VFF nếu xét KPI, bầu Đức có thể bị loại từ “vòng gửi xe”
Hãy tưởng tưởng trong trường hợp bầu Đức muốn tái tranh cử chức phó chủ tịch LĐBĐVN (VFF) phụ trách tài chính nhiệm kỳ 8, ông Đức gần như đứng trước nguy cơ bị loại ngay từ vòng đầu, nếu xét hiệu quả công việc hoàn thành ở nhiệm kỳ đầu tiên.
>>> Kiếm 150 tỷ đồng trong năm 2017, VFF vẫn báo lỗ
>>> Bầu Đức và những phát ngôn "lo tất", "bỏ hết" làm dậy sóng dư luận
>>> Được đề cử làm Chủ tịch VFF, bầu Đức vẫn nói không
>>> VFF chia tay HLV Miura: Cuộc chơi của bầu Đức đã bắt đầu
>>> Chuyện phía sau kỳ họp BCH VFF: HLV Miura khổ vì bầu Đức
KPI (Key Performance Indicator), hiểu nôm na là chỉ số đánh giá thực hiện công việc. Thông thường mỗi chức danh sẽ có bản mô tả công việc hoặc kế hoạch làm việc, hàng tuần, hàng tháng để từ đó nhà quản lý đánh giá hiệu quả của chức danh đó. Dựa trên việc hoàn thành KPI, người ta có thể xét một trường hợp cụ thể có hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình hay không.
Bầu Đức là phó chủ tịch phụ trách tài chính-tài trợ của VFF nhiệm kỳ 7 và như vậy, trách nhiệm lớn nhất của ông Đức chắc chắn là mang tiền về cho liên đoàn. Hãy lấy đương kim Chủ tịch Lê Hùng Dũng làm ví dụ. Ông Dũng chính là người tiền nhiệm của bầu Đức ở cương vị hiện tại, phó chủ tịch phụ trách tài trợ-tài chính VFF.
Dựa vào việc làm lãnh đạo cùng lúc ở cả 2 đơn vị kinh doanh lớn, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC và ngân hàng Eximbank, ông Lê Hùng Dũng đã làm rất tốt vai trò kiếm tiền cho VFF khi còn đương chức Phó chủ tịch. Đây cũng là lý do chính giúp ông Dũng đắc cử vào chiếc ghế chủ tịch nhiệm kỳ 7.
Người ta còn nhớ ở thời điểm đắc cử, Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã đưa ra cam kết về khoản tiền lên tới hơn 300 tỷ đồng mỗi năm có thể đưa về cho VFF. Ông Dũng khi đó chắc chắn phải chờ đợi rất nhiều vào sự hỗ trợ của bầu Đức, cấp phó của mình. Tuy nhiên, điều tốt đẹp trên đã không thể xảy ra.
Trong suốt 4 năm của nhiệm kỳ 7, ông chủ đội bóng HAGL không đem về cho VFF khoản tiền đáng kể nào. Bản hợp đồng duy nhất của bầu Đức được VFF công bố chính là hợp đồng tài trợ sữa cho các ĐTQG, ký trước thời điểm U22 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 29. Nếu so với khoản tiền 150 tỷ doanh thu của VFF chỉ trong năm 2017, giá trị hợp đồng bầu Đức đem lại là khá khiêm tốn. Và trong năm tài chính trên, VFF vẫn chịu lỗ tới 7 tỷ đồng.
Không ai phủ nhận tâm huyết của bầu Đức đối với bóng đá. Nhưng ông Đức lên nắm quyền ở VFF rơi đúng thời điểm tập đoàn HAGL gặp nhiều khó khăn. Ngay cả khi bầu Đức chi ra cỡ 10 tỷ đồng để trả 2 năm tiền lương cho HLV Park Hang Seo, thì con số này vẫn là quá nhỏ bé so với trách nhiệm ông Đức phải gánh vác ở VFF. Người ta hoàn toàn có thể đặt vấn đề, vì sao VFF lại lâm vào cảnh thiếu tiền đến thế, nếu không phải 1 phần lớn do bầu Đức chưa hoàn thành trách nhiệm?
Rốt cuộc trong cả nhiệm kỳ, công việc bầu Đức dành thời gian để làm ở VFF lại hoàn toàn không liên quan gì đến quyền hạn của ông, đó là dùng ảnh hưởng để nâng lên, đặt xuống chiếc ghế HLV trưởng các ĐTQG. Những lần ông Đức chi tiền gần như đều có liên quan đến HAGL, như việc đưa lứa U19 Việt Nam hồi năm 2013 ra nước ngoài tập huấn chẳng hạn. Tiếng là ĐTQG nhưng quân HAGL... chiếm số đông, với ông HLV trưởng cũng chính là người của bầu Đức, ông Guillaume Graechen.
Nói bầu Đức có thể bị loại từ “vòng gửi xe” nếu tái tranh cử chức phó chủ tịch VFF là vì thế, chưa xét đến chiếc ghế chủ tịch, vốn đòi hỏi người nắm giữ phải có trách nhiệm cực lớn. Cũng cần lưu ý rằng việc ông chủ 1 đội bóng lại nắm chức vụ quan trọng ở VFF hay VPF, những nơi có thể đưa ra những quyết định ảnh hưởng tới lợi ích của đội bóng, là một sự bất hợp lý mà bóng đá Việt Nam buộc phải chấp nhận suốt thời gian vừa qua. Nó cũng tương tự như chuyện một ông bầu có quyền sinh sát tới 4,5 đội bóng ở V.League mà ai cũng đang phải mặc nhiên thừa nhận!?