Một thập kỷ đau đớn và những trăn trở của cựu cầu thủ bóng rổ ĐT Việt Nam
"Mình từng là tuyển bóng đá nhí TP.HCM nhưng duyên cớ là mình nhỏ con quá nên chuyển qua chơi bóng rổ cho cao, kể từ ngày mình chơi bóng rổ mình như diều gặp gió, mình đã đạt biết bao chức vô địch, cúp và huy chương vàng," Đinh Duy Tân mở đầu câu chuyện biết tới trái bóng cam.
Không giống những đứa trẻ cùng trang lứa chỉ biết tới màn hình điện thoại, máy tính, tivi, cậu bé sinh năm 1995 Đinh Duy Tân lại bộc lộ năng khiếu thể thao từ rất sớm. Có chị gái là VĐV Điền kinh Tp.Hồ Chí Minh, Duy Tân vì thế theo đuổi con đường thể thao từ khi còn rất nhỏ, thế nhưng hành trình dành cho cậu bé lớp 5 này lại gập ghềnh tới mức nghiệt ngã.
Năm lớp 5 được góp mặt ở đội tuyển bóng đá trẻ thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì đội không có kinh phí tập luyện, rất nhiều cầu thủ trẻ trong đó có Đinh Duy Tân quyết định bỏ dở giữa chừng. Đó cũng là thời điểm cậu bé này quyết định chuyển sang chơi bóng rổ với mục tiêu đơn giản là để... cao.
"Mình ham chơi bóng rổ lắm, ham tới mức không hiểu luôn. Sáng trước khi đi học là ôm banh ra sân Nguyễn Gia Thiều chơi, rồi tới giờ học là ôm banh chạy về trường. Trưa rảnh thì 2h ôm banh ra sân tập tới tối, ngày nào ngày nào cũng vậy, mê lắm".
Với năng khiếu thể thao luôn chảy trong máu cùng đam mê tập luyện hàng ngày, 2 năm sau Duy Tân có những bước phát triển vượt bậc. Thế nhưng cơ hội chỉ thực sự đến khi cậu bé cấp II gặp thầy Ngô Thành, cũng là cha của cầu thủ HCM City Wings Ngô Tuấn Trung.
"Thầy Thành nhìn thấy mình chơi thì có hỏi chuyện rồi kéo mình về sân 2/9 chơi vì mình học ở Nguyễn Gia Thiều, cũng từ đó mình biết mình chơi bóng vì điều gì," Đinh Duy Tân nhớ lại bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chơi bóng của mình.
Quyết định gia nhập Tân Bình trở nên thật hài hước khi đội bóng này vốn toàn cầu thủ có chữ cái đầu là T như Tú, Tiến, Thọ, Tùng, Thông. Đinh Duy Tân vì thế hoà nhập rất nhanh và cùng những người đồng đội dành vô số chức vô địch.
Đó là bước tiến quan trọng giúp Duy Tân được gọi vào đội hình trẻ của tuyển Tp.Hồ Chí Minh, cơ hội bỗng mở rộng ra trước mắt cậu bé khi ấy mới đang học lớp 7. "Khi đó mình vừa chơi bóng, vừa có tiền lương hàng tháng kha khá, tới khi được gọi vào đội tuyển Việt Nam mọi thứ đối với mình phát triển rất nhanh."
Năm 2011, Đinh Duy Tân được gọi vào đội tuyển trẻ Việt Nam tham dự giải U16 FIBA Asia tổ chức tại Nha Trang. Chủ nhà Việt Nam khi đó nằm cùng bảng D với những đối thủ Philippines và Indonesia. Dù bị loại sớm nhưng đó chưa phải là nỗi đau lớn nhất với Tân.
"Trận đầu đấu với Indonesia mình chỉ được ra sân một hiệp nên hơi khó chịu, vì vậy khi vào đấu trận với Philippines mình rất sung. Nhưng mới chạy được chút đầu gối của mình đã va chạm với 3 cái đầu gối của đối phương cùng lúc. Rất đau và mình được cáng rời sân ngay," Đinh Duy Tân nhớ lại khoảnh khắc mình đối mặt với chấn thương đứt dây chằng.
Là VĐV thực hiện nghĩa vụ cho đội tuyển quốc gia, nhưng Đinh Duy Tân không dám trông chờ vào số tiền chữa trị: "Khi đó mình cũng có tiền lương tiết kiệm, tiền này tiền kia nên mình lấy ra để mổ luôn. Vì chờ thủ tục để lấy tiền lâu và phức tạp lắm, sợ chấn thương càng thêm nặng nên mình không nghĩ nhiều.
May mắn là ca mổ thành công, mình không từ bỏ và đã tập luyện lại sau 4 tháng điều trị. Mình có thể bật cao, tăng tốc như lúc đầu." Duy Tân nhớ lại cùng gương mặt đượm buồn, bởi đó mới chỉ là khởi đầu trong hành trình 10 năm vật lộn với chấn thương của chàng trai sinh năm 1995.
Ngay trong buổi tập lại đầu tiên cùng tuyển thành phố, Đinh Duy Tân đứt lại dây chằng đúng chỗ cũ. Nước mắt của Tân cũng vì thế rơi xuống, nó biểu thị cho sự bất lực khi vận xui nhanh chóng tìm đến.
Thêm một lần nữa nỗi đau ám ảnh VĐV lặp lại với chàng cầu thủ sinh năm 1995. Vị trí trong đội tuyển thành phố cũng không còn, khó khăn và lỡ dở vây bám cậu học sinh vừa bước lên cấp III. Giờ đây Tân không thể bật cao bám rổ như trước, tốc độ và thể lực cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chấn thương.
Thế nhưng một lần nữa chàng trai tới từ thành phố mang tên Bác không chấp nhận gục ngã. Biết rằng mình không thể thi đấu đỉnh cao được nữa, Duy Tân vẫn nỗ lực tập luyện để có thể chơi bóng rổ phủi thoả mãn đam mê.
Hơn 18 tháng tập luyện và nỗ lực thi vào Đại học Huflit, Đinh Duy Tân đã có thể chơi bóng ở cấp độ thấp hơn, nhưng nó cũng chứng kiến lần thứ ba nỗi ám ảnh chấn thương khiến anh không thể tiếp tục nuôi dưỡng đam mê.
Không phải đứt dây chằng như 2 lần trước, các bác sỹ kết luận chàng trai 20 tuổi bị rách sụn và lật đĩa đệm ở cùng chân đó. Một lần nữa bác sỹ khuyên Duy Tân dừng lại, và anh buộc phải thực hiện điều đó vì gia đình.
"Mẹ và vợ đã khổ vì mình rất nhiều. Nếu mình lại ra sân chơi bóng, lại chấn thương, mọi người sẽ phải chăm sóc mình rất mệt. Giờ lo đi làm kiếm tiền, những đam mê nuối tiếc còn lại đành cất vào một góc,"
Một thập kỷ vật lộn với 3 chấn thương ám ảnh ở cùng một chân, Đinh Duy Tân đã trải qua những ngày tháng tuổi trẻ đầy đam mê song hành với vô vàn thử thách. Ở tuổi 26, anh đã có hạnh phúc riêng với vợ và con nhỏ, tuy nhiên tình yêu trái bóng cam vẫn là thứ khiến Tân trăn trở nhiều đêm.
"Giờ đi đường thấy mà thấy sân bóng rổ là mình dừng lại xem mọi người chơi bóng, hồi tưởng lại thanh xuân, những trải nghiệm của mình. Mình không thích xem bóng rổ, mình chỉ thích được cầm bóng và chơi, mình sẽ truyền lại đam mê và những tiếc nuối của mình cho con".
Giấc mơ bóng rổ đã rời xa tầm tay Đinh Duy Tân, giờ đây người đàn ông ở tuổi 26 trở về với thực tại với rất nhiều thử thách. Cả gia đình Tân giờ phải trông chờ vào mức lương 10 triệu của anh, trong khi vợ vừa nghỉ việc vì đồng lương giáo viên Giáo dục-Công dân quá thấp.
"Mình vẫn muốn làm một công việc nào đó liên quan tới bóng rổ. Sau này nếu có cơ hội mình sẽ đi học thêm để có cơ hội nhận bằng HLV, qua đó truyền tình yêu bóng rổ của mình tới các em nhỏ và nhất là con trai mình," Đinh Duy Tân khép lại với những khát vọng chưa thành hình.