởi với họ, sống và tồn tại được ngày nào thì hay ngày đó chứ không dám mơ xa.

Ông Trần Phát Tài - Phó GĐ Trung tâm TDTT Tiền Giang.

“Làm bóng đá thì ai cũng mong được chơi ở đỉnh cao như hạng Nhất, V.League nhưng với Bến Tre thì điều này chưa dám nghĩ tới, thậm chí là mơ thôi. Thăng hạng và chơi chuyên nghiệp sao được khi mà sân bãi chỉ chứa được vài nghìn khán giả, đèn thì không có, đào tạo trẻ thì chỉ duy trì cho có. Trong khi vấn đề cốt yếu nhất là kinh phí thì chẳng thể moi đâu ra, khi mà hàng năm cả đội 1 với 14 cầu thủ và đội năng khiếu chỉ được nhận từ ngân sách tỉnh chưa tới 1 tỷ đồng.

Như tại giải hạng Nhì vừa rồi chẳng hạn, chắc có lẽ Bến Tre là đội có chế độ bèo bọt nhất khi lương cầu thủ chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, trong khi tiền ăn ở mỗi người chưa đến 150 nghìn đồng/ngày. Đấy, điều kiện như thế đấy thì thăng hạng, chơi chuyên nghiệp cái nỗi gì…”, PGĐ Sở VH-TT&DL Bến Tre, Nguyễn Thiện Chí chua chát.

Trong khi với Vĩnh Long, chia sẻ với Thể thao 24h, PGĐ Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh An cho biết: “Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Vĩnh Long rất hâm mộ và đam mê bóng đá. Vĩnh Long hiện cũng đang có cơ sở vật chất và công tác đào tạo trẻ khá tốt. Bởi thế được lên chơi hạng Nhất hay V.League luôn là điều mà cả lãnh đạo và nhân dân Vĩnh Long đau đáu. Song giữa muốn và thực hiện được là cả một vấn đề. 

Chơi bóng đá chuyên nghiệp thì phải có tiền. Nhưng muốn có tiền thì phải có thành tích, trong khi hiện tại chúng tôi chỉ sống bằng ngân sách tỉnh thì làm sao có thể đầu tư để mang về thành tích tốt, qua đó kêu gọi tài trợ. Hiện tại chúng tôi đang trong cái vòng luẩn quẩn và mâu thuẫn này. Thế nên thay vì mơ mộng cao xa, chúng tôi chỉ có thể “nằm chờ thời”...”.

Không tiền, lực lượng trống rỗng, cơ sở vật chất xập xệ…, đấy là thực trạng chung của hầu hết các đội hạng Nhì hiện giờ chứ không riêng gì Cà Mau vừa thăng hạng đã phải “bỏ của chạy lấy người” như mới đây. Không biết VFF có biết điều này hay cố tình không biết để chạy theo con số với những mục tiêu, kế hoạch rất ảo mà ở đó, bóng đá chưa chắc đã là mục đích chính? 

 

Ở giải hạng Nhì 2015, đội bóng duy nhất đủ tiềm lực và có sự chuẩn bị với lộ trình từ vài năm trước cho việc lên hạng Nhất là Viettel. Với dàn cầu thủ trẻ, được đầu tư tốt cùng cơ sở vật chất, sân bãi và sự hậu thuẫn đáng mơ ước với không chỉ BĐVN, Viettel mong muốn phát triển bền vững nên phải chờ đến vài năm mới dám thăng hạng khi đủ điều kiện.

 

Bình Thuận được mệnh danh là “Vua hạng Nhì” với gần 30 năm tồn tại ở giải đấu này và hiện được xem là một trong những địa phương có cơ sở vật chất khá tươm tất, công tác đào tạo trẻ khá ngăn nắp. Thế nhưng, khi nhắc đến chuyện thăng hạng thì những người làm bóng đá ở đây chỉ biết cười, dù họ rất muốn và từng có lúc tính “làm liều” theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”. Nhưng khi nghĩ đến viễn cảnh phải chạy vạy để có đủ hơn chục tỷ đồng rồi lực lượng kế cận, việc có thể tự đứng trên đôi chân mình và tồn tại, phát triển thì họ đành thối lui. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội